Chính sách

VEPR: Nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài

DNVN - Báo cáo đánh giá “Những diễn biến mới và triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022” của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) vừa khuyến nghị: Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài.

VEPR nhận định về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 / Tăng trưởng GDP 2020: Dự báo của VEPR cách xa mục tiêu của Quốc hội

Chính sách tài khóa giữ vai trò chủ đạo

Sáng 27/4, tại Hà Nội đã diễn ra Tọa đàm “Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới”.

Tại đây, VEPR đã công bố Báo cáo đánh giá “Những diễn biến mới và triển vọng kinh tế toàn cầu năm 2022”. Theo đó, GDP quý I/2022 của Việt Nam đạt 5,03%, so với mức tăng 4,72% của quý I/2021 và 3,68% của quý I/2020.

Công nghiệp chế biến, chế tạo đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế, tiếp tục khởi sắc với mức tăng trưởng 7,79%.

Đầu tư công thực hiện vai trò kích thích kinh tế. Tính chung quý I/2022, vốn khu vực Nhà nước ước đạt 136,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 24,3% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, tăng 10,6%.

Tọa đàm “Hỗ trợ và phục hồi kinh tế Việt Nam trong điều kiện bình thường mới”. (Ảnh: Hà Anh).

“Hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) phục hồi mạnh. Trong đó, tổng XNK ước đạt 176,35 tỷ USD trong Quý I/2022, tăng 14,4%. Khu vực dịch vụ đã có cải thiện đáng kể cùng với việc thực thi một số chính sách mới.XK dịch vụ du lịch đã tăng 75%

FDI vào Việt Nam vẫn tốt, FDI đăng ký đạt 8,9 tỷ USD, giảm 12.1% nhưng FDI thực hiện ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 7,8%. Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng rất cao, đặc biệt là trong khu vực dịch vụ - vốn trước đó chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19”, báo cáo của VEPR nhấn mạnh.

Cũng theo VEPR, thị trường lao động đang trong xu hướng phục hồi. Lực lượng lao động, số người có việc làm và thu nhập bình quân tháng của người lao động tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, chính sách tài khóa được thiết kế sẽ giữ vai trò chủ đạo trong chương trình phục hồi kinh tế. Gói đầu tư công là gói tài khóa khá quan trọng trong Chương trình phục hồi kinh tế, được kì vọng rất lớn có thể mang lại hiệu ứng tốt, kích thích tăng trưởng kinh tế một cách trực tiếp và gián tiếp.

Chính sách giảm thuế VAT là chính sách rất phù hợp lúc này, với ba tác động tích cực của chính sách là giúp giảm áp lực lạm phát thông qua giữ ổn định mặt bằng giá; kích thích cầu tiêu dùng; kích thích doanh nghiệp gia tăng sản xuất kinh doanh.

Áp lực lạm phát do tăng chi phí

Báo cáo của VEPR cũng cho rằng, quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với một số rủi ro, trở ngại chính.

Cụ thể là các rủi ro từ đại dịch, nguy cơ xuất hiện biến chủng mới; áp lực lạm phát và chi phí sản xuất đang tăng lên rất mạnh cũng như rủi ro từ xung đột Nga – Ukraine, sự chậm lại của kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế kinh tế đối tác quan trọng của Việt Nam.

Cùng với đó là sự lệch pha trong chính sách kích thích kinh tế của Việt Nam so với xu hướng chung toàn cầu và các rủi ro liên quan đến sự kém hiệu quả trong thực thi các chính sách kích thích kinh tế.

Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài.

Khuyến nghị chính sách cho Việt Nam, Báo cáo của VEPR cho rằng: “Việt Nam cần đặc biệt chú ý về nguy cơ nhập khẩu lạm phát từ bên ngoài. Lạm phát thấp hiện nay ở trong nước một phần vì cầu tiêu dùng thấp. Lạm phát do chi phí đẩy cần sớm được Chính phủ đánh giá chính thức, nhất là khả năng lạm phát trong các quý tiếp trong năm 2022 do ảnh hưởng của chỉ số giá sản xuất, chỉ số giá nhập khẩu tới lạm phát để có biện pháp kiểm soát giúp hạn chế tác động tiêu cực tới người tiêu dùng trong nước”.

Đồng thời, Việt Nam cần nghiên cứu kịch bản tiếp tục giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối phó trường hợp giá xăng dầu khi giá thế giới biến động lớn, cũng như hoãn/giãn việc tăng các sắc thuế/phí nhằm bình ổn giá các mặt hàng tiêu dùng khác.

Kiểm soát tốt nguồn cung, chuỗi cung ứng vật tư, nhiên liệu sản xuất kể cả hàng hóa tiêu dùng giữa các vùng, giữa các địa phương với nhau, không để đứt gãy, đặc biệt, không để đứt gãy chuỗi cung ứng của thế giới với Việt Nam.

Đây là một trong những thách thức rất lớn với Việt Nam khi cước vận tải biển tăng đột biến từ năm 2021, giá container tăng cao, thậm chí không có hãng tàu biển để thuê, khiến doanh nghiệp khốn khổ.

“Cần xây dựng các thể chế và chính sách hỗ trợ thúc đẩy đầu tư và liên kết đầu tư giữa các thành phần kinh tế, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.

Quyết liệt và nhanh hơn các gói kích thích kinh tế đã được thông qua trong NQ 11, bên canh gói đầu tư cơ sở hạ tầng thì các gói cho vay hỗ trợ lãi xuất, hỗ trợ xây nhà ở xã hội cho người lao động, các biện pháp miễn giảm thuế/phí cho nhóm đối tượng cụ thể, cần được đẩy mạnh hơn nữa”, VEPR khuyến nghị.

Hà Anh
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm