Chính sách

Quảng Ninh tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư phát triển kinh tế biển

DNVN - Phát biểu tại chức “Hội nghị Phát triển bền vững nuôi biển – Nhìn từ Quảng Ninh", sáng ngày 1/4, ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định, chiến lược nuôi biển của Quảng Ninh là lấy nhà nông chuyên biệt làm nòng cốt. Quảng Ninh tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nuôi biển.

Phát triển nuôi biển tạo sinh kế mới cho ngư dân / Ngành chăn nuôi biển cần phải đưa khoa học công nghệ vào để giải quyết thách thức

Theo ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, với việc không ngừng đổi mới tư duy phát triển nhanh, bền vững, trong 9 năm liên tiếp (2015 - 2023), Quảng Ninh duy trì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội tại địa phương (GRDP) trên 10% năm 2023, đạt hơn 11%, đứng đầu vùng đồng bằng sông Hồng. Quy mô kinh tế đứng thứ ba khu vực phía Bắc.

Quảng Ninh còn giữ vị trí quán quân chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI, 4 năm dẫn đầu các chỉ số cải cách hành chính, định hình thương hiệu Quảng Ninh là điểm đến đầu tư an toàn - thuận lợi - minh bạch - hấp dẫn và thành công.

"Quan điểm phát triển của Quảng Ninh là phát triển kinh tế biển xanh, sử dụng một cách bền vững các nguồn tài nguyên biển và đại dương để tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế việc làm cho người dân. Bảo đảm sức khỏe của các hệ sinh thái biển và đại dương, không đánh đổi tài nguyên môi trường lấy tăng trưởng, phát triển kinh tế biển bằng mọi giá", ông Ký nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh khẳng định Quảng Ninh sẽ sớm trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu Đông Nam Á. Ảnh: Hà Anh.

Cũng theo Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tỉnh sẽ phát triển để sớm trở thành trung tâm kinh tế biển hàng đầu Đông Nam Á. Hội nhập quốc tế toàn diện bằng các giải pháp tổ chức lại không gian phát triển kinh tế biển trên cơ sở phân vùng không gian hợp lý, dựa vào hệ sinh thái, theo chức năng sử dụng biển đảo, vùng ven biển hài hòa lợi ích.

Nuôi biển sẽ là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong thời gian tới. Chiến lược nuôi biển của Quảng Ninh là lấy nhà nông chuyên biệt làm nòng cốt, lấy giá trị gia tăng làm mục tiêu hướng tới đa giá trị.

Lợi thế lớn của tỉnh sẽ tận dụng thị trường khách du lịch mỗi năm trên 20 triệu khách để tiêu thụ và xuất khẩu tại chỗ. Kết hợp nuôi trồng thủy hải sản hướng ra biển với khai thác thủy hải sản công nghệ cao, hiệu quả, bền vững, gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.

"Quảng Ninh cam kết đồng hành thực chất, tạo mọi điều kiện về thủ tục hành chính, đất đai, đáp ứng các nhu cầu về nguồn nhân lực. Bảo đảm an ninh, an toàn, môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch… để các nhà đầu tư trong nước và quốc tế an tâm đầu tư nuôi biển lâu dài và bền vững tại Quảng Ninh", Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cam kết.

Tại hội nghị, bà Hilde Solbakken - Đại sứ Hoàng gia Na Uy tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm nuôi biển tại Na Uy. Đại sứ cho biết, đây là lần thứ 2 bà tới Quảng Ninh trong 2 tuần vừa qua. Việc bà có thêm nhiều đối thoại về nuôi biển ở địa phương là tín hiệu tích cực cho những hợp tác tương lai giữa Việt Nam và Na Uy.

“Điều quan trọng nhất là hai quốc gia đang tích cực trao đổi chứ không cạnh tranh thị trường, mang lại những cơ hội quý giá để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau. Hợp tác nuôi trồng thủy sản biển và hải sản không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho cả hai nước mà còn tăng cường mối quan hệ giữa Việt Nam và Na Uy”, bà Hilde Solbakken nói.

Sản phẩm của doanh nghiệp thủy sản trưng bày tại sự kiện. Ảnh: Hà Anh.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và bộ đã ban hành nhiều chính sách, chương trình để thúc đẩy nuôi biển phát triển. Nhờ vậy, một số bộ phận hỗ trợ ngành công nghiệp nuôi biển đã bước đầu được hình thành ở Việt Nam như hạ tầng vùng sản xuất giống, vùng nuôi tập trung; công nghiệp phụ trợ (thức ăn, thiết bị nuôi); công nghiệp chế biến, phát triển thị trường tiêu thụ…

Hiện nay, nuôi biển đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế biển nhằm đưa nước ta trở thành một quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển trong thế kỷ của biển và đại dương. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000 ha, sản lượng 850.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu 0,8 - 1 tỷ USD. Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000 ha, sản lượng 1,45 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.

Định hướng phát triển ngành nuôi biển của nước ta thời gian tới là phát triển nuôi biển công nghiệp với công nghệ tiên tiến, quy hoạch chặt chẽ, phương thức quản lý hiện đại. Phát triển nuôi biển cả trong vùng ven bờ, trên vùng biển xa bờ, ngoài khơi xa và cả trên bờ.

Đồng thời, phát huy đa dạng sinh học của vùng nhiệt đới. Tích hợp nguồn lực kinh tế kỹ thuật các ngành dầu khí, đóng tàu, vận tải biển, cơ khí hệ sinh thái, bảo đảm phát triển bền vững.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm