Chính sách

Doanh nghiệp gặp khó khi cân bằng lợi nhuận và phát triển bền vững

DNVN - Theo khảo sát từ Đề án "Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025" (Đề án 844), doanh nghiệp có trách nhiệm hơn với các vấn đề môi trường, xã hội. Tuy nhiên, 38% doanh nghiệp đang gặp khó khi cân bằng lợi nhuận và mục tiêu phát triển bền vững.

Việt Nam có cơ hội trở thành nhóm quốc gia dẫn đầu khu vực về phát triển bền vững / Ưu tiên đầu tư nhân lực, khoa học và công nghệ để phát triển bền vững

Theo khảo sát từ Đề án 844, hiện có 85% doanh nghiệp đã tích hợp toàn bộ hoặc một phần các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào hoạt động của tổ chức. Con số này tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và marketing, thương mại điện tử hay AI, Blockchain là gần 100%.

Bên cạnh các doanh nghiệp lâu năm, thị trường lao động cũng ghi nhận sự đóng góp tích cực của các startups trẻ trong việc đưa SDGs vào hoạt động của mình. 3 mục tiêu nổi bật được các doanh nghiệp lựa chọn nhiều nhất bao gồm: tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế bền vững (57%); tiêu dùng và sản xuất bền vững (39.6%); giáo dục chất lượng (31%).

100% các doanh nghiệp bày tỏ mong muốn góp phần mang lại các giá trị doanh nghiệp bền vững, 64% hướng tới thúc đẩy sáng kiến và thúc đẩy đổi mới. Các số liệu này khẳng định doanh nghiệp hiện nay đang dần có xu hướng chủ động trong việc nhận biết và trách nhiệm hơn với các vấn đề môi trường, xã hội.

100% doanh nghiệp bày tỏ mong muốn góp phần mang lại các giá trị doanh nghiệp bền vững.

Tuy nhiên, việc thực hiện SDGs vẫn gặp phải những khó khăn nhất định. Hơn 74% doanh nghiệp phản ánh rằng họ đang gặp phải các vấn đề về tài chính, 36,2% doanh nghiệp có vấn đề về nguồn nhân lực và 38% chủ thể cảm thấy khó khăn trong việc cân bằng giữa SDGs với mục tiêu lợi nhuận.

Khắc phục những vấn đề nêu trên, nội dung khảo sát của Đề án 844 khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục học hỏi kinh nghiệm quốc tế như các nước trong khối Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) trong thực hiện SDGs.

Cần đẩy mạnh sử dụng chính sách công nghiệp để khuyến khích doanh nhân cam kết thực hiện SDGs và cung cấp các thông tin dễ tiếp cận hơn về khung pháp lý cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, đưa ra chế độ tuân thủ bắt buộc, yêu cầu doanh nghiệp báo cáo thông tin về kết quả tác động của hoạt động kinh doanh đến môi trường, xã hội.

Đồng thời, thực hiện các chính sách hỗ trợ, cho vay hoặc đầu tư vốn cổ phần nhằm hỗ trợ chung cho các sáng kiến bền vững của doanh nghiệp. Qua đó, giúp công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ có định hướng rõ ràng trong việc thực hiện SDGs.


Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm