Sớm triển khai cơ chế thử nghiệm để không tụt hậu trong phát triển tài chính, kinh tế
DNVN - Theo giới chuyên gia, việc xây dựng và triển khai cơ chế thử nghiệm (sandbox) là cần thiết để tạo sự yên tâm và thuận lợi cho những ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo của doanh nghiệp. Do đó, cần sớm triển khai sandbox để không bị tụt hậu trong phát triển tài chính nói riêng và phát triển kinh tế nói chung.
Quy định lắp thiết bị đo xăng điện tử không ảnh hưởng nhập khẩu xăng dầu / Nhiều vướng mắc từ các tổ chức tín dụng về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần được làm rõ
Cần thiết có sandbox
Tại hội thảo "Nghiên cứu về kinh nghiệm xây dựng và thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách ở một số lĩnh vực và khả năng áp dụng ở Việt Nam" do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức sáng 28/10 tại Hà Nội, TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM cho biết, trong những năm qua, Việt Nam nhấn mạnh yêu cầu cải cách thể chế, mở rộng không gian cho các mô hình kinh tế mới, chứ không chỉ tập trung vào các giải pháp tài khóa - tiền tệ.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra những chủ trương, định hướng chính sách và các nhóm giải pháp cụ thể để thúc đẩy các mô hình kinh tế gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
"Dù vậy, đây mới chỉ là điều kiện cần. Một điều kiện quan trọng là phải sớm hiện thực hóa cơ hội và lợi ích từ những mô hình này, để từ đó tạo sức lan tỏa, niềm tin giữa cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Theo đó, các thảo luận chính sách ở CIEM trong thời gian vừa qua đã nhấn mạnh yêu cầu phải sớm có những cơ chế, kể cả ở khung khổ thử nghiệm, để tạo sự yên tâm và tạo thuận lợi cho những ý tưởng kinh doanh mới, sáng tạo của doanh nghiệp", TS Trần Thị Hồng Minh nhấn mạnh.
TS Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM cho rằng, không ít quốc gia đã và đang áp dụng các sandbox, trước khi tiến tới cho phép các mô hình, hoạt động kinh tế mới được triển khai trên diện rộng.
Thực tế, sandbox không phải là một cách tiếp cận mới cả về lý thuyết và thực tiễn ở nhiều quốc gia trên thế giới. Không ít quốc gia đã và đang áp dụng các sandbox, trước khi tiến tới cho phép các mô hình, hoạt động kinh tế mới được triển khai trên diện rộng.
Thông qua sandbox, Việt Nam và các nền kinh tế mới nổi khác có thể tìm ra điểm cân bằng giữa việc xây dựng các quy định quản lý chặt chẽ và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Đây có thể là một cách tiếp cận mới, hiện đại, trong khi vẫn đạt được mục tiêu và yêu cầu quản lý, thay vì chờ đợi đến khi các nước khác đã thực hiện xong rồi mới rút kinh nghiệm và tiếp thu.
Với góc nhìn nay, CIEM đã thực hiện một nghiên cứu tổng thể về “Kinh nghiệm xây dựng và thực hiện cơ chế thử nghiệm chính sách ở một số lĩnh vực và khả năng áp dụng ở Việt Nam”.
Thực trạng sandbox với Fintech và kinh tế tuần hoàn
Thông tin cụ thể về nghiên cứu, ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM cho biết, sandbox có thể có nhiều mục đích khác nhau, nhưng mục đích phổ biến nhất là nhằm đưa sản phẩm, dịch vụ đổi mới sáng tạo (ĐMST) hoặc một cơ chế, chính sách sớm đi vào hoạt động thực tế.
Nghiên cứu của CIEM tập trung vào kinh nghiệm xây dựng và triển khai sandbox đối với Fintech, kinh tế tuần hoàn (KTTH) tại một số quốc gia tiêu biểu; đồng thời đánh giá thực trạng xây dựng, triển khai sandbox trong 2 lĩnh vực này tại Việt Nam trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến nay.
Trong lĩnh vực Fintech, Việt Nam chậm ban hành sandbox dù đã có ý tưởng triển khai từ năm 2017 và chủ trương của Chính phủ từ năm 2019. Chính phủ cũng thể hiện sự ủng hộ với sandbox cho Fintech bằng việc ban hành Nghị quyết số 100/NQ-CP ngày 6/9/2021 thông qua đề nghị xây dựng nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.
Dự thảo của Ngân hàng Nhà nước Nghị định Fintech của Việt Nam được thiết kế bài bản, đầy đủ các nội dung, có tham khảo kinh nghiệm quốc tế một cách nghiêm túc.
Theo ông Nguyễn Anh Dương - Trưởng Ban Nghiên cứu tổng hợp của CIEM, Việt Nam chậm ban hành sandbox trong lĩnh vực Fintech.
"Tuy nhiên, việc ban hành nghị định vẫn bị trì hoãn, nguyên nhân có thể do lo ngại về việc phải sửa nhiều nội dung quy định liên quan để bảo đảm nghị định thực sự có hiệu quả như mong muốn. Đồng thời lo ngại về những rủi ro, hệ lụy tiêu cực có thể phát sinh. Chúng tôi cho rằng, tư duy “cầu toàn” khó khả thi", ông Nguyễn Anh Dương đánh giá.
Trong khi đó, ở góc độ quốc tế, nhiều quốc gia đã sớm áp dụng cơ chế thử nghiệm. Đơn cử Malaysia đã áp dụng cơ chế này trong Fintech từ tháng 10/2016 nhằm giảm chi phí thử nghiệm ý tưởng mới; tiết kiệm thời gian giới thiệu sản phẩm ra thị trường; loại bỏ rào cản pháp lý không phù hợp... Tính đến 9/2022, Maylaysia đã có 109 giải pháp Fintech đăng ký tham gia sandbox.
Ngân hàng Trung ương Malaysia nhấn mạnh các tổ chức tín dụng được cấp phép hoặc các công ty Fintech phối hợp với các tổ chức tín dụng được cấp phép là đối tượng được ưu tiên tham gia sandbox.
Với mô hình KTTH trong nông nghiệp, nghiên cứu cho thấy, Việt Nam là quốc gia đầu tiên ở ASEAN thể chế hóa khá toàn diện chủ trương, chính sách và quy định pháp luật về KTTH. Tuy nhiên, ở các lĩnh vực cụ thể, vẫn còn nhiều khó khăn.
Trong đó, nhận thức về KTTH và sự cần thiết phải chuyển đổi sang mô hình KTTH còn hạn chế. Khung chính sách về phát triển mô hình KTTH trong nông nghiệp chưa được hoàn thiện. Đầu tư cho nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ còn hạn chế và chưa có hiệu quả. Năng lực ứng dụng khoa học - công nghệ trong các mô hình KTTH còn yếu. Ngoài ra, chất lượng lao động, đặc biệt là lao động trong nông nghiệp còn thấp.
Ở góc độ quốc tế, đại diện nhóm nghiên cứu lấy ví dụ tại Hà Lan. Năm 2011, quốc gia châu Âu này đã ban hành Thỏa thuận xanh nhằm tạo ra một hệ thống ĐMST quốc gia. Bên cạnh cung cấp các khoản tài trợ, Thỏa thuận xanh mở ra cơ chế đối thoại giữa khu vực tư và khu vực công, sau đó lan tỏa sang gắn kết trong cộng đồng các doanh nghiệp. Ban đầu thỏa thuận này là công cụ của chính sách tăng trưởng xanh, sau đó lồng ghép thêm chiến lược giảm thải carbon và chuyển đổi mục tiêu sang KTTH.
Cần đặt lợi ích cộng đồng lên hàng đầu
Từ kinh nghiệm xây dựng, triển khai sandbox của quốc tế và thực trạng vấn đề này tại Việt Nam, CIEM cho rằng, tư duy chính sách cần đặt lợi ích của người tiêu dùng và cộng đồng lên ưu tiên hàng đầu khi xây dựng sandbox. Cần tránh tư duy sandbox là công cụ duy nhất để thúc đẩy ĐMST.
Không nên có tư duy sandbox là bắt buộc và cần tránh phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp tham gia sandbox và các doanh nghiệp không tham gia sandox.
Với lĩnh vực Fintech, CIEM kiến nghị cần sớm triển khai sandbox để không bị tụt hậu trong phát triển tài chính nói riêng và phát triển kinh tế nói chung. Cần có quy định linh hoạt khung thời gian thử nghiệm đối với từng loại hình hoạt động Fintech cụ thể.
Phát triển các cơ chế xử lý tranh chấp thương mại theo hướng hiện đại, đơn giản hơn cho người dùng, để bảo vệ người dùng tốt hơn. Cần đẩy nhanh thực hiện và phổ biến các nền tảng xử lý tranh chấp thương mại trực tuyến...
Trong lĩnh vực KTTH, tư duy về sandbox cho KTTH cần phải mở và linh hoạt, không nên đề ra giới hạn “cứng” giữa các ngành, hướng nhiều hơn đến tạo dựng không gian để các mô hình KTTH có thể phát huy hiệu quả kinh tế.
Phạm vi của sandbox cho KTTH nên áp dụng trên cả nước, tránh bó hẹp ở quy mô tỉnh, thành phố, để phát triển các sáng kiến về vùng nguyên liệu. Thời gian thử nghiệm trong cơ chế này phải có ít nhất 5 năm mới thu được kết quả có ý nghĩa. Có thêm các chính sách hỗ trợ về vốn cho các mô hình KTTH tham gia sandbox đang tìm kiếm nhà đầu tư...
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo