Chính sách

Tổng cục Thuế: Yêu cầu Grab thận trọng trong phát ngôn về nghĩa vụ thuế của tài xế

DNVN – Trước hành động tăng giá cước xe và tăng khấu trừ thuế với lái xe do tác động của Nghị định 126 của Grab, Tổng cục Thuế đã yêu cầu Grab thận trọng trong phát ngôn của mình, đồng thời khẳng định Nghị định 126 không làm tăng giá cước vận tải và nghĩa vụ của cá nhân tài xế.

Tài xế Grab đồng loạt tắt app, phản đối việc tăng giá cước, giảm thu nhập / Việt Nam có thể trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2023

Ngày 11/12/2020, Tổng cục Thuế đã ban hành Công văn số 5270/TCT-DNNCN gửi đến Công ty TNHH Grab về việc tăng giá cước xe, tăng khấu trừ thuế với lái xe do tác động của Nghị định 126/2020/NĐ-CP.

Cụ thể, Tổng cục Thuế khẳng định quan điểm của Chính phủ khi ban hành Nghị định 126/2020 nhằm mục đích tăng cường trách nhiệm của tổ chức trong mô hình hợp tác kinh doanh với cá nhân mà không phải quy định mới về chính sách thuế giá trị gia tăng (GTGT) với hoạt động kinh doanh vận tải.

Việc kinh doanh vận tải vẫn áp dụng thuế GTGT 10% như từ trước đến nay. Quy định tại Nghị định 126 này không làm tăng nghĩa vụ thuế của cá nhân tài xế (Tài xế chỉ chịu thuế thu nhập cá nhân 1,5% nếu có doanh thu trên 100 triệu đồng), không làm tăng giá cước vận tải (do chính sách thuế GTGT 10% với vận tải không thay đổi mà vẫn áp dụng từ trước đến nay).

Tổng cục Thuế: Nghị định 126 không làm tăng giá cước vận tải cũng như  không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế.

Nghị định 126 không làm tăng giá cước vận tải cũng như không làm tăng nghĩa vụ của cá nhân tài xế.

Đồng thời, đại diện Bộ Giao thông Vận tải cũng khẳng định “Hoạt động kinh doanh của Grab là hoạt động vận tải” bởi công ty này quyết định giá cước, lựa chọn khách hàng, lựa chọn lái xe…

Do đó, Tổng cục Thuế yêu cầu Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Grab thận trọng trong phát ngôn khi đưa ra lời giải thích về việc điều chỉnh tăng giá là do tác động của Nghị định 126, tránh tạo dư luận và xã hội hiểu không đúng về chính sách thuế của Nhà nước.

Đồng thời, Grab cần đề cao trách nhiệm xã hội đối với người lao động, tài xế lái xe tại Việt Nam để góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng và cùng phát triển.

Như tin đã đưa, những ngày vừa qua, hàng nghìn tài xế Grab ở các tỉnh thành lớn cả nước như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh… đã tắt app (ứng dụng Grap), đến trị sở của Grab tiến hành căng băng rôn nhằm phản đối việc Grab tăng giá cước và tỷ lệ triết khấu trên doanh thu cuốc xe từ ngày 15/12.

Theo đó, hãng xe công nghệ này đã có thông báo toàn bộ các dịch vụ của Grab như GrabCar, GrabExpress, GrabBike, GrabFood... đồng loạt tăng giá. Tỷ lệ chiết khấu cũng tăng mạnh, từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế GrabCar và từ 23,6% lên 27,273% đối với tài xế GrabBike. Việc tăng giá như trên theo các tài xế Grab là bất hợp lý. Không những thế việc làm này của Grab còn làm cho thu nhập của các tài xế bị giảm sút nghiêm trọng.

Nhiều ý kiến cho rằng, hành lang pháp lý để quản lý những doanh nghiệp có mô hình hoạt động như Grab vẫn đang tồn tại rất nhiều lỗ hổng. Do đó, việc cần làm của các cơ quan quản lý Nhà nước là phải xác định rõ loại hình kinh doanh của Grab là gì để từ đó áp dụng mức thuế cho phù hợp.

Huyền Phạm
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo