Hạ tầng viễn thông chuyển mình thành hạ tầng số
DNVN - Tại hội thảo World Mobile Broadband & ICT năm 2022 sáng 9/3, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Phạm Đức Long cho rằng, với sự phát triển và hội tụ của viễn thông CNTT hiện nay, hạ tầng viễn thông đã chuyển mình để trở thành hạ tầng số. Việt Nam đang đồng hành cùng thế giới trong việc xác định nội hàm cũng như xây dựng hạ tầng số.
Bà Rịa – Vũng Tàu: Ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào quản lý, bảo vệ rừng / Phụ tải điện tăng mạnh vào hè 2022: Doanh nghiệp chỉ gặp khó trong thời đểm ngắn
Hội thảo World Mobile Broadband & ICT năm 2022 với chủ đề "Hiện đại hóa hạ tầng viễn thông và dịch vụ nội dung số hướng tới thúc đẩy kinh tế số, xã hội số" do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế tại Việt Nam (IDG Vietnam) phối hợp cùng với Hội Vô tuyến Điện tử Việt Nam tổ chức.
Sự kiện diễn ra trong bối cảnh ngành viễn thông cần được phát triển và thúc đẩy để làm nền tảng cho sự phát triển của kinh tế số, xã hội số như chủ trương của Chính phủ.
Về phát triển hạ tầng viễn thông, theo thống kê của Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong năm 2021, Việt Nam có 70,9 triệu thuê bao băng rộng di động (chiếm 57,23% tổng số thuê bao di động), tăng hơn 4% so với năm 2020; có 18,79 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định, tăng 14,59%... Doanh thu trung bình của thuê bao băng rộng cố định trong 10 tháng năm 2021 chỉ đạt khoảng 137 nghìn đồng (tương đương 6 USD), giảm 8% so với mức doanh thu 149 nghìn đồng của năm 2020.
Năm 2022, Cục Viễn thông cũng đặt mục tiêu thực hiện việc phủ sóng mạng băng rộng di động tốc độ trên 1Gb đến các khu công nghiệp, khu công nghệ cao. 100% người trưởng thành có điện thoại thông minh. 75% hộ gia đình có Internet cáp quang. 85% thuê bao băng rộng di động/100 dân.
Thứ trưởng Phạm Đức Long cho rằng, muốn phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số phải có hạ tầng số.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Phạm Đức Long, 2 năm qua, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh mẽ và gây ảnh hưởng rất lớn tới Việt Nam và toàn cầu. Trong bối cảnh đó, công cuộc chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam và thế giới. Đặc biệt, tại Việt Nam quá trình chuyển đổi số đã bước vào giai đoạn tăng tốc, diễn ra trong mọi ngành, mọi lĩnh vực.
Đại hội XIII của Đảng cũng đưa ra nhiệm vụ phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số. Trong đó, kinh tế số đến năm 2025 chiếm khoảng 20% GDP. Đây là là một tiêu đầy thách thức đối với Việt Nam nhằm hiện thực hóa khát vọng đưa Việt Nam thành quốc gia phát triển vào năm 2045.
"Muốn phát triển Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số chắc chắn phải có hạ tầng số. Hạ tầng số phải đi trước một bước. Với sự phát triển và hội tụ của viễn thông công nghệ thông tin hiện nay, hạ tầng viễn thông đã chuyển mình để trở thành hạ tầng số. Đây là sự phát triển rất mới. Và có lẽ hiện Việt Nam cũng đang đồng hành cùng thế giới trong việc xác định nội hàm cũng như xây dựng hạ tầng số", Thứ trưởng Phạm Đức Long nhấn mạnh.
Bộ Thông tin và Truyền thông đã khẳng định, hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông và hạ tầng dữ liệu. Trong phát triển hạ tầng số, Bộ đưa ra mục tiêu làm chủ hạ tầng băng thông rộng, trong đó có hạ tầng thiết bị 5G cũng như làm chủ công nghệ, nền tảng hạ tầng theo chiều hướng "made in Việt Nam".
Hiện Bộ TT&TT đã báo cáo Chính phủ đưa ra mục tiêu Việt Nam sẽ lọt top 30 các nước có hạ tầng phát triển vào trước năm 2025. Đây là nhiệm vụ hết sức thách thức. Để thực hiện mục tiêu này, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ Chiến lược phát triển hạ tầng số giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn 2030. Trong đó có những mục tiêu đầy thách thức như làm thế nào để xây dựng hạ tầng số hiện đại đáp ứng được nhu cầu chuyển đổi số và cũng theo mục tiêu của Chính phủ là "không bỏ lại ai ở phía sau trong quá trình chuyển đổi số".
Thứ trưởng Bộ TT&TT hy vọng hội thảo đưa ra nhiều kiến nghị, đề xuất đối với cơ quan quản lý Nhà nước nhằm hoàn thiện thể chế số, qua đó để vừa quản lý và thúc đẩy phát triển được tiến trình chuyển đổi số, hạ tầng số.
Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ công bố và vinh danh Nhà cung cấp dịch vụ băng thông rộng di động, cố định & ISP tiêu biểu năm 2022 dựa trên kết quả khảo sát mức độ hài lòng của người sử dụng dịch vụ băng thông rộng di động, ISP & điện toán đám mây do IDG Vietnam thực hiện. Đề cập tới khảo sát này, ông Lê Thanh Tâm - Tổng Giám đốc IDG Vietnam cho biết, kết quả khảo sát cho thấy rõ sự thay đổi, dịch chuyển của các dịch vụ viễn thông, trong đó đáng chú ý nhất là sự thay đổi về thị phần, về mức độ hài lòng và về thói quen người sử dụng. Ngoài ra, một trong những điểm nhấn của thị trường viễn thông trong vòng 2-3 năm qua là việc các đơn vị nhà mạng tích cực tham gia vào thị trường cung cấp dịch vụ điện toán đám mây và coi đó là lợi thế cạnh tranh, là điểm nhấn cạnh tranh mới của mình. Từ thực tế đó, IDG Việt Nam cũng đã tổ chức chương trình khảo sát mức độ hài lòng của các doanh nghiệp tại Việt Nam, tập trung trong các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thương mại điện tử, vận tải logistic, truyền thông… |
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo