Chính sách

Điểm sáng kinh tế Việt Nam 2023: Cơ hội mới trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô

DNVN - Chia sẻ câu chuyện về kinh tế Việt Nam trước mùa xuân mới - Xuân Quý Mão với Tạp chí Doanh nghiệp Việt Nam, Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao tin tưởng vào điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam 2023 đang tạo ra những cơ hội mới trên nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô.

Tăng trưởng kinh tế 9 tháng 2022 cao nhất trong 12 năm qua / Sớm triển khai cơ chế thử nghiệm để không tụt hậu trong phát triển tài chính, kinh tế

Thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh, nhân dịp đầu xuân mới - Xuân Quý Mão, xin ông chia sẻ niềm vui về chính sách đối ngoại của Việt Nam năm 2022 đã góp phần quan trọng để nền kinh tế đất nước trụ vững và phát triển. Theo ông, điểm sáng của kinh tế Việt Nam hiện nay là gì?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Có thể khẳng định, năm 2022 ngành đối ngoại của Việt Nam đã nỗ lực hết mình, đóng góp một vai trò quan trọng giúp nền kinh tế đất nước trụ vững và phát triển với sự phục hồi ngoạn mục, tăng trưởng mạnh mẽ, về cơ bản đã vượt qua những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và đang lấy lại đà tăng trưởng vốn có.

Như chúng ta đã biết, năm 2022, kinh tế thế giới đã chứng kiến rất nhiều khó khăn trong cả giai đoạn 2021-2022 cộng lại. Khó khăn của nhiều nước đã bộc lộ rõ hơn vào nửa đầu năm 2022 với những tác động xấu về cạnh tranh kinh tế, khủng hoảng kinh tế, đặc biệt chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến tranh Nga-Ucraina.

Đại sứ Phạm Quang Vinh tin tưởng vào điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam 2023.

Việt Nam đã đứng vững qua những tác động đó. Đây là lúc càng phải soi lại những khó khăn thực sự của Việt Nam trong hai năm qua, để thấy, môi trường quốc tế khó nhưng cũng có điểm sáng vì bắt đầu thích ứng với thách thức.

Điểm sáng nhất của kinh tế Việt Nam hiện nay là đã ổn định được vĩ mô, kiểm soát được dịch bệnh. Việt Nam đang và tiếp tục thực hiện tốt chính sách hội nhập kinh tế quốc tế thông qua các hiệp định thương mại thế hệ mới FTA song phương và đa phương. Kinh tế Việt Nam xuất hiện những cơ hội kinh tế mới từ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương và Trung Quốc mở cửa giao thương kinh tế.

Châu Á-Thái Bình Dương vẫn là khu vực năng động, đây là khu vực ít bị ảnh hưởng nhất của tất cả các thách thức trong thời gian vừa qua. Dịch bệnh đã có lúc là tâm điểm, có thời điểm là Trung Quốc, thời điểm là Đông Nam Á, nhưng cơ bản khả năng kiểm soát dịch bệnh thì Châu Á-Thái Bình Dương làm tốt.

Bước vào năm 2023, khủng hoảng Ucraina tác động nhiều nơi trên thế giới, nhưng về chính trị và kinh tế, trong đó năng lượng, lương thực khu vực Châu Á-Thái Bình Dương đỡ hơn so với khu vực khác trên thế giới. Tất cả các nước đều thấy khu vực này là địa kinh tế, địa chiến lược và sẽ thúc đẩy hoạt động đầu tư tại đây. Điều này chắc chắn sẽ có cơ hội cho Việt Nam thúc đẩy hoạt động hợp tác kinh tế phát triển, không chỉ trong ngắn hạn mà trong vòng 5 năm tới.

Ông có thể đưa ra một số dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2023, trong đó, có những thách thức nào kinh tế Việt Nam phải đối mặt và giải pháp nào để vượt qua?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Kinh tế thế giới năm 2023 được dự báo là thích ứng tốt hơn với mọi khó khăn. Điều quan trọng là cuộc cuộc khủng hoảng năng lượng, cuộc chiến Nga-Ucraina sẽ không tác động mạnh theo hướng đột biến như năm 2022 nữa vì năm 2022, kinh tế thế giới chưa kịp chuẩn bị để đối phó.

Năm 2023, kinh tế thế giới sẽ không xảy ra rủi ro dẫn tới khủng hoảng. Câu chuyện về lãi suất, lạm phát có xu hướng có thể tăng nhưng sẽ tiến tới cân đối hơn để thúc đẩy sản xuất.

Việt Nam cần tranh thủ tất cả các nguồn lực để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, đối với Việt Nam, có thể đỉnh điểm khó khăn có thể chưa đến. Tuy tất cả thách thức đã cộng dồn vào năm 2022 và Việt Nam đã đứng vững nhưng những khó khăn ngầm không biết đã bộc lộ hết hay chưa.

Tôi dự báo quý 1 năm 2023, kinh tế Việt Nam sẽ gặp khó khăn đỉnh điểm. Bởi vậy, Việt Nam phải sẵn sàng ứng phó tối đa với thách thức tiềm ẩn cộng dồn của mấy năm qua mà năm 2022 chưa thể hiện hết được. Các giải pháp đưa ra cần thực hiện quyết liệt, dựa trên bài học kinh nghiệm đã có từ năm 2022.

Vị thế địa chiến lược của Việt Nam, chính sách đối ngoại đã tạo cho Việt Nam chơi được với các nước, đặc biệt là các nước lớn. Điều này cũng cho thấy, khi các nước lớn và quan hệ giữa các nước lớn nếu có vấn đề sẽ khiến Việt Nam phải đối mặt với tác động không nhỏ. Những phức tạp mới từ đó sẽ khó hơn, cho dù mình đã có nền tảng tốt.

Cạnh tranh công nghệ cốt lõi giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ khác. Cạnh tranh thương mại sẽ giảm nhưng cạnh tranh công nghệ sẽ tăng. Cạnh tranh về trật tự, giá trị ý thức hệ tăng, câu hỏi đặt ra là Việt Nam phải tìm cách cân đối thế nào cho phù hợp.

Đặc biệt, những thách thức thương mại điện tử, kinh tế số, Việt Nam chưa bắt kịp để vượt qua thách thức. Yêu cầu của thương mại điện tử và kinh tế số phải vượt lên trên bán lẻ, có nghĩa, hệ thống ngân hàng và các giao dịch lớn đòi hỏi rất lớn về khung chính sách.

Một điều quan trọng nữa là sự chuyển dịch xanh và chuyển dịch sạch, nước nào cũng có vấn đề nội bộ về sự chuyển đổi này. Việt Nam với đặc thù của mình phải chuyển đổi thế nào cho kịp và phù hợp.

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang manh nha có tài chính xanh, quỹ tài trợ không phải để thích ứng biến đổi khí hậu mà về năng lượng, nhưng nếu không chuyển đổi được cùng một lúc thì phải khai thông từng phần.

Đây là thời điểm phải thực sự Việt Nam phải hành động cho sự phát triển. Các nước mở cửa triển khai chính sách kinh tế thương mại vừa là cơ hội, vừa là thách thức, có những cơ hội rất rõ cho Việt Nam nhưng đón được hay không đòi hỏi sự linh hoạt tận dụng. Cần chú ý có chính sách có lợi cho mình, đồng thời cũng là chính sách cạnh tranh với mình.

Những thị trường Việt Nam đã tạo lập được ở thời điểm Trung Quốc đóng cửa liệu sắp tới có phát huy được thành quả không, đó cũng là câu hỏi cần trả lời.

Việt Nam cần tranh thủ tất cả các nguồn lực chứ không nên chỉ dựa vào thị trường Trung Quốc mở cửa. Đồng thời, cần tranh thủ sự mở cửa của thị trường lớn thế giới này để tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế.

Xin cảm ơn Đại sứ Phạm Quang Vinh!

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm