Chính sách

Dự thảo Luật Viễn thông sửa đổi: Lo ngại nhà đầu tư nước ngoài gặp khó

DNVN - Chia sẻ tại “Hội thảo lấy ý kiến của các doanh nghiệp trong và ngoài nước về Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi)”, sáng 23/3, đại diện Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng các quy định hiện nay trong dự thảo sẽ tạo nên những rào cản, gây khó khăn với nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu.

Bắt đối tượng giả làm nhân viên VNPT cắt trộm cáp viễn thông / Hạ tầng viễn thông chuyển mình thành hạ tầng số

Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Luật Viễn thông (sửa đổi) dự kiến sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 diễn ra vào tháng 5 và tháng 6/2023.

Mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật Viễn thông lần này là nhằm nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên viễn thông, thúc đẩy và huy động các thành phần kinh tế tham gia xây dựng phát triển hạ tầng viễn thông và các hạ tầng khác phục vụ cho chuyển đổi số quốc gia, phát triển nền kinh tế số, phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ và giải quyết các bất cập hạn chế trong thực thi luật này trong thời gian vừa qua.

Tuy nhiên, các quy định trong dự thảo hiện nay chưa thực sự thể hiện hay phục vụ mục tiêu này.

Bên cạnh những thủ tục hành chính mới phát sinh, dự thảo còn có những quy định có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp.

Các chuyên gia trao đổi tại hội thảo. Ảnh: Hà Anh.

Chia sẻ tại hội thảo, nhiều diễn giả bày tỏ quan ngại về việc dự luật này mở rộng phạm vi áp dụng để điều chỉnh cả các dịch vụ không phải là dịch vụ viễn thông. Ví dụ như các dịch vụ hội thoại, tin nhắn, hội họp trên các nền tảng internet, dịch vụ điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu.

Theo pháp luật của các quốc gia trên thế giới cũng như thông lệ quốc tế thì các dịch vụ trên đều không phải là dịch vụ viễn thông và nên được điều chỉnh bởi những văn bản pháp luật riêng.

Nếu luật này được thông qua như dự thảo hiện nay, các loại hình dịch vụ trên sẽ phải xin cấp giấy phép viễn thông và chịu sự điều chỉnh như những dịch vụ viễn thông truyền thống.

Đại diện Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN cho rằng các quy định hiện nay trong dự thảo sẽ tạo nên những rào cản đối với đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện toán đám mây và dịch vụ trung tâm dữ liệu – là những dịch vụ vô cùng quan trọng đối với sự phát triển của một nền kinh tế số.

Sự phát triển của hai loại hình dịch vụ này rất cần huy động mọi nguồn lực bao gồm cả vốn và và công nghệ từ mọi thành phần kinh tế, trong đó đặc biệt là từ khu vực đầu tư nước ngoài.

“Việc quản lý các dịch vụ này như các dịch vụ viễn thông với những hạn chế về vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài, quy định về cấp phép như đối với dịch vụ viễn thông, hoặc buộc các doanh nghiệp nước ngoài phải ký kết hợp đồng thương mại với doanh nghiệp viễn thông trong nước là những quan ngại lớn của các nhà đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực này”, đại diện Hội đồng doanh nghiệp Hoa Kỳ - ASEAN chia sẻ.

Luật sư Trần Mạnh Hùng - Công ty luật BMVN cho rằng, việc quản lý các dịch vụ như tin nhắn, hội thoại hay hội họp trên các nền tảng internet (OTT) như những dịch vụ viễn thông là bất hợp lý vì các dịch vụ này khác với dịch vụ viễn thông về bản chất.

Các nước trong khu vực và trên thế giới cũng không áp dụng các tiêu chuẩn và quy định điều chỉnh dịch vụ OTT giống như đối với dịch vụ viễn thông truyền thống.

Mục tiêu chính của việc sửa đổi Luật Viễn thông là nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên viễn thông.

Đại diện Hiệp hội thương mại Hoa Kỳ (Amcham) bày tỏ sự quan ngại đối với những qui định về dịch vụ điện toán đám mây.

Pháp luật về đầu tư và doanh nghiệp hiện không có quy định nào về việc dịch vụ điện toán đám mây là một hoạt động kinh doanh có điều kiện. Các cam kết quốc tế của Việt Nam cũng không có bất kỳ hạn chế nào đối với dịch vụ này.

“Tuy nhiên, Dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) lại đang áp đặt một số điều kiện như dịch vụ này phải được cấp giấy phép viễn thông hay hạn chế sở hữu đầu tư nước ngoài, hay phải lập văn phòng đại diện đối với những dịch vụ điện toán đám mây xuyên biên giới. Liệu quy định những điều kiện và hạn chế như vậy có trái với các pháp luật hiện hành về đầu tư và các cam kết quốc tế của Việt Nam hay không?”, đại diện Amcham đặt câu hỏi.

Cũng theo Amcham, các doanh nghiệp và người dân đang được hưởng nhiều lợi ích từ những hình thức liên lạc, trao đổi thông tin và hội họp qua các nền tảng internet miễn phí.

Dịch vụ OTT này đang là một phần không thể tách rời khỏi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Nếu không được tận dụng những công cụ liên lạc hữu hiệu và miễn phí này, chi phí hoạt động của doanh nghiệp sẽ tăng lên đáng kể và môi trường kinh doanh, đầu tư của Việt Nam cũng sẽ trở nên kém hấp dẫn và cạnh tranh hơn đối với các doanh nghiệp nước ngoài.

Hiện nay rất nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng các dịch vụ điện toán đám mây và trung tâm dữ liệu của các doanh nghiệp nước ngoài, do nhu cầu xử lý thông tin và dữ liệu diễn ra ở bên ngoài Việt Nam.

“Các doanh nghiệp này sẽ bị ảnh hưởng lớn nếu các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hoặc trung tâm dữ liệu nước ngoài không thể tiếp tục cung cấp dịch vụ cho họ do không đáp ứng được các yêu cầu trong dự thảo như lập văn phòng đại diện hoặc có hợp đồng thương mại với các doanh nghiệp viễn thông trong nước.

Vì vậy, các quy định hạn chế đối với hai loại hình dịch vụ này cũng có thể khiến môi trường đầu tư tại Việt Nam kém hấp dẫn và cạnh tranh hơn”, đại diện cho Amcham nói.

Tại hội thảo, đại diện một số hiệp hội và doanh nghiệp kiến nghị Luật Viễn thông (sửa đổi) cần khuyến khích hoặc cho phép các dịch vụ internet vệ tinh xuyên biên giới được hoạt động nếu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ này có văn phòng đại diện tại Việt Nam, hoặc ký kết hợp đồng thương mại với một doanh nghiệp viễn thông trong nước.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm