Doanh nghiệp - Doanh nhân

Nhiều rủi ro trong mô hình tích hợp các dịch vụ tài chính

DNVN - Xu hướng các sản phẩm dịch vụ tài chính – ngân hàng – bảo hiểm tích hợp đang phát triển mạnh, song mô hình dịch vụ tài chính tích hợp đang tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nhiều ý kiến đề xuất cần có một cơ quan hợp nhất để giám sát các dịch vụ trung gian tài chính.

Thủ tướng mong muốn doanh nhân Việt Nam tiếp tục viết lên trang sử vẻ vang / Ca khúc “Không dừng bước" tiếp niềm tin cho doanh nghiệp Việt

Những rủi ro trong mô hình tích hợp các dịch vụ tài chính

Tại Hội thảo khoa học “Phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm trong bối cảnh mới” được tổ chức dưới sự phối hợp của Khoa Tài chính – Ngân hàng (Trường Đại học Thương mại) và Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) vào ngày 12/10/2021, một trong những vấn đề nhiều người quan tâm đó là phát triển dịch vụ tài chính – ngân hàng – bảo hiểm ở Việt Nam trong bối cảnh mới của nền kinh tế số, đặc biệt trước những thách thức từ đại dịch COVID-19.


Hội thảo khoa học “Phát triển dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm trong bối cảnh mới”.

Theo đó, xu hướng phát triển các sản phẩm dịch vụ tài chính – ngân hàng – bảo hiểm như tích hợp các sản phẩm tài chính, dịch vụ tài chính số, ngân hàng số, bảo hiểm số, xu hướng xanh hóa các dịch vụ tài chính - ngân hàng.

Chia sẻ tại Hội thảo, nghiên cứu của PGS.TS. Đào Minh Phúc, TS. Vũ Mai Chi thuộc Học viện Ngân hàng đã nêu rõ xu hướng tích hợp các dịch vụ tài chính từ lý thuyết đến thực tiễn tại một số quốc gia, đồng thời, đặt ra nhiều vấn đề liên quan tại Việt Nam.

Theo đó, trong vài năm gần đây quá trình tích hợp tài chính tại Việt Nam diễn ra mạnh mẽ và rõ nét hơn, tạo ra các kênh phân phối dịch vụ tài chính đa dạng, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Điều này thể hiện ở việc tích hợp ngân hàng - bảo hiểm (Bancassurance) là kênh phân phối dịch vụ bảo hiểm ra đời sau các kênh truyền thống (đại lý, môi giới, trực tiếp) nhưng đã phát triển vượt trội với mạng lưới hoạt động rộng khắp trong hệ thống các tổ chức tín dụng.

Cùng với đó là việc tích hợp chứng khoán - ngân hàng diễn ra mạnh mẽ. Điển hình trong hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay có một số ngân hàng thương mại lớn phát triển theo mô hình tập đoàn tài chính - ngân hàng như VietinBank, Vietcombank, BIDV, ACB, Sacombank, MB với cấu trúc công ty mẹ - con, công ty liên doanh, liên kết thông qua các hoạt động đầu tư hợp tác kinh tế, đầu tư thương mại và phát triển kinh doanh đa lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm… nhằm kết nối hiệu quả giữa thị trường tài chính Việt Nam với các thị trường khu vực và thế giới.

Sự phát triển dịch vụ tài chính tích hợp được xem là xu hướng hiện đại của các quốc gia có hệ thống tài chính lớn mạnh như Mỹ, Nhật Bản hay Châu Âu. Và Việt Nam cũng đang hướng tới mô hình này.

Tuy nhiên, tích hợp các dịch vụ tài chính có nhiều tiềm ẩn rủi ro, thách thức cho các bên liên quan và hệ thống tài chính. Những rủi ro, thách thức mà tích hợp các dịch vụ tài chính trên thế giới đã và đang gặp phải.

Rủi ro đầu tiên có thể kể đến là thách thức trong việc quyết định về lựa chọn cấu trúc doanh nghiệp; thiếu kinh nghiệm tổ chức quản lý và giải quyết các xung đột văn hóa doanh nghiệp do cấu trúc của các tập đoàn, công ty tài chính được tích hợp sẽ bao gồm nhiều bộ phận khác biệt. Điều này đòi hỏi các nhà quản lý phải có khả năng đánh giá rủi ro và xây dựng các chính sách phù hợp để quản lý rủi ro; chấp nhận chi phí giám sát để bao quát toàn bộ hoạt động của tổ chức.

Thứ hai, tích hợp các dịch vụ tài chính tạo khó khăn trong quản lý tài chính. Dòng tiền sẽ được luân chuyển đa chiều từ công ty mẹ đầu tư cho công ty con và công ty con có thể chuyển các khoản tiền tương tự cho các công ty con và công ty liên kết. Ngược lại, dòng vốn cũng có thể chuyển từ công ty con sang công ty mẹ. Trên thực tế, sẽ có rủi ro lớn xảy ra nếu khoản đầu tư của công ty mẹ vào các công ty con có nguồn gốc từ vốn vay nợ thay vì vốn chủ sở hữu. Với quy mô và phạm vi hoạt động rộng của một số tập đoàn tài chính, việc vay vốn nhiều và thiếu vốn có thể có tác động tiêu cực đến sự ổn định tài chính khi tập đoàn bị thua lỗ lớn.

Thứ ba, tích hợp các dịch vụ tài chính tạo xung đột lợi ích. Các công ty, tập đoàn tài chính có thể có những xung đột lợi ích trong giao dịch với khách hàng, khi khách hàng có thể được cung cấp các sản phẩm đầu tư rủi ro, hoặc định giá sai hoặc vô tình bị lôi kéo mua sản phẩm, dịch vụ với các công ty liên kết trong khi họ tin rằng đang giao dịch với tổ chức quen thuộc (như ngân hàng). Xung đột cũng nảy sinh khi thông tin bị sử dụng sai mục đích bởi một đơn vị liên kết (trên thị trường vốn hoặc giao dịch chứng khoán).

Thứ tư là rủi ro lan truyền khi tích hợp các dịch vụ tài chính. Mối quan hệ qua lại giữa các công ty trong một tập đoàn có thể dẫn đến rủi ro lây lan khi một đơn vị gặp sự cố, thậm chí có thể dẫn đến rủi ro danh tiếng ở mức cao hơn so với khi các tổ chức tồn tại độc lập.

Chẳng hạn trường hợp công ty trong tập đoàn vay mượn, bảo lãnh không hoàn trả được, khi đó buộc các đơn vị mạnh phải giúp các đơn vị yếu hơn để bảo vệ hoạt động của chính mình.

Cần một cơ quan hợp nhất giám sát các loại hình trung gian tài chính

Phát biểu của PGS.TS. Đào Minh Phúc tại Hội thảo nhấn mạnh: Các rủi ro và thách thức trên đặt ra yêu cầu về cách thức tổ chức và vận hành mô hình giám sát các lĩnh vực tài chính, cũng như các tập đoàn tài chính cần phải được cải tiến phù hợp.

Trên thế giới, đã có rất nhiều nghiên cứu và báo cáo đề xuất của các bên liên quan như Ủy ban Basle, Tổ chức Quốc tế về Ủy ban Chứng khoán (IOSCO) và Hiệp hội Giám sát Bảo hiểm Quốc tế (IAIS) về vấn đề này và được các quốc gia vận dụng.

Để thực hiện được hiệu quả cách thức tổ chức và vận hành mô hình giám sát các lĩnh vực tài chính, PGS.TS. Đào Minh Phúc cho rằng cần chú trọng ban hành các chính sách liên quan tích hợp tài chính, thông qua việc xây dựng hành lang pháp lý quản lý có lộ trình, để thực hiện tích hợp các lĩnh vực tài chính trên cơ sở đảm bảo phát triển chung, đảm bảo bình đẳng về cơ hội cạnh tranh giữa các loại trung gian.

Đồng thời, lựa chọn các mô hình tổ chức doanh nghiệp phù hợp nhằm tích hợp các dịch vụ đảm bảo phòng ngừa rủi ro và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng tài chính được ưu tiên hàng đầu.

Đối với công tác giám sát tích hợp các dịch vụ tài chính, cần đổi mới cơ cấu tổ chức theo hướng thành lập cơ quan giám sát hợp nhất thực hiện giám sát hầu hết các loại hình trung gian tài chính, đặc biệt là các ngân hàng và công ty bảo hiểm. Tăng cường các quy định về giám sát hợp nhất, bao gồm giám sát và thanh tra trên cơ sở rủi ro.

Theo PGS.TS. Đào Minh Phúc, qua nghiên cứu, các tổ chức tài chính của các nền kinh tế phát triển đều chịu sự giám sát bởi một cơ quan hợp nhất (có thể có các cơ quan phối hợp) và thực hiện tài trợ cho hoạt động của các cơ quan này.

Ngoài ra, cần chú trọng công tác an toàn và bảo mật thông tin của khách hàng để tránh của gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng. Đồng thời có cơ chế chia sẻ thông tin giữa các lĩnh vực trên quan điểm trọng tâm của quá trình tích hợp là giảm được chi phí thu thập, lưu trữ và sử dụng thông tin cho các tổ chức tài chính.

“Cần nghiên cứu, thiết kế các sản phẩm phù hợp, chú trọng phát triển và đa dạng hóa các sản phẩm tích hợp công nghệ số hóa hiện đại nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng về độ chính xác, nhanh chóng và an toàn, tiện lợi”, PGS.TS. Đào Minh Phúc nói.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm