Phát triển và nhân rộng công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ
Thái Nguyên: Mở rộng chi nhánh sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh, chế phẩm vi sinh phục vụ nông nghiệp / Chuyển giao công nghệ làm phân bón hữu cơ từ việc nuôi ruồi lính đen
Mục tiêu tổng quát của “Kế hoạch hành động tăng cường sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ tiết kiệm, cân đối và hiệu quả giai đoạn 2022- 2025” (Kế hoạch) là phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối bảo đảm hiệu quả, bền vững góp phần thúc đẩy nền nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bảo vệ môi trường.
Mục tiêu cụ thể của Kế hoạch là nâng tỷ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ được phép lưu hành lên 25% so với tổng số sản phẩm phân bón. Nâng công suất sản xuất phân bón của các cơ sở sản xuất đủ điều kiện lên 1,25 lần (5 triệu tấn/năm). Lượng phân bón hữu cơ sử dụng trong sản xuất nông nghiệp tăng gấp 1,5 lần so với năm 2020.
Cùng với đó là cơ bản hoàn thiện tiêu chuẩn phương pháp thử đối với các chỉ tiêu chất lượng phân bón. Kiện toàn và nâng cao năng lực của hệ thống phòng thử nghiệm, tổ chức chứng nhận hợp quy phân bón. Phấn đấu xây dựng phòng thử nghiệm kiểm chứng đủ năng lực để phục vụ công tác quản lý Nhà nước về kiểm soát chất lượng phân bón.
Tiếp tục xây dựng mô hình sử dụng phân bón hữu cơ, sử dụng phân bón tiết kiệm, cân đối và hiệu quả tiêu biểu trên 9 nhóm cây trồng chủ lực quốc gia trong Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025.
Để đạt các mục tiêu trên, Bộ NN-PTNT đưa ra các nội dung thực hiện chi tiết trong Kế hoạch. Trong đó, có việc phát triển và nhân rộng các công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ thông qua các giải pháp ưu tiên, hỗ trợ hoạt động đăng ký mới hoặc đăng ký mở rộng quy mô, nâng công suất đối với các nhà máy/cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, trong đó có áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến.
Thúc đẩy chuyển giao các công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ hiện đại trên thế giới cho các doanh nghiệp sản xuất phân bón hữu cơ của Việt Nam thông qua việc tận dụng tối đa các chương trình, hoạt động hợp tác quốc tế.
Đồng thời, xây dựng quy trình, hướng dẫn để khuyến khích các hình thức sản xuất quy mô nông hộ, trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ hợp tác sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ trên cơ sở khai thác nguồn nguyên liệu sẵn có, tại chỗ để tăng lượng phân bón hữu cơ tự sản xuất.
Các giải pháp cũng sẽ hướng tới việc chuyển đổi nhận thức của người dân, chủ cơ sở buôn bán, doanh nghiệp sản xuất và cán bộ quản lý địa phương.
Đồng thời, xác định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong công tác tập huấn, hướng dẫn để nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón.
Về khoa học công nghệ, Kế hoạch sẽ tiến hành quá trình chuyển giao các sản phẩm phân bón hữu cơ đáp ứng được các tiêu chí hiệu quả cao, tác dụng nhanh, thân thiện với môi trường, cải tạo và bảo vệ tài nguyên đất.
Chuyển giao ứng dụng công nghệ sản xuất phân bón thân thiện với môi trường, sử dụng nguyên liệu sẵn có từ phụ phẩm nông nghiệp, phụ phẩm hữu cơ trong công nghiệp chế biến và rác thải sinh hoạt như: chất thải chăn nuôi, phụ phẩm trồng trọt, chế biến thủy sản.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để xây dựng cơ sở dữ liệu về phân bón thống nhất từ trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu về công tác quản lý, hỗ trợ công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra, nhu cầu tra cứu thông tin về sản phẩm, cơ sở sản xuất, đại lý phân phối, giá cả và hướng dẫn sử dụng cho cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và người dân.
End of content
Không có tin nào tiếp theo