Chính sách

Kiến nghị Việt Nam - Ấn Độ hợp tác phát triển sản xuất vaccine Covid-19

DNVN - Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu cho biết, Đại sứ quán đang tích cực làm việc với các trung tâm sản xuất vaccine của Ấn Độ để trao đổi thông tin về việc mua vaccine Covid 19 của Ấn Độ trong thời gian sớm nhất nhằm phục vụ người dân Việt Nam, đồng thời kiến nghị hai nước hợp tác phát triển vaccine trong thời gian tới.

Hòa Bình: Khánh thành mô hình bệnh viện dễ tiếp cận cho người khuyết tật tại Trung tâm y tế huyện Lương Sơn / Vietravel Airlines tài trợ bóng chuyền TP.HCM 200 vé khứ hồi mỗi năm

Thông tin này đã được Đại sứ Phạm Sanh Châu đưa ra tại Diễn đàn trực tuyến Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ 2021 - sự kiện do Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ phối hợp cùng Liên đoàn Công nghiệp Ấn Độ (CII), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 24/03/2021.

Các đại biểu tham gia Diễn đàn trực tuyến Kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ 2021 hôm 24/3/2021.
Đánh giá cao sáng kiến của ban tổ chức thực hiện chương trình, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Phạm Sanh Châu phát biểu, đây là diễn đàn quan trọng để Cơ quan quản lý, Hiệp hội ngành hàng, Phòng Thương mại và Công nghiệp cùng cộng đồng doanh nghiệp hai nước trao đổi thảo luận cơ chế chính sách, cơ hội đầu tư – kinh doanh tại mỗi nước. Các khuyến nghị tại diễn đàn năm ngoái, khi đại dịch Covid 19 đang bùng phát mạnh, các nước thực hiện giãn cách xã hội, đã được Chính phủ các nước ghi nhận và thực thi, trong đó có việc chấp nhận giấy chứng nhận xuất xứ điện tử đã mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp đồng thời thúc đẩy thương mại song phương.
Diễn đàn năm nay thu hút sự quan tâm của hơn 150 doanh nghiệp hai nước. Diễn đàn tập trung vào ba lĩnh vực chính gồm công nghệ thông tin, điện tử; phụ tùng ô tô xe máy, công nghiệp phụ trợ; và chuyên đề về thuốc, dược phẩm và thiết bị y tế…
Với ngành công nghệ thông tin, Tập đoàn Công nghệ HCL, hiện giữ vị trí thứ 6 trong Top 10 công ty dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu, đã chính thức thành lập công ty tại Việt Nam và cam kết đầu tư khoảng 650 triệu USD và dự kiến đào tạo khoảng 10 nghìn kỹ sư, nhân lực công nghệ cao cho Việt Nam trong vòng 5 năm tới. Ban lãnh đạo công ty đã rất hài lòng về sự phát triển nhanh chóng chỉ sau 6 tháng có mặt tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Tập đoàn Công nghệ FPT đã mở văn phòng đại diện tại thành phố Hyderabad, Ấn Độ.
Với ngành công nghiệp phụ trợ, phụ tùng ô tô – xe máy, đây là một trong năm ngành hàng trọng điểm mà Thương vụ - Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ sẽ tập trung thúc đẩy trong thời gian tới. Đại sứ quán vừa thực hiện chương trình xúc tiến đầu tư – thương mại tại thành phố Chandigarh vừa gặp gỡ và tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp sản xuất phụ tùng ô tô – xe máy tại đây. Trước đó, Đại sứ quán đã phối hợp với chính quyền bang Uttar Pradesh và Hiệp hội Công nghiệp Ấn Độ tổ chức chương trình giao thương vào ngày 25/02/2021.
Hợp tác nổi bật giữa Việt Nam và Ấn Độ trong ngành công nghiệp phụ trợ là các dự án hợp tác giữa Tập đoàn Tata Ấn Độ với Công ty Công ty cơ khí ôtô TMT, và dự án đầu tư của Tập đoàn Minda tại tỉnh Vĩnh Phúc.
Với lĩnh vực thuốc, dược phẩm và thiết bị y tế, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết: “Đại dịch Covid 19 đã cho thấy tầm quan trọng của lĩnh vực y tế đối với sức khỏe người dân toàn cầu. Thời gian gần đây, Đại sứ quán đang tích cực làm việc với các trung tâm sản xuất vaccine của Ấn Độ như Serum Institute of India, Bharat Biotech… để trao đổi thông tin về việc mua vaccine Covid 19 của Ấn Độ trong thời gian sớm nhất để phục vụ người dân Việt Nam; đồng thời kiến nghị hai nước hợp tác phát triển vaccine trong thời gian tới”.
Đại sứ quán mong muốn doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại sản xuất tại Việt Nam chứ không chỉ đơn thuần là gia công, đóng gói. Chính phủ Việt Nam cam kết sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp sản xuất thuốc và dược phẩm tại Việt Nam.
Bà Lê Thị Mai Anh, Trưởng Phòng Đông Nam Á – Nam Á và Hợp tác Khu vực, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid 19 nhưng thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ vẫn đạt kết quả tích cực, cơ cấu ngành hàng đã thay đổi đáng kể. Nếu trước đây, chủng loại ngành hàng trao đổi thương mại chỉ là dược phẩm, nguyên vật liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản thì nay số lượng mặt hàng rất đa dạng như điện thoại di động, đồ điện tử, sắt thép các loại, hóa chất, sản phẩm nông nghiệp, nguyên vật liệu cho ngành chăn nuôi, thủy sản, thịt trâu… Ấn Độ là nhà cung cấp dược phẩm lớn thứ ba cho Việt Nam sau Pháp và Đức, trong năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu 257 triệu USD thuốc và dược phẩm từ Ấn Độ.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm