Chính sách

Đề xuất xem xét tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho cả năm 2024

DNVN - Đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau đề nghị Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho cả năm 2024. Đồng thời, cân nhắc áp dụng chung một mức thuế giảm thuế giá trị gia tăng cho tất cả các hàng hóa dịch vụ có mối quan hệ khắng khít.

Quy định tính thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản / VCCI: Đồng tình đề xuất tiếp tục chính sách giảm thuế giá trị gia tăng

Chiều ngày 20/11, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trình bày Tờ trình tóm tắt về dự án nghị quyết của quốc hội về giảm thuế GTGT, Bộ trưởng Bộ Tài chính nhấn mạnh sự cần thiết đề xuất giải pháp giảm thuế GTGT.

Trong năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, trong đó đã đề ra giải pháp giảm thuế GTGT 2% đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ chịu thuế suất GTGT 10% từ ngày 01/2/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Năm 2023, trước khó khăn của nền kinh tế, Quốc hội tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Giải pháp giảm thuế GTGT cùng với các giải pháp hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí khác đang tạo điều kiện rất lớn giúp doanh nghiệp giảm được chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận, tăng khả năng kích cầu.

Quốc hội thảo luận về dự án nghị quyết của quốc hội về giảm thuế GTGT.

Báo cáo trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho rằng, dự thảo nghị quyết quy định giảm 2% thuế suất thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ) tương tự nội dung quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 và Nghị quyết số 101/2023/QH15 của Quốc hội.

Có ý kiến cho rằng, đánh giá tác động giảm thu khoảng 25 nghìn tỷ đồng chưa có cơ sở tính toán chính xác, chưa dự báo được mức độ, lĩnh vực, ngành hàng sẽ có chuyển biến tích cực khi thực hiện chính sách. Một số ý kiến đề nghị cân nhắc mở rộng phạm vi đối tượng được giảm thuế GTGT theo hướng áp dụng thuế suất 8% đối với tất cả các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%. Vì vậy, đề nghị Chính phủ bổ sung đầy đủ đánh giá tác động của việc thực hiện chính sách.

Về thời gian áp dụng chính sách, dự thảo nghị quyết quy định thời gian áp dụng giảm thuế GTGT từ ngày 01/01/2024 đến hết ngày 30/6/2024. Đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhất trí về thời gian áp dụng chính sách giảm thuế GTGT như dự thảo để phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách Nhà nước trong bối cảnh hiện nay, như ý kiến của Chính phủ tại báo cáo đánh giá tác động.

Trên cơ sở nội dung tờ trình của Chính phủ và hồ sơ đề nghị xây dựng dự thảo Nghị quyết, mặc dù còn những ý kiến băn khoăn nhất định, ủy ban tán thành việc trình Quốc hội xem xét, thông qua chính sách giảm thuế GTGT và đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp Quốc hội, tương tự như đã quy định tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội.

Phát biểu tại cuộc họp, đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau cho rằng, đề xuất giảm 2% thuế giá trị gia tăng áp dụng đối với các nhóm hàng hóa dịch vụ đang áp dụng thuế suất 10% còn 8% là phù hợp với thực tiễn áp dụng năm 2022 và 2023. Tuy nhiên, cần cân nhắc áp dụng chung một mức thuế giảm giá trị gia tăng cho tất cả các hàng hóa dịch vụ có mối quan hệ khắng khít với nhau. Việc phân biệt đối tượng giảm giá trị gia tăng làm ảnh hưởng các quan hệ kinh tế, gây ra sự bất bình đẳng cho thị trường.

Đại biểu Nguyễn Duy Thanh đề nghị Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm thuế GTGT cho cả năm 2024.

Ông Thanh đề nghị Quốc hội xem xét cho tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng cho cả năm 2024 - đây là giải pháp khả thi và hiệu quả trong chính sách hỗ trợ áp dụng trong vài năm gần đây. Mong các cơ quan ban hành hướng dẫn các địa phương để hướng dẫn thanh toán 2% giá trị hợp đồng như chính sách đã ban hành.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đề nghị Chính phủ phân tích rõ tác động của chính sách giảm thuế đến mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi kinh tế. Xem xét kỹ hơn để đánh giá việc giảm thuế có tác động như thế nào với ngân sách các địa phương và đây có phải nguyên nhân khiến một số chỉ tiêu về kinh tế của năm 2023 không hoàn thành hay không, nhất là chỉ tiêu về GDP.

Bà Nga cũng đề nghị việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm thuế GTGT cần rà soát kỹ các nhóm hàng hóa, dịch vụ được áp dụng. Không nhất thiết phải áp dụng giống danh mục hàng hóa, dịch vụ như áp dụng trong năm 2022 và 6 tháng cuối năm 2023.


Hà An
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm