Chính sách

Lo ngại kẽ hở cho hành vi trục lợi trong kinh doanh khí

DNVN - Nghị định 87/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng theo xu hướng nới lỏng điều kiện cấp phép, theo đó có thể tạo kẽ hở cho các hành vi trục lợi, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của thị trường khí.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT: Phát triển bền vững tới năm 2030, Việt Nam cần nguồn vốn 360 tỷ USD / Bình đẳng giới: Thiếu các đánh giá tác động nhìn từ góc độ ngân sách

Dễ tạo kẽ hở do nới lỏng điều kiện cấp phép
Tại diễn đàn "Phát triển thị trường khí Việt Nam: Xây dựng thị trường khí Việt Nam cạnh tranh, minh bạch và hiệu quả" ngày 25/8 tại Hà Nội, một trong những nội dung được các diễn giả tập trung phân tích là chỉ ra vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện Nghị định 87/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng (Nghị định 87).
Ông Nguyễn Thanh Bình - Chủ tịch Hiệp hội Gas Việt Nam cho biết: Trước khi có Nghị định 87 về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng, Nghị định 107/2009/NĐ-CP về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng đưa ra những quy định hết sức chặt chẽ để đảm bảo giai đoạn đầu, thị trường hoạt động theo đúng khuôn khổ, định hướng. Sau khi thị trường phát triển và có định hướng, Nghị định 107 được sửa đổi và nghị định mới đang áp dụng hiện nay là Nghị định 87. Nghị định này theo xu hướng nới lỏng các điều kiện cấp phép để nhiều thành phần trong thị trường khí có thể tham gia.
Tuy nhiên, đây là một trong vấn đề cần lưu ý bởi vì nhiều DN không có năng lực, không đầu tư bài bản, không vì quyền lợi của người tiêu dùng mà có thể lợi dụng các kẽ hở về mặt thông thoáng của Nghị định 87 để từ đó có những hành vi trục lợi, vi phạm pháp luật, tạo ra những lợi ích riêng cho DN, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển lành mạnh của thị trường trong thời gian tới.

Nghị định 87 được cho là có những bất cập, gây khó cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.
"Tôi không nói Nghị định 87 là đúng hay sai, nhưng theo tôi thời gian đầu triển khai cần có những quy định chặt chẽ để thị trường đi đúng hướng, sau đó mới mở dần theo lộ trình nhằm phát triển thị trường cạnh tranh và lành mạnh. Các quy định trong Nghị định 87 hiện nay cho thấy chúng ta "mở" đồng loạt và quá sớm", Chủ tịch Hiệp hội Gas nói.
Nghị định 87 cũng chưa tách bạch rõ các loại sản phẩm, trong đó khí đốt hóa lỏng (LPG), khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) và khí nén thiên nhiên (CNG) đang được gộp vào mang tính quản lý coi như là khí. Nhưng thực ra các sản phẩm này có những đặc thù, tính chất thị trường khác nhau.
Do đó, hiệp hội đề xuất với tổ soạn thảo tách bạch các sản phẩm khí để có những quy định rõ ràng hơn, phù hợp hơn về tính chất, và phù hợp với thị trường của từng loại sản phẩm.
Hiệp hội Gas Việt Nam mong muốn Ban soạn thảo, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng Nghị định 87 mới theo hướng tạo dựng và khuyến khích môi trường kinh doanh cạnh tranh lành mạnh, minh bạch. Cung cấp đầy đủ công cụ để các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực thi trách nhiệm quản lý và giám sát thị trường. Đồng thời bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thanh Bình cũng đề xuất chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm pháp luật để tiến tới có những xử lý mạnh mẽ các hành vi này nhằm đảm bảo làm lành mạnh hóa thị trường, phát triển thị trường, tạo niềm tin cho các nhà kinh doanh, nhà đầu tư trong và ngoài nước tiếp tục đầu tư mạnh mẽ vào thị trường khí Việt Nam.
Gây khó cho doanh nghiệp chân chính
Ở góc độ cơ quan quản lý, ông Đỗ Trọng Hiếu - Phó trưởng Phòng Phân phối hàng hóa và dịch vụ thương mại (Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương) cũng khẳng định: thực trạng thị trường kinh doanh khí đang tồn tại một số vấn đề nổi cộm, một số quy định trong Nghị định 87 còn bất cập, gây khó khăn cho doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Đó là chưa quy định đầy đủ, rõ ràng và cụ thể về các loại hình thương nhân thuộc hệ thống phân phối kinh doanh khí, gây hiểu nhầm và lúng túng cho các cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong quá trình áp dụng.
Việc quy định về lập sổ theo dõi chai LPG là một trong những điểm mới của Nghị định 87 nhằm ngăn chặn tình trạng chiếm dụng chai LPG trên thị trường. Tuy nhiên, việc triển khai còn gây khó khăn trong doanh nghiệp do công tác tuyên truyền, thiếu lộ trình áp dụng, chưa có quy định ràng buộc các tổ chức, cá nhân có liên quan thực hiện,… Do vậy, hầu hết các doanh nghiệp thuộc đối tượng điều chỉnh đã không tuân thủ hoặc thực hiện đối phó.
Thêm vào đó, tình trạng các tổ chức, cá nhân kinh doanh LPG cạnh tranh không lành mạnh bằng cách chiếm giữ, trao đổi, mua bán các loại chai LPG không thuộc quyền sở hữu gây mất ổn định thị trường, ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính...
Ông Đỗ Trọng Hiếu kiến nghị, để đảm bảo hoạt động kinh doanh khí cạnh tranh và minh bạch trong thời gian tới, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia thị trường, thu hút các nguồn vốn, ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ số vào hoạt động kinh doanh khí.
Xây dựng đồng bộ các loại hình thương nhân kinh doanh khí để bảo đảm các thương nhân kinh doanh khí được điều chỉnh đầy đủ và rõ ràng, gắn với từng khâu trong chuỗi kinh doanh khí từ sản xuất, nhập khẩu, phân phối đến khách hàng, người tiêu dùng...
"Việc xây dựng, hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động kinh doanh khí đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển thị trường khí của Việt Nam. Từ đó giải quyết đòi hỏi chính đáng của cộng đồng doanh nghiệp về việc tạo lập môi trường kinh doanh cạnh tranh, minh bạch, thu hút, khai thác các nguồn lực của xã hội nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế - xã hội nói chung và hoạt động kinh doanh khí nói riêng trong thời gian tới", Phó trưởng Phòng Phân phối hàng hóa và dịch vụ thương mại nhấn mạnh.
Nguyệt Minh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm