Chính sách

Quy hoạch Thủ đô: Đề xuất những điểm mới, đột phá trong định hướng phát triển

DNVN - Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển. Quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian.

Hà Nội phấn đấu đứng đầu cả nước về một số chỉ tiêu KHCN và đổi mới sáng tạo / Ký kết Chương trình phối hợp giữa Sở Du lịch Hà Nội và Sở Thông tin và Truyền thông

Phát biểu tại hội thảo tham vấn ý kiến đối với Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ngày 9/1, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội (Quy hoạch) được lập trong bối cảnh đã có Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định rất rõ về định hướng phát triển của đất nước đến năm 2045.

Cùng với đó là Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển vùng đồng bằng sông Hồng đến 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 5/5/2022 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết,Quy hoạch đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển.

Quốc hội đã thông qua Quy hoạch tổng thể quốc gia và Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, hiện nay, đã có 109/110 quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia hoàn thành việc lập, thẩm định và phê duyệt. Trong đó, 20 quy hoạch cấp quốc gia và 7 quy hoạch tỉnh trong vùng đồng bằng sông Hồng đã được phê duyệt.

Mặc dù tiến độ yêu cầu gấp, thời gian thực tế triển khai khoảng 12 tháng so với quy định là 24 tháng, song Quy hoạch vẫn được triển khai công phu, bài bản, nghiêm túc, tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình triển khai lập Quy hoạch, thành phố Hà Nội đã tổ chức xin ý kiến 21 bộ, cơ quan trung ương; 15 tỉnh, thành phố trong vùng Thủ đô và vùng đồng bằng sông Hồng. Các chuyên gia, nhà khoa học và xin ý kiến rộng rãi các tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư thông qua website của cơ quan lập Quy hoạch.

Nội dung Quy hoạch đã thể hiện tư duy, tầm nhìn mới, phù hợp với định hướng phát triển của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2021 - 2030. Phát huy vai trò là cực tăng trưởng, động lực phát triển cho các địa phương trong vùng Thủ đô, vùng đồng bằng sông Hồng.

“Xuất phát từ những tiềm năng, lợi thế và những kết quả đã đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, Quy hoạch đã đề xuất những điểm mới, có tính đột phá mạnh mẽ trong định hướng phát triển. Quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian”, ông Dũng nói.

Quy hoạch đề xuất 5 quan điểm phát triển chung và 3 quan điểm về tổ chức không gian.

Về quan điểm phát triển, Quy hoạch nhấn mạnh rõ những yếu tố liên quan đến “tạo sức lan tỏa để thúc đẩy vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng Thủ đô và cả nước cùng phát triển”. “Phát triển bao trùm, nhanh và bền vững”, phát triển đô thị xanh, lấy sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm của Thủ đô.

Phát triển bền vững trên nguyên tắc “thuận tự nhiên”, lấy tiêu chỉ phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn, kiểm soát chất lượng môi trường hướng đến mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng “0”.

Về tổ chức không gian, Quy hoạch tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực được tập trung theo 5 tuyến hành lang và vành đai kinh tế, gắn với 5 trục phát triển. Đồng thời, chú trọng phát triển 5 loại hình không gian: không gian xây dựng; không gian ngầm; không gian số; không gian văn hoá; không gian công cộng (đặc biệt là không gian xanh).

Quy hoạch đưa ra 20 mục tiêu cụ thể, bao gồm 6 mục tiêu về kinh tế, 5 mục tiêu về xã hội, 6 mục tiêu về môi trường, 2 mục tiêu về đô thị và nông thôn và 1 mục tiêu về quốc phòng, an ninh. Trong đó, các mục tiêu đặt ra của giai đoạn này, Hà Nội xác định một số chỉ tiêu cao hơn mức bình quân chung của cả nước.

Cụ thể, tỷ trọng kinh tế số chiếm 40% trong GRDP bình quân đầu người, GRDP đạt khoảng 13.500 - 14.000 USD. Diện tích cây xanh sử dụng công cộng trong đô thị khoảng 10 - 12 m2/người, tỷ lệ đô thị hóa đạt 65 - 70%.

Quy hoạch xác định 5 trụ cột phát triển Thủ đô bao gồm: văn hóa và di sản; chuyển đổi (chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, kinh tế tuần hoàn); hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; xã hội số, kinh tế số, đô thị thông minh; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo và 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Quy hoạch còn xác định 4 đột phá phát triển, bao gồm: đột phá về thể chế và quản trị; đột phá về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và kết nối; đột phá về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và khai thác tài nguyên nhân văn; đột phá về đô thị, môi trường và cảnh quan.

Đồng thời, xác định các ngành, lĩnh vực của Thủ đô phải đi đầu trong ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ, tiếp cận các xu hướng phát triển mới của cách mạng 4.0. Nghiên cứu phân bổ không gian phát triển thành 5 vùng phát triển kinh tế - xã hội.

“Quy hoạch sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sẽ là cơ sở đặc biệt quan trọng để các cấp, các ngành nghiên cứu xây dựng và triển khai thực hiện những chính sách, kế hoạch, chương trình phát triển và các dự án đầu tư nhằm phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030”, ông Dũng nhấn mạnh.


Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm