Nới rộng chỉ định thầu sẽ làm giảm tính cạnh tranh
DNVN - Ông Dương Văn Cận - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, hình thức chỉ định thầu ngày càng nới rộng thêm làm giảm bớt tính cạnh tranh trong đấu thầu.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, xử lý các vi phạm về rừng tại Đắk Lắk / Xây nhà xưởng, doanh nghiệp "than phiền" chi phí cho phòng cháy chiếm hơn 1/3 giá trị công trình
Cần hạn chế bớt các trường hợp chỉ định thầu
Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) là văn bản quy phạm pháp luật tác động đến doanh nghiệp trong các hoạt động đầu tư, Dự thảo đang được lấy ý kiến rộng rãi và dự sẽ được thông qua tại kỳ họp Quốc hội tháng 5/2023.
Tại hội thảo "Góp ý Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) do VCCI tổ chức sáng 13/4 tại Hà Nội, nhiều đại biểu đưa ra góp ý liên quan đến nội dung đấu thầu trong hoạt động xây dựng.
Về chỉ định thầu quy định tại Điều 23, ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu & Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) đề nghị nghiên cứu mở rộng phạm vi chỉ định thầu cho các gói thầu thực hiện công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), do có ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thực hiện các dự án.
Việc rút ngắn thời gian thực hiện công tác GPMB và dự án mang lại hiệu quả lớn hơn so với việc tiết kiệm khi đấu thầu các gói thầu thực hiện GPMB; đặc biệt hạn chế được các chi phí dừng chờ của các nhà thầu và các chi phí phát sinh khác trong quá trình thực hiện.
Ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu & Xây dựng Việt Nam (Vinaconex).
Ông Dương Văn Cận - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam cho rằng, hình thức chỉ định thầu ngày càng nới rộng thêm làm giảm bớt tính cạnh tranh trong đấu thầu Điều 23 của dự thảo mới nhất (ngày 5/4/2023) đưa ra 12 trường hợp chỉ định thầu so với 10 trường hợp ở bản cũ ngày 13/3/2023 trước đó và 6 trường hợp tại luật đấu thầu 43/2013.
"Hình như chúng ta đang đi ngược lại với xu hướng phải tăng cường tổ chức đấu thầu để đảm bảo tính cạnh tranh, chống lãng phí tiêu cực. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu hạn chế bớt các trường hợp chỉ định thầu, chỉ các trường hợp thật cần thiết như quy định tại các điểm a, b, c và d Điều 23, các trường hợp khác đề nghị chuyển sang các hình thức lựa chọn khác. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu một số trường hợp nêu trên có thể chuyển sang hình thức lựa chọn khác như đàm phán giá, chào hàng cạnh tranh hay có thể đấu thầu rút gọn để tránh tình trạng chạy chọt, tiêu cực tràn lan như hiện nay", ông Dương Văn Cận nêu.
Giá hợp đồng trọn gói gây nhiều bất lợi cho nhà thầu
Về hợp đồng trọn gói, ông Nguyễn Khắc Hải cho biết, Điều 66 quy định: Việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ phần trăm giá hợp đồng hoặc giá công trình, hạng mục công trình, khối lượng công việc tương ứng với giai đoạn thanh toán được các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Hồ sơ thanh toán không yêu cầu phải có xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết.
Thực tế thực hiện cho thấy để an toàn khi thanh tra, kiểm toán các chủ đầu tư thường áp dụng khi quyết toán đều yêu cầu Nhà thầu tính toán chi tiết khối lượng hoàn thành. Điều này là không đúng tính chất của Hợp đồng trọn gói. Đề nghị Luật đấu thầu (sửa đổi) nêu rõ các cơ quan thanh tra, kiểm toán không yêu cầu có xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết.
Theo đó, Phó Tổng Giám đốc Vinaconex đề nghị sửa thành "Việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ phần trăm giá hợp đồng hoặc giá công trình, hạng mục công trình, khối lượng công việc tương ứng với giai đoạn thanh toán được các bên thỏa thuận trong hợp đồng. Hồ sơ thanh toán không yêu cầu phải có xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết. Các cơ quan thanh tra, kiểm toán không kiểm tra nội dung này”.
Trong khi đó, ông Cận dẫn quy định tại Điểm b khoản 1 Điều 64: “Giá dự thầu phải bao gồm tất cả các chi phí cho các yếu tố rủi ro về khối lượng công việc và trượt giá có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng tương ứng với trách nhiệm của nhà thầu trong việc thực hiện gói thầu”.
Đây là quy định tính toán giá gói thầu để xét thầu, tuy nhiên chưa phải quy định các yếu tố đưa vào giá gói thầu trong hợp đồng để A-B ký kết thực hiện theo nguyên tắc “lời ăn lỗ chịu”.
Thực tế xuất hiện có nhiều yếu tố rủi ro được xem là bất khả kháng ví dụ như giá vật liệu tăng đột biến 30-40%, dịch bệnh COVID 19, lũ lụt xẩy ra thời gian vừa qua… Hiệp hội kiến nghị những đột biến như trên phải được coi là bất khả kháng như vậy phải được điều chỉnh hợp đồng cho nhà thầu.
Với phân tích này, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi nội dung quy định tại điểm d khoản 1 Điều 64 thành: "Việc thanh toán được thực hiện theo tỷ lệ phần trăm giá hợp đồng tương ứng khối lượng phù hợp với giai đoạn thanh toán được các bên thỏa thuận trong hợp đồng; khi thanh toán không yêu cầu phải có xác nhận khối lượng hoàn thành chi tiết và đơn giá chi tiết “ như quy định tại Nghị định 63 hướng dẫn luật đấu thầu 43".
Khái niệm bất khả kháng rất... bất khả kháng
Ông Dương Văn Cận cho rằng, cần làm rõ khái niệm bất khả kháng đối với hợp đồng trọn gói để quy định này có thể áp dụng được. Khái niệm bất khả kháng là khái niệm được quy định trong luật Xây dựng và trong Dự thảo Luật Đấu thầu.
Tuy nhiên, khái niệm này chưa có luật nào hay văn bản dưới luật nào hướng dẫn và thực tế quy định bất khả kháng không đi vào cuộc sống.
"Khái niệm bất khả kháng rất bất khả kháng, rất siêu hình. Tình trạng giá vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép tăng đột biến 40- 45%, hay tình hình dịch COVID-19 vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng không được xem là bất thường hay bất khả kháng. Điều này là không công bằng với người sản xuất. Trong điều kiện này, nhà thầu không trụ được", ông Cận nêu.
Theo ông Cận, hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị với các bộ có liên quan kể cả với Chính Phủ, Ủy ban của Quốc Hội, tuy nhiên cũng không có trả lời phản hồi. Vì vậy nếu quy định này thật sự không có tính khả thi, không thể hướng dẫn cụ thể được thì không nên đưa vào luật hoặc là dùng khái niệm khác có thể định tính, định lượng được. Hiệp hội kiến nghị: cần làm rõ khái niệm bất khả kháng trong từng trường hợp quy định trong luật.
Nguyệt Minh
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo