Chính sách

Quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ và kỳ vọng của doanh nghiệp

DNVN - Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, sự trở lại của Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 5/1/2024 thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ và sự kỳ vọng của doanh nghiệp về một năm phát triển hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đừng để COVID-19 cản đà cải thiện môi trường kinh doanh / Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí không chính thức cho doanh nghiệp

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, sau 1 năm các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh được gộp chung vào Nghị quyết 01/NQ-CP (về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia), năm 2024, Nghị quyết số 02/NQ-CP (quy định riêng về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia) đã quay trở lại.

Nghị quyết số 02/NQ-CP, ngày 5/1/2024 của Chính phủ thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ và sự kỳ vọng của doanh nghiệp về một năm phát triển hơn trong hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sự quay trở lại này của nghị quyết xuất phát từ bối cảnh đầu năm 2023, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vô cùng khó khăn, bất ổn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có hàng loạt cuộc làm việc với đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp để tiếp nhận các vấn đề, lắng nghe kiến nghị.

Thứ trưởng Trần Duy Đông khẳng định, Nghị quyết số 02/NQ-CP thể hiện quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh của Chính phủ và sự kỳ vọng của doanh nghiệp.

“Với vai trò là cơ quan tổng hợp tình hình thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP, chúng tôi ghi nhận sự chậm lại đáng kể, thậm chí là coi nhẹ trong thực hiện các nhiệm vụ về cải thiện môi trường kinh doanh. Tình hình này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Chính phủ”, ông Đông cho biết.

Trong kỳ họp Chính phủ tháng 5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định cần khôi phục lại Nghị quyết số 02/NQ-CP, với các nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên nhằm tạo áp lực cho các bộ, ngành, địa phương trong thực thi. Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương nghiên cứu, xây dựng nghị quyết.

Quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là phải đặt cải thiện môi trường kinh doanh với mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tiếp tục dựa trên các đánh giá quốc tế để tạo áp lực cho thực thi, từ đó tạo ra những thay đổi ở nhiều lĩnh vực.

Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2024 có 6 nhóm giải pháp chính, trong đó có một số giải pháp mới và một số giải pháp đã được đưa ra nhưng chưa được giải quyết hoặc cần thời gian để hoàn tất, cần được tiếp tục thực hiện.

Đó là tập trung tháo gỡ bất cập pháp lý trong thực hiện dự án đầu tư. Nâng cao chất lượng cải cách danh mục ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh. Đẩy mạnh cải cách quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa và triển khai hiệu quả Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Đồng thời, tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn cho doanh nghiệp. Hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, hướng tới phát triển bền vững. Nâng cao chất lượng các dịch vụ phát triển kinh doanh.

Hoàn thiện chính sách nhằm thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh gắn với đổi mới sáng tạo.

“Điểm đặc biệt của Nghị quyết số 02/NQ-CP là đặt nặng vai trò, trách nhiệm của các tổ công tác của Thủ tướng, gồm cả Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ (về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương), Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ (về kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công) và Tổ công tác cải cách thủ tục hành chính của Chính phủ”, ông Đông nhấn mạnh.

Các tổ công tác sẽ là nơi nhận diện được vướng mắc trong quá trình thực hiện, có thể ban hành ngay các văn bản hướng dẫn để tháo gỡ khó khăn hoặc đề xuất hướng xử lý những vướng mắc thuộc chức năng của các cấp có thẩm quyền cũng như theo dõi, đôn đốc, giám sát quá trình giải quyết các vướng mắc, khó khăn. Các vướng mắc sẽ được giải quyết hiệu quả, thực tế.

Chia sẻ về vai trò của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP, ông Đông cho biết, việc xây dựng nghị quyết một mặt để thực hiện nhiệm vụ Chính phủ giao, nhưng cũng là vì yêu cầu, đòi hỏi của doanh nghiệp.

Chính vì vậy, sự trở lại của nghị quyết được cộng đồng doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng. Doanh nghiệp sẽ là một bên giám sát thực thi nghị quyết vô cùng quan trọng, cùng với các cơ quan nghiên cứu độc lập, cơ quan công luận.

“Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục kết nối với các cơ quan, địa phương, các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp, chuyên gia để thúc đẩy thực thi các giải pháp cũng như nhận diện khó khăn, thách thức mới xuất hiện. Bộ sẽ tiếp tục là nơi giữ nhiệt cải cách, lan tỏa những cách làm tốt, nhận diện vấn đề để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh”, ông Đông khẳng định.

Hoài Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm