Thủy sản Việt Nam sẵn sàng cho đợt kiểm tra của EC
Quyết tâm chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm IUU vào năm 2022 để gỡ ‘thẻ vàng’ của EC / Thủy sản Việt và mục tiêu gỡ 'thẻ vàng' ở thị trường EU năm 2022
Chủ trì cuộc họp với Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản, Vụ Hợp tác quốc tế, sáng 4/10, nhằm lên kế hoạch chi tiết đón tiếp Đoàn kiểm tra của EC về IUU, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến đã yêu cầu Tổng cục Thủy sản trước mắt cần tổng kết những nội dung, chương trình đã triển khai từ buổi làm việc gần nhất với EC năm 2019.
Đơn vị cần lập một báo cáo chi tiết về các vấn đề như quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, các phương án quản lý đội tàu, việc truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, cũng như tình hình xử lý vi phạm.
"EC đã đưa ra 4 khuyến nghị rất rõ ràng. Đó là: Chấm dứt tình trạng tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; Quản lý đội tàu chặt chẽ; Truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác đồng bộ theo chuỗi; Thực thi pháp luật, xử lý triệt để. Chúng ta cần dựa vào đây, để nêu bật những nỗ lực của Việt Nam", ông Tiến nói.
Hiện nhiều địa phương quan tâm tới địa điểm đoàn EC sẽ thanh, kiểm tra. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tiến cho rằng, mục tiêu của Ủy ban châu Âu không phải đánh giá từng cảng cá. Thay vào đó, phía EC muốn nhìn thấy bức tranh tổng thể về quy trình truy xuất nguồn gốc thủy sản, phát triển hạ tầng và kiểm soát đội tàu cá của nước ta.
Để thực hiện điều này, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến giao Tổng cục Thủy sản phối hợp với Cục Thú y, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản cùng một số đơn vị liên quan chuẩn bị cụ thể, chi tiết mọi vấn đề liên quan tới kỹ thuật trong tháng cao điểm chống IUU.
Với tinh thần "Hướng dẫn đến tận cùng", "Đọc văn bản là hiểu cần làm gì" và “Sai sót của địa phương là lỗi của chúng ta”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT yêu cầu mỗi tỉnh, thành phố ven biển cần được gửi một văn bản hướng dẫn riêng. Ngoài ra, ông kêu gọi sự vào cuộc của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư... để tạo sức mạnh tổng thể ngay trong tháng 10 này.
"Người dân và địa phương cần được nâng cao nhận thức và hiểu được bản chất của việc truy xuất nguồn gốc thủy sản phải bắt nguồn ngay từ trên tàu, trong từng cuốn nhật ký khai thác. Làm được như vậy, chúng ta mới có thể gỡ thẻ vàng IUU", ông Tiến nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết, trong 10 ngày làm việc tại Việt Nam, Đoàn EC dự kiến sẽ có 2 ngày làm việc với lãnh đạo cấp cao nước ta. Trước đó, phía EC sẽ kiểm tra toàn bộ quy trình từ lúc tàu cá cập cảng, cho đến khi thủy sản vào nhà máy chế biến.
Ngoài ra, EC có thể thăm một số khu bảo tồn ven biển, một số doanh nghiệp thủy sản tiêu biểu... Chương trình cụ thể sẽ do phía bạn lựa chọn và phối hợp Việt Nam triển khai.
Lấy kinh nghiệm từ đợt đón đoàn EC những năm trước, ông Hùng đề nghị 28 tỉnh, thành phố ven biển và các doanh nghiệp thủy sản sẵn sàng bố trí nguồn lực, phục vụ tối đa cho chuyến kiểm tra của EC.
Sau gần 5 EC cảnh báo “Thẻ vàng” (từ ngày 23/10/2017 đến nay) đối với hoạt động khai thác IUU, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư, của Thủ tướng Chính phủ và Ban chỉ đạo quốc gia về IUU, các ban, bộ, ngành Trung ương có liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đã tổ chức triển khai các nhiệm vụ, giải pháp để chống khai thác IUU, gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” theo các khuyến nghị của EC và đã đạt được một số kết quả tích cực.
Các địa phương đã thành lập, kiện toàn Ban chỉ đạo IUU của tỉnh theo nhiệm kỳ để tổ chức triển khai các giải pháp chống khai thác IUU.
Tổ chức ký kết quy chế phối hợp giữa các tỉnh có liên quan để theo dõi, kiểm soát tàu cá của tỉnh thường xuyên hoạt động trên địa bàn của tỉnh khác.
Một số địa phương như Hải Phòng, Nghệ An, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Thuận, Tiền Giang, Kiên Giang, Bến Tre… ban hành cơ chế, chính sách để nâng cao hiệu quả trong công tác chống khai thác IUU như: Hỗ trợ kinh phí cho ngư dân lắp đặt thiết bị VMS, bố trí nguồn lực (trang thiết bị, nhân lực) tại cảng cá.
Cùng với đó, hiệp hội ngành nghề thủy sản đã vào cuộc, tham gia tích cực vào công tác chống khai thác IUU; thành lập “Chương trình Doanh nghiệp hải sản cam kết chống khai thác IUU” với sự tham gia của các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vào EU.
Phát hành “Sách trắng về Nỗ lực chống Khai thác IUU tại Việt Nam”, thực hiện chương trình doanh nghiệp cam kết “Nói không với IUU”; phát hành tờ rơi, tuyên truyền về ảnh hưởng của khai thác IUU đến xuất khẩu thủy sản.
Đã tổ chức triển khai nhiều giải pháp để theo dõi, kiểm tra, kiểm soát hoạt động tàu cá trên biển, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác IUU, đặc biệt là hành vi vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Công tác chứng nhận và truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác đã tổ chức triển khai thực hiện theo quy định của Luật Thủy sản, cơ bản đáp ứng yêu cầu theo khuyến nghị của EC.
End of content
Không có tin nào tiếp theo