Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Đề nghị thông qua cơ chế đặc thù điện hạt nhân Ninh Thuận / Gỡ khó cho doanh nghiệp dược
Những thách thức mới
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký công điện số 17/CĐ-TTg về việc tích cực, chủ động triển khai các giải pháp thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, thương mại bền vững đáp ứng chính sách xanh của Liên minh châu Âu.
Công điện nêu rõ, trong những năm gần đây, hợp tác quốc tế giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) được đẩy mạnh góp phần thúc đẩy thương mại và tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ 3 của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt 51,66 tỷ USD trong năm 2024, tăng 18,5% so với năm 2023 và là đối tác Việt Nam luôn đạt thặng dư thương mại cao.
Với tác động tích cực có ý nghĩa của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA), triển vọng xuất khẩu sang thị trường EU ngày càng lớn mạnh, kéo theo đó là triển vọng thu nhập gia tăng của hàng chục triệu lao động tham gia chuỗi sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, hướng đến nền kinh tế xanh, tuần hoàn tại Việt Nam.

Mặc dù vậy, các doanh nghiệp đang đối mặt những thách thức mới đến từ các chính sách xanh của EU. Năm 2020, Ủy ban châu Âu đã thông qua Thỏa thuận xanh với mục tiêu giảm 55% lượng phát thải ròng vào năm 2030 so với năm 1990 và đạt trung hòa carbon vào năm 2050.
Thỏa thuận này bao gồm các chiến lược, chương trình, kế hoạch hành động, văn bản chính sách, pháp luật cụ thể với các nội dung, chính sách, quy định ngày càng chặt chẽ đối với sản phẩm nhập khẩu và tiêu dùng theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững.
Các thỏa thuận xanh của EU đặt ra những thách thức lớn cho xuất khẩu Việt Nam, song về lâu dài, việc thực hiện chủ động chuyển đổi xanh đồng bộ và toàn diện tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh, mở rộng thị trường sản phẩm xanh, bền vững.
Bởi vậy, việc đẩy mạnh triển khai các giải pháp phù hợp nhằm chủ động ứng phó và đáp ứng các chính sách xanh của EU là hết sức cấp thiết.
Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, đẩy mạnh xuất khẩu và chuỗi bễn vững đáp ứng các quy định, chính sách xanh của EU và các cam kết phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn và biến đổi khí hậu của Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan liên quan, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp chủ động tổ chức triển khai thực hiện tích cực, hiệu quả, đồng bộ nhiệm vụ, giải pháp đã được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
Bộ Công Thương được giao xây dựng, hoàn thiện chính sách phù hợp tiêu chuẩn quốc tế, tập trung vào kinh tế tuần hoàn, thiết kế sinh thái, quản lý hóa chất độc hại, chất thải và hàm lượng tái chế.
Chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi xanh, áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm tài nguyên, khuyến khích vật liệu tái chế, năng lượng tái tạo, đổi mới thiết kế sản phẩm để kéo dài vòng đời. Đồng thời, đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ, chuyển đổi số, phát triển vật liệu và hóa chất thân thiện môi trường.
Công điện cũng yêu cầu phát triển chứng nhận, dán nhãn sinh thái, thúc đẩy hội chợ xanh, liên kết chuỗi bền vững trong nước và toàn cầu. Doanh nghiệp được hỗ trợ nâng cao năng lực, báo cáo phát triển bền vững, tuân thủ quy định môi trường, phát thải và hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số. Rà soát, nghiên cứu các chính sách xanh tại Thỏa thuận xanh châu Âu để kịp thời phổ biến, hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được yêu cầu hoàn thiện chính sách bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu, quản lý chất thải và thu hồi sản phẩm thải bỏ, thúc đẩy trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), phân loại rác tại nguồn, tái chế và giảm thiểu chất thải.
Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, xây dựng và hoàn thiện các chính sách, quy định, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo hướng gắn yếu tố xanh, tuần hoàn, bền vững đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn quốc tế theo thẩm quyền.
Còn Bộ Tài chính được yêu cầu huy động nguồn lực cho kinh tế tuần hoàn, tiêu dùng bền vững, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường và tăng trưởng xanh, đồng thời nghiên cứu công cụ tài chính xanh của EU để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi bền vững.
Với các hiệp hội ngành hàng, Thủ tướng yêu cầu cập nhật thông tin thị trường, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kết nối với cơ quan quản lý, hỗ trợ sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn xanh. Các tập đoàn, tổng công ty xây dựng chiến lược phát triển bền vững, hợp tác với Bộ, ngành, địa phương triển khai kinh tế tuần hoàn, ưu tiên công nghệ thân thiện môi trường, sử dụng tài nguyên hiệu quả, hạn chế hóa chất độc hại, đồng thời nâng cao năng lực và khuyến khích sáng kiến xanh.
End of content
Không có tin nào tiếp theo