Huy động doanh nghiệp tư nhân tham gia phát triển hạ tầng viễn thông
DNVN - Với định hướng chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng số để đáp ứng nhu cầu của Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra một số chính sách lớn, trong đó có việc chú trọng huy động doanh nghiệp tư nhân tham gia.
Hướng dẫn kết nối và chia sẻ dữ liệu qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia / Dữ liệu cá nhân trong trường hợp nào được xử lý mà không cần sự đồng ý của chủ thể?
Mục tiêu đầy thách thức
Tại hội thảo World Mobile Broadband & ICT năm 2022 với chủ đề "Hiện đại hóa hạ tầng viễn thông và dịch vụ nội dung số hướng tới thúc đẩy kinh tế số, xã hội số" do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) và Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam tổ chức ngày 9/3, ông Nguyễn Phong Nhã - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, với định hướng chuyển đổi số quốc gia cũng như hạ tầng viễn thông được chuyển đổi thành hạ tầng số, hạ tầng viễn thông sẽ được chú trọng phát triển hạ tầng băng rộng cố định và hạ tầng băng rộng di động, đặc biệt có hạ tầng của các trung tâm dữ liệu sẽ được tích hợp vào trong hạ tầng viễn thông.
Ông Nhã thông tin, đối với hạ tầng băng rộng cố định tại thời điểm tháng 2/2022 có 19,6 triệu thuê bao internet cáp quang (FTTH) và mục tiêu đến năm 2025 100% hộ gia đình dùng cáp quang FTTH với tốc độ 100 Mb/s. Đây là thách thức rất lớn bởi hiện nay tốc độ vào khoảng 68 Mb/s tới hộ gia đình.
"Để đạt mục tiêu này, từ năm 2022 - 2025, chúng ta phải có kế hoạch cụ thể đối với phát triển hạ tầng cáp quang tới hộ gia đình. Một trong những điều để nâng cấp được chất lượng đối với cáp quang hộ gia đình, vai trò của các nhà mạng rất quan trọng, đặc biệt trong việc cung cấp các gói cước, ứng dụng với yêu cầu tốc độ cao", ông Nhã nói.
Theo ông Nguyễn Phong Nhã, định hướng phát triển hạ tầng viễn thông tới năm 2025 là mục tiêu đầy thách thức nhưng cũng là cơ hội cho doanh nghiệp.
Ngoài ra, đầu cuối modem Wi-Fi của các hộ gia đình cũng cần được các nhà mạng quan tâm, nâng cấp, thay đổi để đáp ứng tốc độ trung bình.
Đối với băng rộng di động, năm qua Việt Nam đã ghi nhận sự phát triển ấn tượng. Thực hiện chương trình "Sóng và máy tính cho em", khoảng 1.400 điểm phủ sóng bằng mạng di động chủ yếu 4G. Với chương trình viễn thông công ích được phê duyệt vào cuối tháng 12/2021, năm 2022 hạ tầng băng rộng tiếp tục được ưu tiên phủ sóng đến vùng sâu, vùng xa và các thôn, bản hiện chưa được phủ sóng di động.
Cũng theo ông Nhã, vùng phủ sóng sẽ được cải thiện và mục tiêu đến 2025 100% dân số được phủ mạng 4G và dừng cung cấp mạng 2G. Mạng 5G sẽ được đảm bảo chất lượng với tốc độ trên 100 Mb/s và phủ sóng các khu công nghiệp, các khu chế xuất, trường đại học, khu nghiên cứu và những tỉnh, thành phố có nhu cầu về tốc độ cao ngay trong năm nay. Tiến tới năm 2025 cơ bản phủ sóng các địa phương lớn và đến năm 2030 100% dân số được phủ sóng bằng mạng di động công nghệ 5G. 100% người trưởng thành sẽ có smartphone.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Viễn thông cho biết, một mục tiêu lớn nữa của năm 2025 là hạ tầng trung tâm dữ liệu. Và trong dự thảo chiến lược phát triển quy hoạch chiến lược ngành, trung tâm dữ liệu là một trong những mục tiêu cần hướng tới. Khi trung tâm dữ liệu được phát triển thì mục tiêu 100% cơ quan Nhà nước sử dụng các ứng dụng trên trung tâm dữ liệu dựa trên các dịch vụ của điện toán đám mây.
"Một mục tiêu cũng vô cùng thách thức và mở ra cơ hội cho các DN phát triển trung tâm dữ liệu, các DN đang sở hữu đang sở hữu mạng băng thông rộng là có 70% DN Việt Nam dùng dịch vụ Cloud Computing Make in Vietnam. Đây là cơ hội thúc đẩy các DNNVV phát triển cũng như có cơ hội cho các DN phát triển các nền tảng Made in Vietnam phát triển.
Chúng tôi mong rằng với những mục tiêu thách thức này sẽ nhận được sự chia sẻ, đóng góp ý kiến của các doanh nghiệp, chuyên gia, đơn vị tư vấn để chúng tôi xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy phát triển hạ tầng viễn thông mạnh mẽ cũng như tạo điều kiện thúc đẩy các DN viễn thông, DN ứng dụng viễn thông, DN nền tảng phát triển trong thời gian tới", ông Nhã bày tỏ.
Huy động doanh nghiệp tư nhân phát triển hạ tầng viễn thông
Ông Nhã cho hay, về tổng thể, Bộ Thông tin và Truyền thông có một số chính sách lớn để phát triển hạ tầng viễn thông.
Theo đó, huy động các DN tư nhân vào phát triển hạ tầng. Hiện nay có tổng cộng 96 DN có giấy phép kinh doanh viễn thông, trong đó khoảng 60 DN phát triển hạ tầng và đây là những DN có quy mô tương đối nhỏ. Với mục tiêu tiếp tục phát triển hạ tầng viễn thông cộng với hạ tầng trung tâm dữ liệu, Bộ mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, đầu tư từ các DNNVV vào lĩnh vực phát triển hạ tầng.
Các DN Nhà nước tập trung đầu tư nguồn lực vào các địa bàn chưa có mạng cáp quang, nâng cao chất lượng thiết bị đầu cuối để phổ cập dịch vụ tới các vùng sâu, vùng xa. Tiếp tục sử dụng những công nghệ mới để nâng cấp, đưa cáp quang tới hộ gia đình, thôn, bản và đưa vùng phủ sóng công nghệ mới tới các thôn, bản.
Triển khai cấp phép mạng băng rộng di động chất lượng cao 5G, ưu tiên dùng chung cơ sở hạ tầng mạng vô tuyến và roaming. Việc Bộ đưa ra chính sách cấp phép 5G trong năm nay cũng như đưa ra các điều kiện để phủ sóng, điều kiện dùng chung cơ sở hạ tầng trong thời gian tới, đặc biệt là dùng chung cơ sở hạ tầng 5G sẽ làm nhanh chóng phổ cập được dịch vụ tới tất cả các vùng miền trên cả nước.
Xây dựng lộ trình dừng công nghệ không còn phù hợp để sử dụng tài nguyên tần số cho công nghệ mới. Chủ trương dùng công nghệ và xem xét dừng công nghệ 3G trong thời gian tới là chủ trương lớn và đó chính là một trong những giải pháp sử dụng điện thoại thông minh để giảm dần sự lệ thuộc vào mạng 2G truyền thống cũng như thúc đẩy tiêu dùng data để giảm bớt tiêu dùng liên quan đến các dịch vụ điện thoại và nhắn tin truyền thống.
"Với những mục tiêu này, chúng tôi mong các DN di động có những lộ trình, kế hoạch để không đầu tư vào mạng 2G truyền thống, chuyển dần sang các mạng thế hệ sau, triển khai các dịch vụ mới sử dụng công nghệ 4G cho voice thay thế cho voice truyền thống và dần dừng được công nghệ 2G, giảm chi phí vận hành, khai thác cũng như tiêu tốn điện năng của các mạng 2G trước đây", ông Nhã đề xuất.
Ngoài ra, Bộ có chính sách thúc đẩy thị trường bán buôn truy cập băng rộng lưu lượng và chính sách cloud first (ưu tiên cho thúc đẩy dùng dịch vụ điện toán đám mây) cho các khối cơ quan Nhà nước.
"Đây là mục tiêu, đồng thời là giải pháp để chúng ta có một mạng viễn thông hiện đại, đáp ứng nhu cầu của Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số", ông Nhã nhấn mạnh.
Thu An
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo