Thương hiệu

Thừa Thiên Huế: OCOP góp phần nâng tầm nông đặc sản địa phương

DNVN – Với trọng tâm “phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương”, sau hơn 2 năm triển khai, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm - OCOP - đã và đang được triển khai đúng hướng, góp phần phát triển các sản phẩm nông đặc sản có quy mô, mang tính đặc trưng và có dư địa phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế.

Thừa Thiên Huế: Phấn đấu 100% DN nhỏ và vừa đủ điều kiện nhận được ưu đãi / Thừa Thiên Huế: Nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vượt bão Covid-19

Thừa Thiên Huế là tỉnh chỉ đạo điểm của Trung ương về OCOP

Đến nay, Thừa Thiên Huế có 36 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP, gồm: 25 sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm; 04 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống; 02 sản phẩm thuộc nhóm thảo dược, 04 sản phẩm thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ trang trí; 01 sản phẩm thuộc vải, may mặc.

Đây không những sản phẩm chủ lực của trục sản phẩm địa phương cấp xã, mang đặc trưng khác biệt, có tính truyền thống tại địa phương mà còn được đánh giá, phân hạng tại cấp huyện, tỉnh; hầu hết là các sản phẩm đã có, được hỗ trợ các dự án chuẩn hóa và hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chí sản phẩm OCOP.

Sản phẩm mây tre đan Bao La của Thừa Thiên Huế là sản phẩm thủ công mỹ nghệ duy nhất trong 26 sản phẩm chỉ đạo điểm của Trung ương về Chương trình OCOP.

Sản phẩm mây tre đan Bao La của Thừa Thiên Huế là sản phẩm thủ công mỹ nghệ duy nhất trong 26 sản phẩm chỉ đạo điểm của Trung ương về Chương trình OCOP.

Đến nay, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có quyết định phê duyệt, công nhận cho 17 sản phẩm OCOP cấp tỉnh; trong đó có 04 sản phẩm đạt 4 sao và 13 sản phẩm đạt 3 sao. Cuối năm 2020, tiếp tục đánh giá phân hạng cho 16 sản phẩm tham gia Chu trình OCOP năm 2020, vượt kế hoạch so với mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2019-2020.

Trong khi đó, Thừa Thiên Huế là một trong 12 tỉnh chỉ đạo điểm của Trung ương về Chương trình OCOP. Có 04 sản phẩm của Thừa Thiên Huế được Trung ương lựa chọn phát triển thành sản phẩm 5 sao, đó là: Nước mắm và mắm làng nghề Tân Thành, nước mắm và mắm làng nghề Phú Thuận, sản phẩm mây tre đan Bao La và sản phẩm dịch vụ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP gắn với vùng du lịch tại TP. Huế.

Trong đó, sản phẩm mây tre đan Bao La đã được đánh giá và phê duyệt phân hạng là sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao. Theo quyết định phê duyệt kế hoạch khung chỉ đạo điểm triển khai Chương trình OCOP của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thì sản phẩm mây tre đan Bao La của Thừa Thiên Huế là sản phẩm duy nhất thuộc nhóm thủ công mỹ nghệ.

Nhiều hỗ trợ cho Chương trình OCOP

 

Năm 2018-2020, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm OCOP. Cụ thể, trong năm 2020, tỉnh đã phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tổ chức Phiên chợ Tuần nông sản an toàn thực phẩm 2020 (từ ngày 19-22/11/2020), tại Siêu thị BigC Huế, quy mô 30 gian hàng, trong đó tỉnh Thừa Thiên Huế có 14 gian hàng sản phẩm OCOP.

Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế chọn cửa hàng tại 20 Chi Lăng (TP. Huế) của Công ty TNHH Thiên Hương làm điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Sở Công thương tỉnh Thừa Thiên Huế chọn cửa hàng tại 20 Chi Lăng (TP. Huế) của Công ty TNHH Thiên Hương làm điểm giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP của tỉnh.

Ngoài ra, thông qua các hoạt động như hội nghị, hội thảo do Trung ương và tỉnh tổ chức tại địa phương (Hội nghị quan chức cấp cao Nông Lâm Nghiệp ASEAN (SOM-AMAF) năm 2019, Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm, Hội nghị toàn quốc văn phòng nông thôn mới, đã tổ chức trưng bày và vận động các cơ sở tham gia trưng bày, giới thiệu các nông đặc sản, sản phẩm OCOP địa phương.

 

Với tổng kinh phí hơn 24 tỷ đồng triển khai các hạng mục dự án, như: Hoàn thiện chất lượng sản phẩm (VietGap, công bố chất lượng, kiểm nghiệm, truy xuất nguồn gốc (QR-Code, mã số mã vạch), xây dựng bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm (nhãn hiệu, bao bì, catalogue), truyền thông quảng bá (Xây dựng tờ rơi, câu chuyện sản phẩm, phóng sự, website).

Ngoài ra, ngành khoa học và công nghệ tỉnh cũng đã triển khai những chương trình, hoạt động có hiệu quả để thực hiện Chương trình OCOP như biên soạn và ấn hành "Cẩm nang giới thiệu các thương hiệu đặc sản địa phương tỉnh Thừa Thiên Huế”; phối hợp và tổ chức các Hội thảo khoa học cấp tỉnh về các sản phẩm chủ lực, phát triển chuỗi giá trị và nâng cao khả năng thương mại hóa, thúc đẩy hoạt động sáng chế, giải pháp hữu ích phục vụ phát triển thị trường...

Song song đó, ngành còn hỗ trợ các đặc sản, sản phẩm lợi thế phát triển tài sản trí tuệ, xây dựng và áp dụng các quy trình quản lý tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế và công cụ quản lý tiên tiến (HACCP, GMP, ISO, Việt GAP), áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc… Từ đó, các sản phẩm được hoàn thiện, đặc biệt là về chất lượng, đáp ứng đầy đủ các điều kiện khi đưa hàng hóa vào kênh phân phối hiện đại như siêu thị.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ kiểm tra các sản phẩm OCOP được làm từ rau má của HTX Quảng Thọ 2.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ kiểm tra, khảo sát các sản phẩm OCOP được làm từ rau má của HTX Quảng Thọ 2.

 

Mặc dù đây là chương trình mới, chưa có tiền lệ và kinh nghiệm, tuy nhiên với sự vào cuộc tích cực các cấp, ngành, từ chính quyền địa phương đến chủ thể kinh tế, Chương trình đã đạt được những kết quả tích cực ban đầu. Các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra giai đoạn 2019-2020 đến nay đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu đề ra.

Chương trình đã tạo sức lan tỏa, thu hút sự tham gia và phát huy vai trò của các chủ thể kinh tế trong việc nâng cấp hoàn thiện sản phẩm theo nhu cầu thị trường và tái cơ cấu tổ chức kinh tế theo hướng liên kết. Các sản phẩm có nhiều chuyển biến tích cực rõ nét về chất lượng và bao bì nhãn mác. Chương trình là một trong những giải pháp rõ ràng góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành công.

Trong lần kiểm tra, khảo sát thực tế Chương trình OCOP mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Phan Ngọc Thọ đã lưu ý các địa phương cũng như các chủ thể tham gia chương trình cần tiếp tục công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm, đầu tư, nâng cấp máy móc thiết bị, áp dụng quy trình sản xuất khoa học, đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt chuẩn bền vững. Tiếp tục xây dựng chuỗi giá trị, chú trọng đến năng suất, chất lượng, thị trường, biến OCOP thành sản phẩm chủ lực của địa phương.

"Việc tham gia OCOP không chỉ để tiêu thụ được sản phẩm nhiều hơn, mà còn hơn thế, đó là phải luôn đảm bảo về mẫu mã, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, để giữ vững thương hiệu cho chính mình và cộng đồng, làng nghề. Đảm bảo thu nhập ổn định và nâng cao cho người dân. Đó mới là cái bền vững, lâu dài của sản phẩm đạt chuẩn OCOP”, Chủ tịch tỉnh Thừa Thiên Huế, nhấn mạnh.

 

Viên Hữu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm