TP.HCM: Lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo trong cải cách hành chính
Vinamilk đồng hành cùng cặp lá yêu thương với hành trình "trao cơ hội đi học, cho cơ hội đổi đời" / Thanh tra Chính phủ công bố hàng loạt sai phạm tại Công ty Xổ số TP Hồ Chí Minh
Với ưu thế có nhiều trường đại học hàng đầu, kết nối thuận tiện về logistics và cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao dồi dào, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư nghiên cứu và phát triển, lao động lành nghề, các nhà cung ứng chất lượng cao… trong những năm qua, TP.HCM luôn giữ vị trí dẫn đầu cả nước về thu hút FDI.
Theo số liệu của UBND TP.HCM, tính đến cuối năm 2018, tổng vốn FDI thu hút được đạt 7,39 tỷ USD (tăng 11,8% so với cùng kỳ), đã có 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào TP.HCM, với 8.112 dự án đầu tư, tổng vốn đầu tư kể cả cấp mới và tăng vốn là 44,94 tỷ USD.
Năm 2019, TP.HCM thu hút FDI đạt hơn 8 tỷ USD và trở thành địa phương đứng thứ 2 cả nước về thu hút nguồn vốn này. Tính chung cả vốn thu hút được dưới hình thức cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và vốn thu hút được qua hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các doanh nghiệp trong nước, thành phố thu hút được 8,3 tỷ USD (tăng 39,45% tổng vốn đầu tư so với cùng kỳ năm 2018).
Do tác động của đại dịch Covid-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong năm 2020 tuy giảm so với năm 2019, song năm qua TP.HCM đã thu hút gần 4,4 tỷ USD vốn FDI, đứng đầu cả nước.
Trong những năm gần đây, nguồn vốn đầu tư FDI đã trở thành một phần quan trọng, góp phần đưa nền kinh tế TP.HCM phát triển hài hòa về chiều rộng và chiều sâu.
Có thể thấy, với nhiều giải pháp mạnh mẽ về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nguồn vốn FDI, TP.HCM đang là một trong những địa phương dẫn đầu về thu hút vốn FDI. Để tiếp tục giữ vững vị trí dẫn đầu về thu hút FDI, TP.HCM đã và sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp.
Cụ thể, mới đây UBND TP.HCM đã ban hành chỉ thị về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021.
Theo đó, UBND thành phố yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND quận, huyện, các doanh nghiệp thuộc thành phố tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả chủ đề năm 2021 “Năm xây dựng chính quyền đô thị và cải thiện môi trường đầu tư”. Triển khai sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP.HCM, trong đó nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền thông qua cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển toàn diện TP Thủ Đức.
Cùng với đó, đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cấp, các sở, ngành trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp. Chủ động xây dựng kế hoạch cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, có chế tài xử lý vi phạm và khen thưởng và triệt để ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính.
Đồng thời, thực hiện chương trình cải cách hành chính và nâng cao chỉ số cải cách hành chính, chỉ số năng lực cạnh tranh đảm bảo thiết thực. Đổi mới phương thức phục vụ của chính quyền, tăng tỷ lệ giải quyết hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4.
Ngoài ra, UBND TP.HCM yêu cầu phải tổ chức đối thoại giữa chính quyền các cấp với tổ chức, doanh nghiệp định kỳ hàng quý để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ khó khăn vướng mắc. Lấy doanh nghiệp làm trung tâm, lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả cải cách hành chính. Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của thành phố.
TP.HCM sẽ xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thiếu trách nhiệm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư.
Bên cạnh đó, tiếp tục thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ là kiểm soát tốt đại dịch Covid-19 và triển khai hiệu quả các chương trình hồi phục kinh tế trên các ngành, lĩnh vực. Tiếp tục thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới. Quản lý chặt chẽ tất cả các trường hợp nhập cảnh, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp nhập cảnh trái phép…
Song song đó, triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp lần 2 do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Phát huy hiệu quả các Hội đồng phát triển các ngành kinh tế với vai trò là cầu nối giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các doanh nghiệp, các nhà nghiên cứu và tổ chức tài chính. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách, quy định, các chương trình tín dụng hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp. Phấn đấu tăng trưởng tín dụng khoảng 14%, tăng trưởng huy động vốn khoảng 13% - 14%.
Ngoài ra, đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số tận dụng thời cơ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Triển khai Chương trình chuyển đổi số tại thành phố. Phát triển nền tảng số, tích hợp và chia sẻ dữ liệu, Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo, kết nối dịch vụ số hóa, chuỗi khối, định danh điện tử. Tiếp tục triển khai giai đoạn 2 Đề án xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh.
Triển khai Kho dữ liệu dùng chung và phát triển Hệ sinh thái dữ liệu mở của thành phố, thực hiện số hóa và sử dụng dữ liệu hiệu quả trong hoạt động của chính quyền. Tập trung phát triển kinh tế số, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, thúc đẩy chuyển đổi số tại các doanh nghiệp.
Nghiên cứu triển khai mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế số và thực tiễn phát triển của thành phố. Phát triển và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ viễn thông thế hệ thứ 5 (5G) và sau 5G trong quản lý đô thị. Thực hiện chuyển đổi số trong quản trị, sản xuất - kinh doanh và tổ chức xã hội giai đoạn 2021 - 2025.
Đồng thời, đẩy mạnh thiết kế đô thị phục vụ quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ. Triển khai Chương trình đột phá phát triển hạ tầng, phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng tạo môi trường, điều kiện tốt để phát triển kinh tế - xã hội. Mở rộng không gian phát triển, kết nối các địa phương trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gắn với bố trí, cơ cấu lại sản xuất và phân bố dân cư...
End of content
Không có tin nào tiếp theo