Chính sách

Tập trung phát triển công nghiệp vành đai Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ

DNVN - Phát biểu tại hội nghị lần thứ hai - Hội đồng điều phối vùng Trung du và miền núi phía Bắc (thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050), ngày 1/12, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, một trong những điểm quan trọng của quy hoạch là tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tại vành đai công nghiệp Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ.

Thuê đơn vị tư vấn nước ngoài lập quy hoạch vùng thủ đô / Công bố đồ án quy hoạch vùng ĐBSCL

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 có ý nghĩa quan trọng, giúp "mở đường", chủ động kiến tạo phát triển, với tư duy mới, tầm nhìn mới để tạo ra cơ hội mới, động lực phát triển mới và giá trị mới cho vùng.

Đặc biệt, quy hoạch đã chú trọng giải quyết các vấn đề liên ngành, liên vùng, liên tỉnh, tái tổ chức không gian phát triển vùng và khai thác, phát huy có hiệu quả mọi nguồn lực nhằm phát triển vùng nhanh, bền vững. Quy hoạch vùng cũng là căn cứ quan trọng để đề xuất kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030, đặc biệt là các dự án lớn, có tính liên vùng.

Xác định rõ vị trí vai trò của quy hoạch, ngay từ những ngày đầu tổ chức lập quy hoạch vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đặc biệt là các địa phương trong vùng với tư cách là cấp chịu sự tác động trực tiếp và triển khai thực hiện.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tại vành đai công nghiệp Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ.

Với cách tiếp cận phù hợp và khoa học, quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã phân tích các vấn đề một cách sâu sắc, cụ thể hóa trên cơ sở các quy hoạch cấp trên và Nghị quyết, đồng thời nhận diện các chiến lược lớn cấp vùng, tích hợp các quy hoạch cấp tỉnh.

Quy hoạch vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã nghiên cứu và đưa ra những nhận diện, đề xuất có tính mới. Đó là quy hoạch đề xuất phân vùng thành các tiểu vùng chi tiết hơn để tạo ra các khu vực có liên kết chặt chẽ và có khả năng chia sẻ hạ tầng hiệu quả hơn.

Đề ra chiến lược vùng về sinh thái và môi trường, với quan điểm xác định cảnh quan hùng vĩ, môi trường trong lành và một hệ thống rừng quy mô lớn là đặc trưng nổi bật của vùng. Đây vừa là tiềm năng nổi bật để thu hút du lịch và kiến tạo môi trường sống chất lượng cao, vừa là nền tảng cho vai trò quốc gia trọng yếu của vùng là "phên dậu" của đất nước, là nơi bảo vệ đa dạng sinh học và rừng đầu nguồn.

Có chiến lược vùng để bảo tồn, phát huy sự đa dạng văn hóa và phát triển nguồn nhân lực. Việc phát triển và khai thác nguồn nhân lực phải đi liền với bảo tồn và khai thác các giá trị văn hóa bản địa - là một trong ba khâu đột phá bên cạnh hạ tầng, kinh tế và môi trường.

Nông nghiệp là trụ cột phát triển kinh tế quan trọng của vùng, cần được phát triển theo hướng bền vững hơn, tránh theo xu hướng tối đa hóa sản lượng, quan tâm hơn đến chất lượng, hiệu quả. Khuyến khích sản xuất nông nghiệp tập trung và theo hướng hàng hóa đồng thời kết hợp với công nghiệp chế biến tại những khu vực có quỹ đất canh tác lớn và kết nối giao thông thuận lợi để tạo giá trị kinh tế lớn.

Đồng thời, tăng cường tỷ trọng cơ cấu các ngành phi nông nghiệp, phát triển công nghiệp và dịch vụ với các quy mô phù hợp địa phương. Nhất là công nghiệp chế biến và dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp tại chỗ, hình thành các chuỗi giá trị nông nghiệp hoàn thiện và tối ưu hóa thu nhập cho người dân và doanh nghiệp.

Tập trung phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo tại khu vực động lực là vành đai công nghiệp Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ. Xây dựng Bắc Giang thành trung tâm công nghiệp bán dẫn của vùng và một trong trung tâm công nghiệp bán dẫn của cả nước. Nghiên cứu khả năng khai thác, chế biến sâu đất hiếm phục vụ cho công nghiệp bán dẫn và xuất khẩu.

Phát triển các khu cửa khẩu Lào Cai, Hữu Nghị trở thành trung tâm thương mại – dịch vụ, trung tâm logistics của vùng và cả nước với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Phát triển du lịch đặc trưng gắn với sinh thái, văn hóa, lịch sử và sự liên kết giữa các tiểu vùng trên cơ sở liên kết về tài nguyên du lịch nổi bật và hệ thống giao thông kết nối.

Ngoài ra, kết cấu hạ tầng của vùng cần được dần dần hoàn thiện tương xứng với yêu cầu phát triển. Kết nối hạ tầng giao thông nội vùng, liên vùng cần được đầu tư để bảo đảm việc lưu thông, vận chuyển người và hàng hóa, giảm sự cách biệt lớn giữa các địa phương trong vùng.

Trên cơ sở ý kiến của Hội đồng điều phối vùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tập trung nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện hồ sơ Quy hoạch vùng để sớm tổ chức thẩm định và trình phê duyệt theo quy định.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm