Chính sách

Đề xuất xây dựng Cổng thông tin một cửa quốc gia phiên bản di động

DNVN - Ông Trần Văn Hiển- Trưởng Ban Đào tạo thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, khoảng 70% dân số Việt Nam dùng điện thoại di động, 95% người dân dùng internet qua thiết bị di động, vì vậy phải xây dựng hệ thống Cổng thông tin một cửa quốc gia phiên bản di động để tạo thuận lợi hơn nữa cho DN.

Tạo lập hệ sinh thái giữa cơ quan quản lý và hiệp hội chăn nuôi / Sớm triển khai cơ chế thử nghiệm để không tụt hậu trong phát triển tài chính, kinh tế

DN vẫn gặp nhiều khó khăn
Cơ chế một cửa quốc gia (MCQG) của Việt Nam cho phép DN cung cấp thông tin cho nhiều cơ quan Nhà nước trên một nền tảng duy nhất, hợp lý hóa thủ tục hành chính, giảm thời gian thông quan tại cửa khẩu và tiết kiệm chi phí cho DN. Tính đến ngày 17/10/2022, Cơ chế MCQG đã có 250/261 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với gần 5 triệu bộ hồ sơ của hơn 55 nghìn doanh nghiệp.
Ngày 3/11 vừa qua, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã công bố Báo cáo “Mức độ hài lòng của doanh nghiệp về việc thực hiện thủ tục hành chính qua Cơ chế MCQG và các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành". Khảo sát có sự tham gia của hơn 3.000 DN đã và đang sử dụng, trải nghiệm Cổng thông tin MCQG. Bên cạnh đó, 46 đơn vị trực thuộc các bộ ngành đang kết nối đến Cổng thông tin MCQG cũng đóng góp ý kiến từ góc độ cơ quan quản lý Nhà nước.
Đây là kết quả hợp tác giữa VCCI, Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) và Dự án Tạo thuận lợi Thương mại của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Cổng thông tin MCQG trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho DN cũng như giảm thiểu các gánh nặng chi phí tuân thủ cho DN trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành.

Tính năng của Cổng thông tin MCQG đã có nhiều cải thiện tích cực.
Kết quả khảo sát cho thấy, các chức năng được cung cấp trên Cổng thông tin MCQG hoạt động tương đối tốt với số đông DN. Những nhóm tính năng cơ bản như tạo tài khoản đăng nhập, xem và in hồ sơ, quản lý hồ sơ, xem và in giấy phép, giấy chứng nhận dễ thực hiện với đại đa số DN với khoảng từ 85% DN đánh giá dễ hoặc tương đối dễ thực hiện.
Dù vậy, hai chức năng chỉnh sửa hồ sơ và rút (hủy) hồ sơ đôi khi vẫn tồn tại những trục trặc nhất định trong quá trình DN thực hiện thủ tục hành chính trên Cổng thông tin MCQG. Những chức năng cần cải thiện nhiều nhất thuộc về các tiện ích bổ sung, gồm tải tệp tài liệu, tra cứu thông tin và hỏi đáp vướng mắc.
Dù có cải thiện so với những năm trước đây, song các chức năng này vẫn còn tồn tại khá nhiều hạn chế. Cụ thể, khoảng 16% DN cho biết khó tra cứu danh mục thông tin trên Cổng thông tin MCQG. Có đến 28% DN đánh giá chức năng hỏi đáp vướng mắc hoạt động chưa như kỳ vọng.
Tỷ lệ DN cho biết họ dễ dàng thực hiện các thủ tục trong diện đánh giá dao động trong khoảng từ 45% đến 81%. Các thủ tục thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương nhận tỷ lệ đánh giá dễ, tương đối dễ thực hiện cao nhất từ các DN.
Trong khi đó, DN vẫn gặp nhiều khó khăn khi thực hiện những thủ tục của Bộ Y tế. Cụ thể, khoảng 55% DN gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục “Cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế” trên Cổng thông tin MCQG. Tỷ lệ tương ứng đối với thủ tục “Cấp số tiếp nhận phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm nhập khẩu” là khoảng 49%. Một số thủ tục khác trên Cổng thông tin MCQG có trên 25% DN phản ánh việc tuân thủ còn tương đối khó hoặc khó.
Cũng theo kết quả khảo sát, khoảng 64% trong số 46 đơn vị trực thuộc các bộ ngành cho biết họ từng gặp những sự cố kỹ thuật khi thực hiện thao tác giải quyết hồ sơ của DN trên Cổng thông tin MCQG. Tương tự, khoảng 55% số đơn vị báo cáo đã từng gặp sự cố khi thực hiện truyền kết quả giải quyết hồ sơ của DN qua cổng.
Cần xây dựng hệ thống mới hiện đại
Ở góc độ kỹ thuật, chia sẻ với Doanh nghiệp Việt Nam, ông Trần Văn Hiển - Trưởng Ban Đào tạo và Hội viên thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME), Thành viên tư vấn mạng lưới Chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch & Đầu tư đánh giá, nếu việc xây dựng Cổng thông tin MCQG đáp ứng được yêu cầu của cộng đồng DN, đặc biệt là các DN nhỏ và siêu nhỏ với lợi thế năng động, sáng tạo và thích ứng nhanh sẽ là “cú hích” giúp DN bứt phá.

Ông Trần Văn Hiển - Trưởng Ban Đào tạo và Hội viên thuộc VINASME, Thành viên tư vấn mạng lưới Chuyển đổi số của Bộ Kế hoạch & Đầu tư.

"Tôi có thể so sánh Cổng thông tin MCQG như một ngôi nhà. Ngôi nhà đó không chỉ phục vụ một cá nhân hoặc một tổ chức mà phục vụ cả cộng đồng DN. Nếu ngôi nhà gặp sự cố sẽ ảnh hưởng đến cả cộng đồng. Vì vậy, việc xây dựng Cổng thông tin MCQG với công nghệ mới nhất, hiện đại sẽ giúp cộng đồng DN giảm được chi phí tuân thủ và là đòn bẩy giúp DN phát triển bền vững", ông Trần Văn Hiển nói.
Khi đó, Cổng thông tin MCQG sẽ đồng bộ với hệ thống cổng thông tin với các bộ, ban ngành. Đồng thời phù hợp với Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ.
Dẫn báo cáo về “Thị trường ứng dụng di động 2021” do Appota phát hành, Trưởng Ban Đào tạo và Hội viên của VINAMSE cho biết, Việt Nam có khoảng 70% dân số sử dụng điện thoại di động. Tỷ lệ dân số sử dụng internet cũng chiếm 70%, lượng người dùng sử dụng internet qua thiết bị di động chiếm khoảng 95% và trung bình họ dành 3 giờ 18 phút để sử dụng internet qua di động.
Do đó, việc xây dựng hệ thống Cổng thông tin MCQG phiên bản di động là cần thiết và đáp ứng nhu cầu của cộng đồng DN cũng như phù hợp với xu thế hiện nay.
Cũng theo chuyên gia này, tỷ lệ 44% - 84% DN phản ánh thỉnh thoảng gặp sự cố khi sử dụng Cổng thông tin MCQG là đáng báo động và thực sự hệ thống đang có vấn đề. Những lỗi xảy ra trên cổng gây khó khăn, phiền phức cho người dân, DN và cơ quan quản lý không phải do người dùng hay người quản lý mà do hệ thống đã lạc hậu. Hệ thống kỹ thuật xây dựng cách đây trên 10 năm không còn đáp ứng được người dùng khi số lượng truy cập cũng như nhu cầu tăng lên.
"Vì vậy, theo tôi không nên nâng cấp khi “chiếc áo” quá cũ và quá chật. Cần phải xây dựng một hệ thống mới hiện đại mới có thể đáp ứng được nhu cầu hiện nay và trong tương lai để tiếp tục giảm gánh nặng chi phí tuân thủ cho DN, qua đó tạo thuận lợi hơn cho hàng hóa xuất-nhập khẩu của Việt Nam", ông Trần Văn Hiển kiến nghị.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm