Chính sách

Luật Điện lực sửa đổi: Thêm động lực thu hút vốn tư nhân trong chuyển dịch năng lượng?

DNVN - Theo tiến sĩ Michael R. DiGregorio – Trưởng nhóm Công tác về Môi trường của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), kiêm Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ châu Á Việt Nam, Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2022 sẽ tạo ra khuôn khổ thu hút thêm nguồn vốn từ khu vực tư nhân để hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng.

Thiết kế thị trường thông minh cho chuyển đổi năng lượng toàn cầu / Phát triển năng lượng gắn với thu hút đầu tư nước ngoài: Tài sản lớn nhất là làm chính sách

Tiến sĩ Michael R. DiGregorio cho biết, hiện có một nguồn lực lớn sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam để hỗ trợ quá trình xây dựng nền kinh tế carbon thấp. Để thu hút được nguồn vốn này, Việt Nam cần ưu tiên xây dựng khung pháp lý nhằm cân bằng lợi ích trong nước và quốc tế, hạ thấp rào cản gia nhập cho các doanh nghiệp.

Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu hóa thạch rút lui bằng cách phát triển các công cụ và cơ chế tài chính đề tài trợ cho quá trình chuyển đổi.

Năm 2021, Việt Nam xếp thứ 65 trong số 115 quốc gia về mức độ sẵn sàng chuyển dịch năng lượng theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, với số điểm 54 - mức trung bình toàn cầu. Điều này cho thấy, Việt Nam đang còn nhiều cơ hội và không gian để đẩy mạnh quá trình chuyển dịch năng lượng.

Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2022 sẽ tạo khuôn khổ pháp lý thu hút vốn tư nhân.

Những cam kết về phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đã được phản ánh trong Dự thảo Quy hoạch Điện VIII. Dự thảo này ước tính chi phí đầu tư là 142 tỷ USD (126 tỷ USD cho phát điện và 16 tỷ USD cho lưới truyền tải điện) trong giai đoạn 2021 - 2030, trong đó phần lớn phải đến từ khu vực tư nhân.

“Chúng tôi cho rằng, việc sửa đổi Luật Điện lực vào năm 2022 sẽ tạo ra khuôn khổ thu hút thêm nguồn vốn từ khu vực tư nhân để hỗ trợ quá trình chuyển dịch năng lượng”, ông Michael R. DiGregorio nói.

Theo Trưởng đại diện Văn phòng Quỹ châu Á Việt Nam, lộ trình chuyển dịch theo hướng phát triển xanh và bền vững của Việt Nam không chỉ cần bảo đảm an ninh năng lượng, mà còn phải đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của các quy hoạch tổng thể ngành.

Quá trình này cần có sự hỗ trợ từ các nước phát triển, thông qua hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.

Ngành điện chiếm khoảng một nửa lượng khi thải CO2 của Việt Nam, theo sau là lĩnh vực công nghiệp khoảng 30%, vận tải ở mức 16% và xây dựng là 6%.

Nông nghiệp chỉ đóng góp 1% lượng khí thải carbon, nhưng là nguồn chính tạo ra khí mê-tan và nitơ đi-ô-xít. Cả hai khí này đều tác động mạnh vào sự nóng lên toàn cầu trong thời gian ngắn.

Ngân hàng Thế giới ước tính, chỉ riêng tác động của việc tăng nhiệt độ có thể khiến Việt Nam thiệt hại tới 12-14,5% GDP, hoặc chi phi tích lũy từ 400 - 523 tỷ USD vào năm 2050.

Việc giảm những chi phí này thông qua việc thích ứng và giảm thiểu sẽ đòi hỏi khoảng 368 tỷ USD cho Việt Nam trong 18 năm tới. Con số này bao gồm khoảng 254 tỷ USD để thích ứng với biến đổi khí hậu (219 tỷ USD nâng cấp tài sản tư nhân và cơ sở hạ tầng công cộng, 35 tỷ USD cho các chương trình xã hội), 114 tỷ USD để giảm phát thải và đạt mục tiêu phát thải ròng bằng “0”.

“Trong vài năm tới, Việt Nam có cơ hội huy động vốn toàn cầu để tài trợ cho quá trình chuyển đổi năng lượng của mình. Nhưng để làm được điều đó, đòi hỏi sự phát triển nhanh chóng của nền tảng tài chính và pháp lý”, ông Michael R. DiGregorio cho biết.

Theo ông Michael R. DiGregorio, sẽ ít tốn kém và hiệu quả hơn nếu Việt Nam có thể huy động tài chính dự án chuyển đổi năng lượng thông qua các ngân hàng nước ngoài, cơ quan tín dụng xuất khẩu, quỹ hưu trí, quỹ cổ phần tư nhân và quỹ đầu tư khu vực Nhà nước.

“Các chính sách của Việt Nam cần tập trung vào 4 lĩnh vực chính mà các quy định, tiêu chuẩn và cơ chế tài chính còn hạn chế hoặc thiếu sót, bao gồm: tiếp cận tài chính khí hậu trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế; khuyến khích áp dụng các công nghệ tiết kiệm năng lượng; tăng giá điện năng, phát triển thị trường carbon tích hợp toàn cầu; khuyến khích giảm thải carbon sản xuất nông nghiệp”, ông Michael R. DiGregorio khuyến nghị.


Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm