Hiện thực hóa mục tiêu "net zero": Cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng
DNVN - Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư (KH&ĐT) Trần Quốc Phương, cộng đồng doanh nghiệp (DN) đóng vai trò quan trọng trong việc hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 (net zero) vào năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ cam kết tại COP26.
Tăng trưởng kinh tế 9 tháng 2022 cao nhất trong 12 năm qua / Giảm đến 50% một số loại phí hoạt động kinh doanh vận tải
Tại hội thảo “Hiện thực hóa cam kết của Chính phủ về phát thải ròng về 0: Cơ hội và thách thức với các doanh nghiệp” do Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Bộ KH&ĐT) tổ chức sáng 11/10 tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết: Tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) vào tháng 11/2021, Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về 0 vào giữa thế kỷ.
Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách nhằm giảm phát thải, đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Nhiều tổ chức trong nước, quốc tế đưa ra những đánh giá rất lạc quan về triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2022-2023 và xa hơn. Tuy nhiên, trong hoạt động sản xuất - kinh doanh thực tế, hơn ai hết, chính các DN, nhất là khối DN xuất khẩu, đều nhận thấy rằng, người tiêu dùng ngày càng khắt khe hơn trong lựa chọn sản phẩm, dịch vụ. Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên chọn các sản phẩm, dịch vụ xanh, nhằm bảo vệ môi trường, bảo vệ bầu khí quyển chung của Trái đất.
Là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề bởi biến đổi khí hậu, Việt Nam đang nỗ lực để vừa ứng phó với biến đổi khí hậu, vừa phát triển kinh tế, đặc biệt là trong bối cảnh phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, để bảo đảm cuộc sống ngày càng tốt hơn cho mọi người dân, đồng thời đóng góp có trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế thực hiện mục tiêu giảm phát thải.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương đánh giá vai trò trọng quan của DN trong việc hiện thực hóa mục tiêu net zero.
Để nền kinh tế đạt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, đồng thời bảo vệ được môi trường sống, giảm phát thải khí nhà kính trên GDP đòi hỏi sự nỗ lực liên tục của Chính phủ, của các bộ, ngành và sự hợp sức thực thi của cộng đồng DN Việt Nam.
"Cộng đồng DN đóng vai trò quan trọng hiện thực hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. DN vừa là chủ thể chịu tác động của biến đổi khí hậu, vừa là đối tượng quan trọng trực tiếp tham gia, chuyển các thách thức thành cơ hội từ tác động của biến đổi khí hậu và tạo ra nguồn lực để thúc đẩy công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, triển khai các kế hoạch góp phần giảm phát thải khí nhà kính, thúc đẩy tăng trưởng xanh", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.
Thực hiện cam kết của Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 đem đến thách thức nhưng cũng tạo ra nhiều cơ hội cho DN. Đó là các cơ hội cho nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cơ hội tiếp cận với nguồn tài chính xanh để đầu tư vào các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững DN.
Ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu (Bộ Tài nguyên & Môi trường) khẳng định, chuyển đổi năng lượng, thực hiện phát thải ròng bằng 0 là lựa chọn mang tính chiến lược của Việt Nam.
Theo ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, các doanh nghiệp cần sẵn sàng thực hiện mục tiêu net zero.
Chính phủ đã và đang thực hiện các bước đi nhanh và chắc chắn. Điều này tạo ra nhiều cơ hội cho DN và góp phần tăng lợi thế cạnh tranh về mặt dài hạn. Theo đó, các DN cần sẵn sàng, trong đó cần chuẩn bị về con người có đủ năng lực thực hiện kiểm kê khí nhà kính, xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của DN.
Cần tránh hoặc rút nhanh ra khỏi các ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh sử dụng nhiều năng lượng, phát thải nhiều khí nhà kính. Các DN cũng cần chuẩn bị để tham gia thị trường carbon. Đồng thời, cần hợp tác với các cơ quan chính phủ để xây dựng và thực hiện các biện pháp giảm phát thải hoặc xây dựng tiêu chuẩn, hệ số phát thải đối với sản phẩm kinh doanh của mình.
Về tổng thể, ông Tấn khuyến nghị phải thống nhất về nhận thức, thông về tư tưởng, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, xác định trọng tâm trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó.
Phải kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chuyển đổi xanh với chuyển đổi số và các nhiệm vụ chính trị trọng tâm khác; huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nguồn lực trong nước và ngoài nước, nguồn lực nhà nước và tư nhân, truyền tải được tinh thần chuyển đổi xanh tới các bộ, ngành, địa phương và người dân.
Đồng thời, phải tận dụng, tranh thủ, phát huy sự quan tâm, ủng hộ của các quốc gia, đối tác, tổ chức tài chính quốc tế trong việc hỗ trợ, đồng hành với Việt Nam thực hiện các cam kết tại COP26.
Tại hội thảo, các diễn giả cũng nêu một số kiến nghị nhằm phát triển thị triển thị trường carbon, chính sách tín dụng ngân hàng hỗ trợ tăng trưởng xanh, thách thức của DN trước các hàng rào thuế carbon từ thị trường quốc tế.
Trong khi đó, đại diện một số DN chia sẻ về thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, góp phần thực thi cam kết của Chính phủ tại COP 26.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo