Chính sách

Doanh nghiệp nước ngoài quan tâm đến Quy hoạch Điện VIII

DNVN - Một trong những chủ đề được các diễn giả quan tâm và thảo luận tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên phiên cấp cao diễn ra ngày 21/2 là điện và năng lượng. Trong đó, đại diện một số hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài nhấn mạnh đến Quy hoạch Điện VIII.

Bộ trưởng VH-TT&DL: Phải mở cửa quốc tế mới cứu được ngành du lịch / Công bố mở cửa du lịch quốc tế sẽ cứu sống nhiều doanh nghiệp

Cần khuyến khích phát triển điện gió
Theo ông Alain Cany - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), 1 trong 5 thách thức chính Việt Nam cần giải quyết nhằm khôi phục và phát triển chuỗi cung ứng trong trạng thái bình thường mới là điện và năng lượng cho tương lai của Việt Nam hậu Hội nghị thường niên lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP 26).
Chủ tich EuroCham bày tỏ sự ngưỡng mộ đối với đường lối chính sách của Chính phủ Việt Nam tại COP26, với cam kết trung hòa phát thải carbon vào năm 2050 và loại bỏ sử dụng điện than.
Mặc dù vậy, theo ông Cany, Quy hoạch Phát triển Điện VIII vẫn quy định về việc nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch ở mức cao cùng với một mức công suất điện gió ngoài khơi còn khiêm tốn. Sự thiếu quyết tâm này có thể dẫn đến chi phí sản xuất điện năng cao một cách không cần thiết.

Chủ tịch EuroCham Alain Cany khuyến nghị Việt Nam thực hiện các hợp đồng mua bán điện trực tiếp.
Do vậy, EuroCham khuyến nghị Chính phủ Việt Nam tạm dừng phê duyệt nhà máy điện than mới trong Dự thảo Điện VIII. Cho phép người tiêu dùng điện tiếp cận với năng lượng sạch bằng cách thực hiện các hợp đồng mua bán điện trực tiếp trong các chương trình thí điểm và giảm bớt các rào cản quy định ban đầu đối với các nhà máy năng lượng sạch “sau công tơ”. Ngoài ra, Việt Nam cũng cần khuyến khích phát triển điện gió ngoài khơi.
Ông Seck Yee Chung - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam, đại diện các hiệp hội thành viên liên kết nêu quan điểm: Sau COP26 - Hội nghị thường niên lần thứ 26 của các Bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu, Việt Nam sẽ cần xem xét các xu hướng và cơ hội về năng lượng tái tạo trong phiên bản sắp tới để hoàn thiện Quy hoạch điện VIII cũng như trong một số quy hoạch khác và cơ chế thực hiện để triển khai Quy hoạch Điện VIII.
"Trong bối cảnh đó, mặc dù vẫn còn những khó khăn trước mắt, chúng tôi khuyến khích Chính phủ tiếp tục phát triển năng lượng tái tạo, nâng cao hiệu quả năng lượng, thúc đẩy công nghệ lưu trữ năng lượng bằng pin và năng lượng hydro", ông Seck Yee Chung đề xuất.
Theo vị đại diện các hiệp hội thành viên liên kết, một trong những cân nhắc ưu tiên nên là quy định rõ ràng đối với các trang trại điện gió hiện vẫn đang trong quá trình xây dựng và không kịp vận hành thương mại trước thời hạn đề ra để được hưởng cơ chế giá FiT ưu đãi do đại dịch COVID-19 để hỗ trợ tiếp tục hoàn thành các dự án đó và tận dụng các nguồn lực kinh tế đã đầu tư cho thị trường năng lượng.
Ngoài ra, ông Seck Yee Chung khuyến nghị Chính phủ Việt Nam xem xét vai trò của việc lưu trữ năng lượng pin và năng lượng hydro trong bối cảnh mới của thị trường điện. Việc phát triển thị trường hydro sạch cũng sẽ giúp giảm chi phí, tăng tính linh hoạt của hệ thống điện và giảm phát thải cacbon trong nhiều ngành công nghiệp.
Chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch hơn
Đánh giá cao việc phát triển năng lực năng lượng tái tạo, ông John Rockhold - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, để đáp ứng các cam kết xây dựng một tương lai năng lượng sạch hơn do Thủ tướng Chính phủ đưa ra tại COP 26, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để khuyến khích các tiêu chuẩn công nghệ và thẩm định tài chính trong quá trình chuyển đổi sang một thế hệ sử dụng năng lượng sạch, cũng như giải quyết chính sách và những thách thức kỹ thuật mà năng lượng xanh phải đối mặt.
Các nhà sản xuất toàn cầu ngày càng yêu cầu các nguồn năng lượng sạch cho hoạt động của họ. Do đó, tiến bộ trong quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam sẽ tạo ra tác động có lợi cho nền kinh tế nói chung và khẳng định vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị năng lượng.

Theo Chủ tịch AmCham, Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa để khuyến khích các tiêu chuẩn công nghệ trong quá trình chuyển đổi sang một thế hệ sử dụng năng lượng sạch.
Theo ông John Rockhold, chính sách năng lượng cần phải nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể và từ nhiều góc độ: tiếp cận tài chính, chính sách thuế, hiệu quả sử dụng, giáo dục công, phát thải carbon, truyền tải và lưu trữ. Bất kỳ kế hoạch nào cũng phải cởi mở đón nhận những đổi mới đang đến hàng ngày. Vị trí địa lý và khí hậu của Việt Nam sẽ tiếp tục mang lại lợi thế so sánh cho việc phát triển năng lượng mặt trời và năng lượng gió.
"Nối tiếp những thành công đã đạt được với năng lượng mặt trời và điện gió, để xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng có khả năng chống chịu, chúng tôi khuyến nghị Việt Nam nên khám phá các nguồn năng lượng đa dạng trong tương lai vốn chỉ dành được rất ít sự quan tâm trong dự thảo hiện tại của Quy hoạch Điện VIII, bao gồm địa nhiệt, hydro và tài nguyên sinh khối", ông John Rockhold đề xuất.
Cho tới nay, năng lượng gió trên bờ đã thành công tốt đẹp với hơn 4GW được xây dựng chỉ trong vòng một năm qua nhờ vào chính sách Biểu giá điện tương hỗ (FiT). AmCham khuyến khích Chính phủ Việt Nam ban hành các chính sách tiếp tục hỗ trợ lĩnh vực này - bao gồm cả hỗ trợ cho các dự án gặp phải sự chậm trễ trong xây dựng do COVID-19 và phát triển một cơ chế đấu giá mới giúp tăng trưởng hơn nữa. Gió ngoài khơi mang lại tiềm năng lớn với ước tính cả công suất đáy cố định và công suất nổi vào khoảng 600GW.
AmCham ủng hộ việc tăng cường năng lượng gió ngoài khơi theo kế hoạch trong Điện VIII để mang lại các tổ hợp khai thác gió ngoài khơi quy mô lớn khả thi về mặt kinh tế để hỗ trợ sự phát triển của khu vực tư nhân Việt Nam, các tiêu chuẩn quốc tế và các Hiệp định Mua bán có khả năng thu hút đầu tư tư nhân. Các tổ hợp khai thác gió ngoài khơi này nên được phát triển với các đơn vị lưu trữ xanh để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang một tương lai không carbon.
"Chúng tôi ủng hộ việc Điện VIII sử dụng phương thức mua điện trực tiếp và cung cấp điện sau lưới điện cho gió và mặt trời, cũng như hợp đồng mua bán điện trực tiếp trong tương lai sẽ cho phép khu vực tư nhân đáp ứng các chính sách không carbon toàn cầu khi đầu tư vào Việt Nam", Chủ tịch AmCham nói.
Cảm ơn sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp cũng như các nhóm công tác đối với vấn đề quy hoạch điện và năng lượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết: Thực hiện theo sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đang khẩn trương rà soát lại Quy hoạch Điện VII để xây dựng Quy hoạch Điện VIII trên tinh thần tập trung hóa chuyển sang năng lượng tái tạo, năng lượng xanh - sạch.
Trong đó, ưu tiên thúc đẩy các dự án phát triển về điện, liên quan đến năng lượng sạch, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thậm chí khuyến khích phát triển năng lượng điện gió ngoài khơi. Đồng thời kiên quyết dừng các dự án điện nhiệt than, tạo sự cân đối vùng miền các hệ thống đường truyền tải cũng như phụ tải, đáp ứng và cân đối được với sự phát triển kinh tế - xã hội của các vùng trên toàn quốc...
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm