Chính sách

Thúc đẩy tài chính toàn diện: Thiếu các dịch vụ tiện lợi với chi phí thấp

DNVN - Phát biểu tại hội thảo “Lộ trình thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam” sáng 20/7, bà Trần Thị Hồng Minh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh: Việt Nam còn thiếu các dịch vụ tài chính đặc thù và tiện lợi với chi phí thấp.

Cơ hội và thách thức với thị trường dịch vụ tài chính khi Việt Nam tham gia các FTA thế hệ mới / Con nợ tự tử: Do buông lỏng quản lý dịch vụ tài chính tín chấp và thu hồi nợ

Tài chính toàn diện là việc mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững. Thúc đẩy tài chính toàn diện được xem là một trong những trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội.

Trên phạm vi toàn cầu, Liên Hợp Quốc xác định tài chính toàn diện là một giải pháp quan trọng để đạt được 7 trong 17 mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Các nước ASEAN cũng xác định tài chính toàn diện là một trong 3 trụ cột cho tầm nhìn ASEAN 2025 và đã thành lập Ủy ban Công tác về tài chính toàn diện từ năm 2016 với mục tiêu hợp tác thúc đẩy tài chính toàn diện ở các nước thành viên và trong khu vực.

Ở Việt Nam, Chính phủ theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bao trùm, nhấn mạnh đến bình đẳng và tiếp cận các cơ hội để mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả của tăng trưởng.

Trong tiến trình đó, ngày 22/1/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 149/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện, chiến lược đã đạt được một số kết quả nổi bật về khuôn khổ pháp lý, cơ sở hạ tầng tài chính, mục tiêu tài chính toàn diện được lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, kế hoạch hoạt động của các bộ, ngành, địa phương; các chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện chiến lược cũng gặp không ít khó khăn và thách thức.

Bà Trần Thị Hồng Minh- Viện trưởng Viện CIEM phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Ngân Hà).

Phát biểu tại hội thảo, bà Trần Thị Hồng Minh- Viện trưởng Viện CIEM nhấn mạnh: Khuôn khổ pháp lý cho thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam còn bất cập.

Hệ thống tổ chức tài chính vi mô còn hạn chế về quy mô, phạm vi hoạt động cung ứng sản phẩm, dịch vụ tài chính.

“Còn thiếu các sản phẩm, dịch vụ tài chính đặc thù và tiện lợi với chi phí thấp. Việc kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư mới đang hoàn thiện.

Mạng lưới giao dịch của tài chính toàn diện phân bố chủ yếu vẫn ở khu vực thành thị, hạn chế ở địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Kết quả thực hiện chính sách bảo hiểm nông nghiệp còn hạn chế”, bà Minh nhấn mạnh.

Cùng với đó, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu phục vụ thanh toán các dịch vụ trong nền kinh tế chưa hoàn thiện. Kiến thức, kỹ năng quản lý tài chính còn hạn chế.

Trước thực trạng này, Viện trưởng Viện CIEM khuyến nghị cần ban hành nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính trong lĩnh vực ngân hàng.

Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc thực hiện các mục tiêu của tài chính toàn diện. Sửa đổi, bổ sung quy định về tổ chức và hoạt động của tổ chức tài chính vi mô.

Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về quỹ tín dụng nhân dân. Nghiên cứu ban hành quy định về hoạt động cho vay thực hiện bằng phương thức điện tử và hoàn thiện quy định về bảo hiểm vì mô, cơ chế bảo lãnh tín dụng. Khuyến khích, hỗ trợ ngân hàng thương mại phát triển mạng lưới giao dịch tại khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Chia sẻ tại hội thảo, TS Đỗ Thị Bích Hồng- Viện Chiến lược ngân hàng cho rằng, giải pháp đầu tiên và quan trọng là về giáo dục tài chính.

“Nhiều nghiên cứu cho thấy việc thiếu hiểu biết tài chính là một rào cảo chính khiến người dân tự chấp nhận loại trừ bản thân trước tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính. Nhận thức được vấn đề này, nhiều nước đã xây dựng hẳn một chiến lược giáo dục tài chính với mục tiêu nâng cao hiểu biết và năng lực tài chính của người dân”, bà Hồng nói.

Ngân Hà
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm