Chính sách

Chuyên gia HSBC: Việt Nam có những nền tảng mạnh mẽ để vững vàng tăng trưởng kinh tế

DNVN - Theo giới chuyên gia, lực lượng lao động trẻ và am hiểu công nghệ, Chính phủ tập trung vào chuyển dịch năng lượng, sự phục hồi của những đối tác thương mại lớn của Việt Nam… là những động lực chủ đạo cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và những năm tới.

Chủ động phát hiện những vấn đề mới, cấp bách để chỉ đạo phát triển kinh tế / Quy hoạch Thủ đô: Đề xuất những điểm mới, đột phá trong định hướng phát triển

Đánh giá về động lực chủ đạo cho tăng trưởng của Việt Nam, ông Ahmed Yeganeh - Giám đốc toàn quốc khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng HSBC Việt Nam cho biết, trong năm 2023, Việt Nam - nền kinh tế định hướng xuất khẩu chịu ảnh hưởng khi nền kinh tế Mỹ và Trung Quốc suy yếu.

Dù vậy, chuyên gia kỳ vọng nhìn thấy sự phục hồi ở các đối tác thương mại lớn của Việt Nam trong năm 2024. Điều đó sẽ mang lại thuận lợi nhất định cho tăng trưởng kinh tế trong những năm tới.

“Có thể những diễn biến trong nền kinh tế toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến Việt Nam nhưng tôi tin rằng, Việt Nam có những nền tảng cơ bản mạnh mẽ để tiếp tục vững vàng tăng trưởng”, ông Ahmed Yeganeh nói.

Phân tích cụ thể về vấn đề này, ông Ahmed Yeganeh cho biết, Việt Nam đang hưởng lợi nhờ một nền dân số trẻ và đang phát triển với với tốc độ đô thị hóa gia tăng và tầng lớp thu nhập trung lưu gia tăng nhanh chóng.

Điều này sản sinh ra một lực lượng lao động trẻ trung và am hiểu công nghệ. Theo đó, cho phép Việt Nam hưởng lợi và đón nhận những cơ hội từ những nền tảng mới và cách làm việc, cách tương tác mới cũng như tiếp tục duy trì vị thế điểm đến FDI hấp dẫn.


Ông Ahmed Yeganeh - Giám đốc toàn quốc khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng HSBC Việt Nam.

Đến năm 2030, trong 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất toàn cầu có tới 6 thị trường của châu Á là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Bangladesh và Việt Nam. Điều đó dẫn đếnsự tăng trưởng không ngừng của tầng lớp trung lưuở Việt Nam và đây chính là một động lực của thịnh vượng và tăng trưởng kinh tế.

Những đặc điểm nhân khẩu học chính là một thế mạnh của Việt Nam. 100 triệu dân, trẻ, có tinh thần làm chủ và am hiểu công nghệ, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động lên đến hơn 73% và tốc độ đô thị hóa ngày càng gia tăng ở mức 38%. Dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam tiếp tục tăng hàng năm ở mức 0,4% trong khi Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore đều đang suy giảm.

Kết quả là tiêu dùng nội địa của Việt Nam sẽ trở thành một trong 10 thị trường lớn nhất thế giới, vượt qua Vương quốc Anh, Đức, Thái Lan và Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2030.

Một kết quả tích cực dễ thấy là thương mại điện tử đã tăng gấp đôi từ 8 tỷ USD vào năm 2018 lên hơn 16 tỷ USD trong năm 2022 và báo cáo chỉ số thương mại điện tử Việt Nam dự báo con số này sẽ tăng lên hơn 20 tỷ USD vào năm 2024.

Việt Nam cũng sẽ chứng kiến thay đổi nhiều nhất về tỷ lệ người trưởng thành có tài sản trị giá trên 250.000 USD, vượt qua hầu hết các nền kinh tế ở châu Á. Việt Nam đang trên đà trở thành thị trường tiêu dùng tương lai, mở ra cơ hội to lớn cho cả nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài.

Cũng theo chuyên gia của HSBC, tăng trưởng kinh tế dẫn dắt bởi FDI cho phép Việt Nam hưởng lợi nhiều hơn so với các nước khác, thu hút đầu tư vào các ngành tăng trưởng nhờ trở thành cơ sở sản xuất toàn cầu đối với hàng điện tử.

“Có thể thấy Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến khi nhìn lại thời điểm năm 2000, xuất khẩu điện tử mới chỉ chiếm 5% trong tổng xuất khẩu, còn hiện tại đã đóng góp hơn 30% tỷ trọng”, chuyên gia nhìn nhận.

“Những nỗ lực số hóa của Việt Nam đã thổi một luồng gió mới vào các doanh nghiệp startup, kiến tạo cơ hội và nhu cầu cho những doanh nghiệp khởi nghiệp có thể cung cấp giải pháp trên nền tảng công nghệ nhằm cải thiện hệ thống hiện tại trong lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ tài chính, logistics… Google và Temasek dự báo nền kinh tế internet của Việt Nam sẽ đạt quy mô giá trị 45 tỷ USD vào năm 2025”, ông Ahmed Yeganeh đánh giá.

Ngoài ra, theo chuyên gia, chuyển dịch năng lược cũng là một lĩnh vực tiềm năng cho tăng trưởng và cơ hội. Việt Nam công bố cam kết mạnh mẽ tại COP26 sẽ chuyển dịch sang cân bằng phát thải vào năm 2050 và điều này đòi hỏi lượng đầu tư không hề nhỏ.

Vì vậy, chuyển dịch năng lượng giờ đây trở thành trọng tâm trong các ưu tiên của Chính phủ và sẽ là một động lực tăng trưởng quan trọng. Lượng điện Việt Nam tiêu thụ đang gia tăng nhanh chóng do dân số gia tăng, tăng trưởng GDP mạnh mẽ và ngành công nghiệp đang phát triển.

Việt Nam cần bảo đảm tiếp tục là điểm đến ưa thích của đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Không nên xem nhẹ quy mô và tầm vóc của tham vọng này, Việt Nam sẽ cần tới 14 tỷ USD đầu tư hàng năm để đạt được cam kết cân bằng phát thải vào năm 2050, tương đương hơn 100 tỷ USD tới năm 2030 và hơn 300 tỷ USD tới năm 2050.

“Tóm lại, tôi cho rằng chúng ta có thể thấy rõ những nền tảng vững mạnh của Việt Nam: đặc điểm nhân khẩu học, số hóa và Chính phủ tập trung vào chuyển dịch năng lượng

Với những yếu tố này, Việt Nam đã đặt ra những mục tiêu đầy tham vọng cho năm 2050: trở thành một quốc gia cân bằng phát thải, một quốc gia có thu nhập cao và một thị trường phát triển”, Giám đốc toàn quốc khối Dịch vụ ngân hàng doanh nghiệp, Ngân hàng HSBC Việt Nam nhấn mạnh.

Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm