Thừa Thiên Huế: Hơn 3.000 doanh nghiệp đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh của cơ quan nhà nước
Chủ tịch Thừa Thiên Huế: Phải đảm bảo tiến độ khởi công các dự án trọng điểm dù ảnh hưởng Covid-19 / Thừa Thiên Huế: Chuẩn bị điều kiện tốt nhất để đón đầu các nhà đầu tư lớn
Ngày 19/1/2021, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức công bố kết quả khảo sát chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) của tỉnh năm 2020.
Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế khen thưởng các đơn vị dẫn đầu xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.
Theo đó, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) tỉnh Thừa Thiên Huế là đơn vị dẫn đầu nhóm các sở, ban ngành với 65,33 điểm (tăng 12 bậc so với năm 2019).
Trong khi đó, UBND thị xã Hương Trà dẫn đầu nhóm các địa phương với 63,10 điểm (tăng 3 bậc so với năm 2019).
Nằm trong Top 5 các đơn vị dẫn đầu nhóm các sở, ban ngành, xếp sau Sở TT&TT lần lượt là Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế, Sở Xây dựng và Cục Hải quan.
Đối với nhóm các địa phương, xếp sau UBND thị xã Hương Trà lần lượt là các UBND huyện Phú Vang, UBND thị xã Hương Thủy, UBND TP. Huế và UBND huyện Quảng Điền.
Bảng xếp hạng chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh nhóm các sở, ban, ngành.
Theo ông Cung Trọng Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2020, tỉnh đã giao cho Viện phối hợp với các đơn vị tiến hành đánh giá DDCI với số lượng tham gia khảo sát đạt 3.126 doanh nghiệp.
DDCI 2020 tiếp tục có những điều chỉnh nhằm khắc phục các hạn chế, đồng thời bám sát các mục tiêu đặt ra của năm như điều chỉnh đơn vị được đánh giá, điều chỉnh chỉ số thành phần, đánh giá xếp hạng được chia thành hai nhóm.
Thống kê và phân tích kết quả năm 2020 cho thấy, có đến 31 đơn vị giảm điểm so với năm 2019, đơn vị duy nhất tăng điểm là Sở TT&TT.
Bảng xếp hạng chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh nhóm các địa phương.
Theo Viện Nghiên cứu Phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế, dưới tác động của dịch COVID-19 và hậu quả của thiên tai bão lũ, với nguồn ngân sách hạn chế và quy định giãn cách xã hội, công tác hỗ trợ doanh nghiệp của các đơn vị gặp nhiều khó khăn, nhiều chương trình quan trọng buộc phải hoãn là nguyên nhân cản trở hoạt động của các sở, ban ngành, địa phương.
“Do đó, đa phần các chỉ số thành phần trong bộ chỉ số DDCI 2020 nhận được đánh giá chưa cao từ cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong khó khăn, nhiều đơn vị vẫn thể hiện nhiều sáng kiến hay hỗ trợ doanh nghiệp và được đánh giá rất cao trong cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin”, Viện này đánh giá.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, kết quả khảo sát DDCI 2020 đã cho thấy một góc nhìn về khả năng điều hành và hỗ trợ doanh nghiệp của các sở, ban, ngành, địa phương trong bối cảnh khó khăn chung của Thừa Thiên Huế nói riêng dưới tác động của dịch bệnh COVID-19 và thiên tai bão lũ.
Với thực trạng các doanh nghiệp đều gặp khó khăn thì sự đồng hành và hỗ trợ của các đơn vị quản lý nhà nước là cần thiết và được doanh nghiệp ghi nhận trong khảo sát này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo