Chính sách

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Cần 5 thành tố quan trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững

DNVN - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phát triển nông nghiệp bền vững cần 5 thành tố quan trọng: thương hiệu, quy hoạch, doanh nghiệp, ngân hàng và ứng dụng khoa học công nghệ.

Loại gỗ hoàng đế không kém 'gỗ vàng 9000 tỷ' nhưng nhiều người nhầm, nông dân đốn làm củi / Trà Vinh: Giá cá lóc thấp chạm đáy nông dân gặp khó

Chiều ngày 30/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị Thủ tướng đối thoại nông dân lần thứ 5 được tổ chức với chủ đề: "Nông dân là chủ thể, là trung tâm trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới xanh, bền vững".

Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn cho biết, qua 4 lần tổ chức hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân, nhiều vấn đề tồn tại, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong thực hiện chính sách phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã được tập trung giải quyết. Qua đó, tạo sự chuyển biến rõ nét trong phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

“Hội nghị Thủ tướng đối thoại với nông dân hôm nay càng ý nghĩa hơn khi Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20/12/2023 về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới và thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028”, ông Đoàn nói.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nông nghiệp, nông dân là rất lớn.

Qua chuẩn bị Hội nghị đối thoại, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai lấy ý kiến sâu rộng trong các cấp Hội, hội viên nông dân cả nước. Đã có gần 2.000 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Thủ tướng Chính phủ.

Theo đó, bà con nông dân mong muốn Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết về về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đặc biệt là các lĩnh vực được Chính phủ ưu tiên triển khai như phát triển kinh tế xanh, nông nghiệp sinh thái, thúc đẩy chuỗi liên kết đa giá trị.

Nhiều ý kiến, đề xuất, nguyện vọng quan tâm đến các giải pháp hỗ trợ nông dân khi tham gia đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, giảm phát thải vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Về vai trò của người nông dân trong thực hiện chương trình giảm phát thải ròng khí nhà kính. Cùng với đó là vấn đề thúc đẩy hỗ trợ chuyển đổi số mạnh mẽ trong nông nghiệp.

Người nông dân mong muốn Chính phủ ưu tiên hỗ trợ đầu tư vào việc quy hoạch, xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; thúc đẩy du lịch nông nghiệp, nông thôn…

Phát biểu mở đầu cuộc đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đang đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược (thể chế, hạ tầng, nhân lực) với các luật như Luật Đất đai, Luật Hợp tác xã… để phục vụ người dân nói chung, trong đó có người nông dân. Sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nông nghiệp, nông dân là rất lớn.

Đáp lại, giá trị gia tăng toàn ngành nông nghiệp (GDP) tăng cao, ước đạt 3,83% trong 2023, đây là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm gần đây. Nông nghiệp cũng xuất khẩu 53 tỷ USD, có hơn 10 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Nhiều ngành như gỗ, thủy sản đã xoay chuyển tình thế rất khó khăn để xuất khẩu với các chính sách hỗ trợ như gói tín dụng cho lâm sản, thủy sản khoảng 15.000 tỷ đồng đã giải ngân 90%.

Với vai trò chủ thể của nông dân, nông nghiệp đã góp phần bảo đảm các cân đối lớn, giúp nước ta làm đủ ăn và có xuất khẩu. Đây là đóng góp của ngành nông nghiệp, của nông dân Việt Nam.

Hội nghị có sự tham gia của trên 70 nông dân tiêu biểu đại diện cho 10,2 triệu hộ hội viên hội nông dân trên cả nước.

Cùng với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Thủ tướng mong nông dân tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, tự lực, tự cường, đi lên từ bàn tay, khối óc của mình. Thủ tướng nhấn mạnh phát triển nông nghiệp cần 5 thành tố quan trọng: thương hiệu, quy hoạch, doanh nghiệp, ngân hàng và ứng dụng khoa học công nghệ.

“Trước hết phải có thương hiệu (như gạo của kỹ sư Hồ Quang Cua đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới, gạo 5% tấm của Việt Nam đang được giá nhất thế giới). Cùng với đó, phải quy hoạch vùng nguyên liệu để bảo đảm sản xuất ổn định, đủ sản lượng theo thị trường.

Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm đầu vào, lo đầu ra cho nông dân. Ngân hàng cung cấp nguồn vốn với ưu đãi phù hợp. Khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm”, Thủ tướng nói.

Để có những yếu tố này, người nông dân phải có đề án cụ thể theo quy luật cung cầu, quy luật cạnh tranh thì các bên mới có thể tham gia hợp tác, hỗ trợ. Muốn khai thác, phát huy được các tiềm năng du lịch, trước hết, phải làm tốt việc quy hoạch phát triển du lịch gắn với thiên nhiên, di sản, truyền thống văn hóa lịch sử tại các vùng miền.

Liên quan tới câu hỏi về giảm phát thải, Thủ tướng cho biết, sản xuất nông nghiệp có phát thải nhưng nếu trồng rừng có thể hấp thụ carbon. Vừa qua, Việt Nam đã thu được hàng chục triệu USD nhờ bán tín chỉ carbon. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, vừa hạn chế phát thải, vừa tích cực trồng rừng, phủ xanh đất trống đồi trọc.

Về vấn đề thị trường bền vững, Thủ tướng cho rằng, Nhà nước phải đàm phán, ký kết các hiệp định thương mại, kết nối người nông dân với các sứ quán, cơ quan đại diện thương mại. Người nông dân phải có các sản phẩm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Bảo đảm sản xuất sạch, sản xuất xanh, thương hiệu, mẫu mã, bao bì, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý…

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm