Chính sách

Quy hoạch TP Hồ Chí Minh: Lưu ý về không gian phát triển khu công nghiệp

DNVN - Về dự thảo Báo cáo quy hoạch TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên trong hội đồng thẩm định lưu ý về việc bố trí không gian phát triển các khu công nghiệp; giải quyết điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực...

Ra mắt hệ thống thanh toán 'một chạm' trên xe buýt tại TP Hồ Chí Minh / Khoảng 18.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh

Phát biểu tại phiên họp của Hội đồng Thẩm định Quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, sáng ngày 12/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, TP Hồ Chí Minh là đô thị đặc biệt của cả nước, là cửa ngõ quan trọng kết nối với khu vực và thế giới.

Đây là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ; là đầu tàu, động lực, có sức hút và sức lan tỏa lớn của vùng Đông Nam Bộ và cả nước.

Thành phố chỉ chiếm 0,6% diện tích cả nước, dân số 9,2 triệu người chiếm khoảng 9% dân số cả nước, nhưng đóng góp gần 20% GDP và 25% thu ngân sách cả nước.

Trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Tiềm năng, thế mạnh, năng lực đột phá, sáng tạo chưa được khai thác hiệu quả. Mô hình tăng trưởng và cơ cấu kinh tế của TP chậm đổi mới.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quy hoạch TP Hồ Chí Minh sẽ là căn cứ quan trọng để xúc tiến, thu hút đầu tư các chương trình, dự án.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được phê duyệt sẽ là căn cứ quan trọng để địa phương triển khai việc xúc tiến, thu hút đầu tư các chương trình, dự án. Đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.

Về dự thảo Báo cáo quy hoạch TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các thành viên trong Hội đồng thẩm định cho ý kiến, đánh giá vị thế, vai trò của TP đối với vùng, quốc gia. Xác định các “điểm nghẽn” phát triển và tiềm năng, lợi thế, cơ hội của TP trong kỳ quy hoạch.

Cùng với đó là lưu ý về phương án phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật để giải quyết ùn tắc giao thông, ngập lụt, ô nhiễm môi trường. Bố trí không gian phát triển các khu công nghiệp; giải quyết điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực...

Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, công tác quy hoạch có ý nghĩa rất lớn trong việc định hình và xây dựng các kế hoạch, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và trong từng lĩnh vực nói riêng. Trong thời gian qua, với nhận thức như trên, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã tập trung đôn đốc triển khai công tác lập quy hoạch.

Dự thảo Báo cáo quy hoạch tập trung thể hiện rõ các định hướng phát triển của TP Hồ Chí Minh trên 5 nội dung: kinh tế xanh; đô thị sáng tạo; hạ tầng thông minh; xã hội văn minh; môi trường bền vững. Dự thảo cơ bản bám sát, bảo đảm phù hợp về mặt định hướng trong Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 .

Đồng thời, bám sát các nghị quyết của Đảng về phát triển kinh tế vùng Đông Nam Bộ và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.


Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm