Dự thảo 4 nhóm chức danh sử dụng xe ô tô công
Dự án BT và khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công / Nguyên tắc khi dùng tài sản công để thanh toán dự án BT
Bộ Tài chính cho biết, theo dự thảo Nghị định quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô thay thế Nghị định số 04/2019/NĐ-CP về tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô chức danh, dự thảo Nghị định tiếp tục duy trì cách phân chia các chức danh có tiêu chuẩn sử dụng xe ô tô thành 4 nhóm như quy định hiện hành và giữ nguyên chế độ sử dụng xe ô tô.
Nhóm 1: Chức danh được sử dụng thường xuyên xe ô tô kể cả khi đã nghỉ công tác, không quy định mức giá (gồm: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội).
Nhóm 2: Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác, không quy định mức giá gồm: Thường trực Ban Bí thư, Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Phó Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Quốc hội).
Nhóm 3: Chức danh được sử dụng thường xuyên một xe ô tô trong thời gian công tác có quy định mức giá mua tối đa.
Nhóm 4: Chức danh được sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến cơ quan và đi công tác có quy định mức giá mua tối đa.
Trong đó, nhóm 2 có điều chỉnh lại phạm vi các chức danh, chức vụ cho phù hợp với Kết luận 35-KL/TƯ ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về danh mục chức danh, chức vụ lãnh đạo và tương đương của hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở. Dự thảo cũng quy định mỗi bậc thuộc các nhóm chức danh, chức vụ quy định tại Kết luận số 35-KL/TƯ được quy định 1 mức giá mua xe tối đa khác nhau, từ cao xuống thấp (từ 1,6 tỷ đồng đến 1,2 tỷ đồng).
Về cách xác định định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung, đối với khối các văn phòng cấp tỉnh (văn phòng tỉnh ủy, văn phòng HĐND tỉnh, văn phòng UBND tỉnh, văn phòng đoàn đại biểu Quốc hội), dự thảo Nghị định quy định định mức cho khối này tối đa 12 xe/địa phương; riêng Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh là 20 xe/địa phương do có biên chế và số lượng cấp phó của các đơn vị lớn.
Các ban của HĐND cấp tỉnh sử dụng xe chung với văn phòng HĐND cấp tỉnh. Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trên 50% số huyện, thị xã, thành phố là địa bàn miền núi, hải đảo, địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn hoặc/và có diện tích tự nhiên trên 5.000km2 thì được bổ sung định mức 3 xe.
Về quy định giá mua xe ô tô phục vụ công tác chung đã được được duy trì từ năm 2010 đến nay, theo Bộ Tài chính, trong bối cảnh thời gian sử dụng của xe ô tô theo chế độ đã được điều chỉnh từ 10 năm thành 15 năm, hệ thống đường bộ đã được đầu tư xây dựng mới, nâng cấp để xe lưu thông với vận tốc cao, đồng thời giá mua xe hiện nay đã có biến động tăng so với năm 2010, vì vậy, để bảo đảm an toàn cho xe và người sử dụng xe, việc điều chỉnh giá mua xe ô tô phục vụ công tác chung là cần thiết.
Qua khảo sát, giá mua mới xe ô tô năm 2010 và năm 2022 của dòng xe được sử dụng phổ biến để phục vụ công tác chung, dự thảo Nghị định quy định mức giá mua xe loại 1 cầu tối đa là 950 triệu đồng/xe; trường hợp cần trang bị loại xe ô tô 7-8 chỗ 2 cầu, mức giá tối đa là 1,3 tỷ đồng/xe; xe từ 12-16 chỗ ngồi, mức giá tối đa là 1,6 tỷ đồng/xe.
Kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm có ý kiến chính thức bằng văn bản gửi về Bộ Tài chính theo đúng thời hạn ngày 30/9/2022.
Cục Quản lý công sản cùng Vụ Pháp chế và các đơn vị chức năng trong Bộ Tài chính tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu đầy đủ, kỹ lưỡng các ý kiến tại hội nghị và các ý kiến bằng văn bản để hoàn thiện hồ sơ gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, trình Chính phủ, bảo đảm tính khả thi của dự thảo.
End of content
Không có tin nào tiếp theo