Nghị định về kinh doanh xăng dầu: "Siết" quyền mua hàng gây thiếu hụt nguồn cung
DNVN - Góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, nhóm thương nhân phân phối (TNPP) xăng dầu cho rằng, việc quy định TNPP chỉ được phép mua hàng của 3 thương nhân đầu mối và không được mua hàng của TNPP khác… là chưa hợp lý và có rất nhiều bất cập.
Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi sẽ tập trung 4 nhóm chính sách lớn / Dự thảo thông tư về xuất xứ hàng hóa: Doanh nghiệp lo phải tiếp 2 đoàn kiểm tra khác nhau
Nhiều bất cập
Nhóm thương nhân phân phối (TNPP) xăng dầu gồm 32 doanh nghiệp vừa có văn bản góp ý cho Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định số 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu do Bộ Công Thương soạn thảo.
Theo nhóm TNPP này, hiện tại, một số đơn vị thương nhân đầu mối trong nước còn nhiều hạn chế về khả năng cung ứng xăng dầu. Chỉ các doanh nghiệp đầu mối Nhà nước là có đủ nguồn lực mạnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này cũng chỉ để đáp ứng đủ cho hệ thống phân phối xăng dầu của họ. Điều này sẽ dẫn đến khó khăn hơn cho các TNPP cũng như bất ổn cho thị trường khi dự thảo được ban hành.
Giả sử khi một TNPP ký kết mua hàng với 3 đơn vị thương nhân đầu mối, nhưng cả 3 đơn vị này đều không có hàng, hoặc nếu 3 đầu mối kinh doanh xăng dầu bị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử phạt (có thể tạm đình chỉ giấy phép kinh doanh xăng dầu), sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của TNPP do bị đứt nguồn cung.
"Như vậy, viêc thương nhân đầu mối vi phạm lại liên đới ảnh hưởng đến quyền kinh doanh xăng dầu của các TNPP. Nếu mỗi thương nhân chỉ được ký kết mua với 3 đầu mối có bảo đảm được việc cung ứng hàng hóa cho thị trường hay không", các doanh nghiệp nêu.
Theo các TNPP xăng dầu, quy định các TNPP chỉ được lấy hàng từ 3 nguồn gây thiếu hụt nguồn cung và làm cho tính độc quyền của thị trường tăng lên.
TNPP không được mua bán, trao đổi hàng hóa, gây khó khăn cho việc tạo nguồn và chủ động nguồn cung của các doanh nghiệp. Với hơn 300 TNPP xăng dầu là lực lượng hỗ trợ cho thương nhân đầu mối phân bổ nguồn hàng, góp phần cung ứng xăng dầu tốt hơn cho người tiêu dùng trên cả nước. Đây chính là lực lượng chủ chốt của thị trường, các TNPP cạnh tranh lẫn nhau làm thúc đẩy linh hoạt hàng hóa tốt hơn cho thị trường xăng dầu hiện nay.
Nếu bối cảnh nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn thì việc các thương nhân đầu mối ưu tiên bán hàng trong hệ thống của mình hay bán cho các TNPP khác cũng không làm thay đổi tổng thể nguồn cung trên thị trường.
Để xử lý vấn đề các bên găm hàng thì cần tăng tính linh hoạt của thị trường, tạo sự cạnh tranh nhằm tạo thuận lợi cho các thương nhân luân chuyển hàng từ nơi thừa đến nơi thiếu, chứ không nên hạn chế, cản trở chuỗi phân phối.
Bộ chủ quản trong quản lý kinh doanh xăng dầu cần xử lý vấn đề giá cả để các bên có động lực kinh doanh. Trong trường hợp nếu nguồn cung thế giới đã thiếu hoặc giá bị định quá thấp thì thương nhân đầu mối bán hàng cho ai cũng không có nhiều khác biệt.
Theo nhóm TNPP, Bộ Công thương đưa ra phương án hạn chế quyền mua bán của đội ngũ TNPP đồng nghĩa với việc thay vì được mua bán từ nhiều nguồn (mua từ các đầu mối và mua bán đồng cấp giữa các TNPP với nhau) thì lại “siết” lại, chỉ cho mua từ 3 đầu mối. Điều này sẽ gây thiếu hụt nguồn cung khi khâu phân phối không mua hàng linh hoạt được như trước để cung ứng xăng dầu đến hệ thống cây xăng lẻ và làm cho tính độc quyền của thị trường tăng lên.
Việc khan hiếm xăng dầu trên thị trường thời gian qua là do giá dầu thế giới có nhiều biến động nên các thương nhân đầu mối nhập xăng dầu với giá cao, nhưng giá bán lẻ lại do Nhà nước qui định. Do bị lỗ nên các thương nhân đầu mối phải nhập hàng về ít dẫn đến tình trạng thiếu hụt xăng dầu trong thời gian vừa qua.
"Tóm lại, nếu khống chế việc mua xăng dầu của TNPP sẽ ảnh hưởng đến việc tạo nguồn, chủ động nguồn cung và chưa bảo đảm tính cạnh tranh… Ngoài ra, còn phát sinh thêm các hệ lụy không đáng có như lãng phí kho bãi, mất đi tính cạnh tranh công bằng và bình đẳng, ảnh hưởng đến nguồn tài chính của hơn 300 doanh nghiệp TNPP xăng dầu", nhóm TNPP xăng dầu nêu.
Ngoài ra, theo các doanh nghiệp, bộ máy hoạt động của các TNPP xăng dầu thời gian qua đã không ngừng nâng cấp và xây dựng các chính sách hỗ trợ nhân sự, người lao động, nhằm tạo ra nguồn thu nhập ổn định ở thời điểm rất khó khăn như hiện nay. Nếu nghị định thay đổi, phạm vi hoạt động của TNPP chắc chắn bị bó hẹp trong phạm vi nhất định dẫn đến tình trạng doanh nghiệp sẽ cắt giảm nhân sự. Người lao động thất nghiệp sẽ ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội.
Về thời gian điều hành giá xăng dầu, theo Dự thảo của Bộ Công thương, thời gian điều hành giá xăng dầu vào ngày thứ 5 hàng tuần (7 ngày). Các doanh nghiệp cho rằng, quy định này không phù hợp với tình hình thực tế tại Việt Nam. Bởi lẽ kể từ khi ký hợp đồng nhập khẩu đến khi xăng dầu được vận chuyển về đến Việt Nam phải mất khoảng từ 10 đến 15 ngày. Sau khi xăng dầu về đến Việt Nam, với tình hình giao thông tại Việt Nam thì phải mất khoảng 5-7 ngày xăng dầu mới được vận chuyển đến các cửa hàng bán lẻ các vùng miền vùng sâu, vùng xa …
Tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp
Hội TNPP xăng dầu kiến nghị Bộ Công Thương không nên vội vàng sửa đổi, bổ sung mà nên tiếp thu ý kiến của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, bao gồm các thương nhân đầu mối, TNPP và các hệ thống bán lẻ.
Kéo dài thời gian sửa đổi bổ sung Nghị định để tiến hành nghiên cứu, học kinh nghiệm điều hành kinh doanh xăng dầu của các nước, nhất là các nước có điều kiện tương tự như Việt Nam. Lấy ý kiến các doanh nghiệp một cách rộng rãi để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn, bảo đảm được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, phục vụ cho sản xuất, đời sống và hài hòa lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp, người tiêu dùng.
Trước mắt, thực hiện các quy định hiện hành trong hoạt động sản xuất, kinh doanh xăng dầu, bảo đảm ổn định kế hoạch sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Cụ thể, giữ nguyên quy định TNPP xăng dầu “được mua xăng dầu từ nhiều thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu và TNPP xăng dầu khác theo hợp đồng mua bán xăng dầu”.
Giữ nguyên quy định thời gian giữa 2 lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá. Đồng thời không dời ngày điều hành giá khi rơi vào các ngày nghỉ như thứ 7- chủ nhật – ngày Lễ- Tết.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Cột tin quảng cáo