Tin tức - Sự kiện

Hà Nội đề xuất được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với đề xuất Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất.

Hướng dẫn đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non / “Vỡ” kế hoạch di dời 20.000 căn nhà ven kênh, rạch

Sáng 1/6, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã chủ trì phiên họp thứ 45 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tại phiên họp, Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí không khống chế mức trần tăng thu phí, lệ phí, trừ lệ phí tòa án, giao cho Hội đồng Nhân dân thành phố quyết định danh mục và mức thu; đồng thời cho phép thành phố sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư để chi các dự án đầu tư phát triển và chi thực hiện các chế độ, chính sách an sinh xã hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng tình với đề xuất Hà Nội được hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất, nhưng đề nghị cần có biện pháp xử lý khi nhiều Bộ, ngành sau khi xây trụ sở mới không bàn giao trụ sở cũ cho thành phố.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhất trí cho phép thành phố được giữ lại toàn bộ số thu từ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, thoái vốn Nhà nước đầu tư tại các doanh nghiệp do Ủy ban nhân dân thành phố làm đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.

Quang cảnh phiên họp.

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, nếu được tạo điều kiện, nguồn thu này có thể giúp thành phố thực hiện mục tiêu xây dựng đường sắt đô thị với dự kiến 2 tuyến đường sắt là ga Hà Nội đi Hoàng Mai trị giá khoảng hơn 40.000 tỷ đồng và đường sắt số 5 từ Văn Cao đi Hòa Lạc dài 37,5km, tổng mức đầu tư 66.000 tỷ đồng. Hai dự án này sẽ đầu tư bằng nguồn vốn cổ phần hóa, đầu tư công của thành phố và phát hành trái phiếu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã biểu quyết với 100% đồng ý về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội, bổ sung nội dung này để trình Quốc hội tại đợt 2, kỳ họp thứ 9.

Tại phiên họp, cho ý kiến lần 2 về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí phương án chuyển đổi 3 tuyến từ đầu tư theo phương thức đối tác công tư sang đầu tư công, gồm đoạn Phan Thiết - Vĩnh Hảo do không thu hút được nhà đầu tư, tuyến dự án Mai Sơn - Quốc Lộ 45 nối vào thành phố Hà Nội và dự án Phan Thiết - Dầu Giây nối vào TP.HCM. Đối với 5 tuyến còn lại, tiếp tục đấu thầu để chọn các nhà đầu tư, thực hiện theo luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư khi được thông qua.

Cũng tại phiên họp, xem xét việc tổng kết thực hiện Nghị quyết về việc thí điểm hợp nhất Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Thường vụ Quốc hội cho rằng tổng kết sau 1 năm thí điểm cho thấy việc thực hiện sáp nhập chưa đạt được hiệu quả, đề nghị ban cán sự Đảng Chính phủ hoàn thiện báo cáo, báo cáo lại với Trung ương, Bộ Chính trị thực tế việc thực hiện thí điểm theo tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm