Giải pháp để đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao 'bứt phá'
Đến 2030, hình thành một triệu héc-ta vùng chuyên canh lúa chất lượng cao / Việt Nam cần khai thác, phát triển thị trường carbon xanh
Chủ trì hội nghị bàn giải pháp thúc đẩy triển khai Đề án phát triển bền vững 1 triệu héc-ta lúa chuyên canh chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, ngày 15/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định tầm quan trọng của việc huy động tối đa đa sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là không thể thiếu vai trò từ bàn tay khối óc của nhân dân.
Yếu tố thành công còn cần có sự huy động đa dạng hóa nguồn lực và sử dụng nguồn lực khoa học, xóa bỏ cơ chế xin cho bao cấp, thủ tục hành chính rườm rà. Nguồn lực này làm sao phải xuống tới địa phương, cơ sở sản xuất, nông dân thì mới hiệu quả.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn, đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp cần phải bứt phá, tăng tốc hơn nữa để sớm đạt được mục tiêu. Để từ đó, chúng ta có thể nghĩ tới việc được 14 - 15 triệu tấn lúa, 9 - 10 triệu tấn gạo từ đề án này. Trên tinh thần đó, Thủ tướng đặt ra 11 giải pháp và giao nhiệm vụ cho từng bộ, ngành, địa phương.
Theo đó, quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài để phát triển cây lúa chất lượng cao, phát thải thấp. Các địa phương phối hợp với các bộ ngành liên quan để hoàn thành quy hoạch trong quý 2/2025.
Cần ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu lúa trong phân khúc chất lượng cao, đi cùng với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng; xây dựng các cơ chế, chính sách ưu đãi, ưu tiên với tinh thần là "vướng ở đâu tháo gỡ ở đó".
Về nguồn vốn, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai các gói tín dụng đang triển khai và nghiên cứu để triển khai trong năm 2025 gói tín dụng với quy mô khoảng 30.000 tỉ đồng cho đề án; cho doanh nghiệp vay vốn để mua vật tư, giống, sản xuất kinh doanh. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài chính cấp phát vốn cho các địa phương và nghiên cứu lập quỹ hỗ trợ triển khai đề án; Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao đẩy mạnh phát triển đa dạng thị trường.
Xây dựng đề án tổng thể để bảo vệ ĐBSCL, trong đó có diện tích đất trồng lúa. Đề án này tổng thể nhưng phân kỳ đầu tư, phân bổ nguồn lực cho các địa phương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ liên quan giảm phát thải, giảm khí metal trong nông nghiệp, bán tín chỉ carbon, có sản phẩm trong quý 2/2025.
Cần đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp, kết nối doanh nghiệp với địa phương, hợp tác xã, các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đa dạng hóa các sản. Tập hợp nông dân bằng nhiều hình thức, phương thức khác nhau như trong hợp tác xã, để người dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, năng động, sáng tạo.
Đối với nhiệm vụ kêu gọi, huy động nguồn lực từ các tổ chức quốc tế, đối tác phát triển, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần đơn giản hóa thủ tục, hài hòa hóa quy định với các đối tác.
Các bộ ngành, các địa phương cần phối hợp, liên kết với nhau, liên kết với doanh nghiệp, với các nhà khoa học; phối hợp, chặt chẽ hiệu quả giữa nhà nông và doanh nghiệp, giữa Nhà nước với nhân dân, giữa khu vực tư nhân và khu vực nhà nước.
Thủ tướng đã thống nhất với đề xuất cần thành lập Ban Chỉ đạo triển khai đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao, phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long do Phó thủ tướng Trần Hồng Hà làm Trưởng ban, với tinh thần chỉ bàn làm, không bàn lùi, đã thực hiện phải có kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được.
Hiện nay, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, đề án đã triển khai 7 mô hình thí điểm ở 5 tỉnh, thành gồm: Cần Thơ, Đồng Tháp, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng. 4/7 mô hình thí điểm vụ hè - thu năm 2024 đã báo cáo kết quả đạt tích cực. Chi phí giảm 20 - 30%, năng suất tăng 10%, giảm 5 - 6 tấn CO2/ha, thu nhập của người dân tăng thêm 20 - 25%.
End of content
Không có tin nào tiếp theo