Chính sách

Khơi thông vướng mắc để thu hút dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam

DNVN - Hiện có nhiều tín hiệu tích cực đối với dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, để nâng cao chất lượng và hiệu quả nguồn vốn này, cần khắc phục về cơ bản các điểm nghẽn mà nhà đầu tư và doanh nghiệp đã liên tục kiến nghị thời gian qua.

Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất điều hành thêm 1 điểm % từ 23/9 / Đề xuất giảm 50% thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng với xăng dầu

Xu hướng tích cực
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đứng trước một số khó khăn, xu hướng thu hút FDI toàn cầu có dấu hiệu sụt giảm, Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tính đến thời điểm ngày 20/9/2022, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam đạt gần 18,75 tỷ USD, giảm 15,3% so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, bà Phí Thị Hương Nga - Vụ Phó Vụ Thống kê Công nghiệp – Xây dựng (Tổng cục Thống kê) cho rằng, tuy là giảm nhưng nếu phân tích kỹ hơn, có thể thấy xu hướng tích cực trong thu hút FDI vào Việt Nam.
Năm 2021, Việt Nam có 2 dự án "tỷ đô" rất lớn liên quan đến nhiệt điện với tổng số vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam lên tới 4,41 tỷ USD. Như vậy nếu trừ 4,41 tỷ USD là tái sinh vốn đột biến trong năm 2021 thì tổng vốn đăng ký 9 tháng đầu năm của Việt Nam vẫn tăng 5,94% so với cùng kỳ. Mức tăng này có điểm nổi bật là vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 8,35 tỷ - tăng 29,9% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này thể hiện niềm tin của nhà đầu tư đối với môi trường sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt mức kỷ lục trong 9 tháng năm 2022.

Nếu nhìn vào số dự án đầu tư được cấp phép trong 9 tháng năm 2022 thì cũng thấy có xu hướng tích cực khi số dự án được cấp phép mới là 1.355 dự án với số vốn đăng ký đạt 7,12 tỷ USD, tăng tới 11,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam đạt 15,4 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ, đạt mức cao nhất 9 tháng của các năm từ 2018 đến nay. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất của 9 tháng trong 5 năm qua.
So sánh số liệu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam với số vốn FDI đăng ký sẽ thấy xu hướng rất tích cực của đầu tư. Ở đây, tỷ lệ vốn đầu tư thực hiện (vốn thực đổ vào nền kinh tế) so với phần vốn đăng ký của nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài trong 9 tháng đầu năm đạt 82,3%, đánh dấu mức tăng kỷ lục kể từ năm 2028.
"Số liệu về vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam cao như vậy chứng tỏ niềm tin của nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài đang hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Các nhà đầu tư tin tưởng vào chính sách điều hành của Chính phủ cũng như môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam, từ đó sẵn sàng tiếp tục bỏ vốn đầu tư trực tiếp vào Việt Nam", bà Phí Thị Hương Nga nhận định.
Về vấn đề này, tại diễn đàn CEO "Đón nhận làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành điện tử" ngày 4/10, GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài (VAFIE) cho biết: Khu vực FDI chiếm 55% giá trị sản xuất công nghiệp, góp phần hình thành một số ngành công nghiệp như khai thác dầu khí, lọc dầu, hóa dầu, công nghệ thông tin, điện tử, xe máy, ô tô, khách sạn 5 sao...
GS.TS Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài.

Cùng với đó, khu vực FDI cũng tạo việc làm trực tiếp cho khoảng 5 triệu lao động với thu nhập cao, hình thành đội ngũ nhà quản lý, kỹ sư, chuyên gia kinh tế, công nhân chuyên nghiệp... Hiện, khu vực FDI chiếm khoảng 18% thu ngân sách, 20% GDP.
Hiện có nhiều tín hiệu tích cực đối với dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế, nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tiềm năng to lớn của thị trường 100 triệu dân Việt Nam, với khoảng 25 - 30 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu; nguồn lực dồi dào có trình độ chuyên môn cao; đang trong giai đoạn dân số vàng; có khát vọng thịnh vượng, gắn kết với các nước ASEAN trong cộng đồng kinh tế với 650 triệu dân.
Việt Nam coi trọng thu hút FDI trong các chiến lược phát triển, đã đề ra định hướng mới nâng cao chất lượng và hiệu quả của khu vực kinh tế FDI. Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thực hiện các cam kết liên quan đến tăng trưởng xanh, kinh tế số, xã hội số, doanh nghiệp số, Chính phủ số. Từ giữa năm nay đã nghiên cứu để đưa ra các giải pháp thích ứng với Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu.
Trang thông tin công nghệ Digitimes (Đài Loan, Trung Quốc) nhận định, với việc tham gia sâu rộng hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều công ty sản xuất sản phẩm điện và điện tử trên thế giới. Trong đó có những tập đoàn lớn như Intel, Samsung hay LG Display...
Đặc biệt, Việt Nam cũng đã và đang thu hút được một số trung tâm R&D của nhiều tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới. Nhiều dự án quy mô lớn phù hợp với định hướng thu hút FDI có chất lượng và hiệu quả đang được đàm phán hoặc sắp được cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Khắc phục các điểm nghẽn
Theo đánh giá của GS.TS Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Đầu tư Nước ngoài (VAFIE), cơ hội rất lớn, triển vọng rất tích cực. Vấn đề cốt lõi để biến cơ hội và triển vọng thành hiện thực thì cần đề ra các giải pháp đồng bộ và thực hiện quyết liệt để khắc phục về cơ bản các điểm nghẽn mà nhà đầu tư và doanh nghiệp (DN) đã liên tục kiến nghị với Chính phủ thời gian qua.
Theo đó, cần đẩy nhanh việc hoàn thiện về thể chế, luật pháp, khắc phục tình trạng thiếu tính hệ thống, mâu thuẫn, chồng chéo giữa các văn bản pháp luật. Lưu ý đến cam kết quan trọng của nước ta đối với thế giới là giảm thiểu khí phát thải nhà kính với COP 26, thực hiện Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu 15% và tăng trưởng xanh, bền vững, trách nhiệm xã hội trong sản xuất và kinh doanh.
Ban hành chính sách ưu đãi hợp lý để khuyến khích các tập đoàn kinh tế FDI liên kết theo chuỗi với doanh nghiệp (DN) Việt Nam, hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ về tài chính, tín dụng ưu đãi để đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao trình độ quản trị DN, đào tạo nhân lực tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của DN FDI về công nghiệp hỗ trợ.
Giải quyết có hiệu quả tình trạng tắc nghẽn giao thông tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Đẩy nhanh xây dựng đường bộ cao tốc Bắc - Nam, kết nối với các tỉnh miền núi.
Giảm thiểu thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, thời gian thực hiện quá dài, tốn chi phí và thời gian, làm giảm hiệu quả dự án đầu tư. Mặc dù Chính phủ và chính quyền địa phương ban hành khá nhiều quy định, kể cả trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng vẫn chưa khắc phục được tình trạng "nơi nóng nơi lạnh" hay "trên nóng, dưới lạnh".
Trong khi đó, theo bà Phí Thị Hương Nga, để thu hút nguồn vốn FDI chất lượng, hiệu quả vào Việt Nam trong những tháng còn lại của năm 2022, cơ quan quản lý Nhà nước cần chủ động theo dõi xu hướng dịch chuyển dòng vốn FDI vào Việt Nam nhằm điều chỉnh chính sách phù hợp, thu hút nguồn vốn FDI đạt chất lượng và hiệu quả hơn.
Cần tiếp tục duy trì hoạt động đối thoại chính sách cũng như có các biện pháp kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN, đặc biệt là những doanh nghiệp FDI liên quan đến thủ tục hành chính, đất đai.
Ngoài ra, cần chủ động hơn trong việc thực hiện các chiến dịch vận động xúc tiến với đầu tư để khẳng định Việt Nam vẫn là điểm đến đầu tư an toàn và tin cậy. Thêm vào đó, cần chủ động hơn trong việc kết nối với các tập đoàn lớn của nước ngoài để trao đổi và chia sẻ các cơ hội đầu tư vào Việt Nam.
Liên quan đến hạ tầng, cần tiếp tục rà soát toàn bộ các quy hoạch liên quan đến khu chế xuất, khu công nghiệp cần ưu tiên mở rộng hay thu hẹp. Cần công bố kịp thời các khu công nghiệp, khu chế xuất có quỹ đất sạch, sẵn sàng cho nhà đầu tư đầu tư trực tiếp ngay tại thời điểm hiện tại.
Về nhóm giải pháp phát huy năng lực nội tại của DN trong nước, các DN cần nâng cao năng lực bản thân cũng như nâng cao chất lượng nguồn lao động, nâng cao kỹ năng quản lý để trở thành mắt xích trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm