Thị trường

VEPR nhận định về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019

DNVN - Tại Tọa đàm "Công bố Báo cáo Kinh tế Vĩ mô Quý I năm 2019" của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chiều 11/4, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR nhận định, với mức tăng trưởng đạt 6,79% của quý 1, mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra là khả thi.

Thủ tướng yêu cầu khắc phục tình trạng 90% doanh nghiệp chép điều lệ mẫu trong Luật Doanh nghiệp / 3 chính sách kinh tế nổi bật có hiệu lực từ giữa tháng 4/2019

Theo báo cáo kinh tế vĩ mô quý 1/2019 của VEPR, tăng trưởng kinh tế vẫn được duy trì nhưng có dấu hiệu chững lại.
Số liệu công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy, tăng trưởng kinh tế Việt Nam Quý 1/2019 đạt mức 6,79%, chứng tỏ đà tăng trưởng có phần giảm sút trong năm 2019.
Khu vực dịch vụ tăng trưởng ở mức 6,5% trong Quý 1, thấp hơn so với cùng kỳ năm trước ở mức 6,7%. Bán buôn và bán lẻ với mức tăng trưởng 7,82% tiếp tục là ngành đóng góp nhiều nhất vào tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế (0,95 điểm phần trăm); dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 7,60%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,22% và hoạt động kinh doanh bất động sản tăng 4,75%.
PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách phát biểu tại tọa đàm

PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách phát biểu tại tọa đàm

Lượng khách quốc tế tới Việt Nam cũng tăng đáng kể với trên 4,5 triệu lượt khách, tăng 7%. Trong đó, các thị trường hàng đầu đều tăng trưởng tích cực về lượt khách du lịch, bao gồm: Hàn Quốc (24,1%), Nhật Bản (8,3%), Đài Loan (26%) và Thái Lan (tăng 49,3%).
Trong Quý 1, ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng trưởng khá ảm đạm, chỉ đạt 2,68%. Do đang vào vụ thu hoạch lúa Đông Xuân, lượng cung gạo trên thị trường tăng làm giá gạo giảm, cùng với việc dịch tả lợn châu Phi xảy ra gây ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi.
Thuỷ sản tiếp tục là điểm sáng của khu vực này với mức tăng cao nhất của Quý 1 trong 9 năm qua, đạt 5,1%. Do trong những tháng đầu năm, thời tiết tương đối thuận lợi cho hoạt động khai thác biển, chi phí hoạt động khai thác ổn định, nhu cầu tiêu thụ hải sản của người dân tăng tạo động lực cho
ngư dân ra khơi bám biển.
Trong khi đó, khu vực công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng 8,63% mặc dù thấp hơn mức 10,08% của cùng kỳ 2018 nhưng vẫn có đóng góp cao nhất vào tăng trưởng kinh tế. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của khu vực này với mức tăng cao 12,35%, nhưng thấp hơn Quý 1/2018 (13,56%). Đồng thời, ngành khai khoáng lại tăng trưởng âm với mức 2,2 %.
Với mức tăng trưởng GDP đạt 6,79% của quý I, nhóm nghiên cứu Kinh tế vĩ mô của VEPR cho rằng mục tiêu tăng trưởng 6,6 - 6,8% của năm 2019 do Quốc hội đề ra khả thi. Tuy nhiên, trước vấn đề cạnh tranh thương mại Mỹ - Trung và chủ nghĩa bảo hộ, rủi ro của kinh tế Trung Quốc, tương lai không rõ ràng của tiến trình Brexit và mâu thuẫn trong nội bộ khu vực EU, có thể có những cú sốc bên ngoài, có tác động nhất định tới diễn biến của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2019.
Theo VEPR, triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong dài hạn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào FDI, kết quả gỡ bỏ rào cản thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.
Một khi vấn đề thâm hụt ngân sách cao và nợ công tăng nhanh chưa được giải quyết, những thành tích về tăng trưởng hay lam phát đang phải dựa vào một nền tảng bấp bênh. Qua đó, VEPR khuyến nghị, Việt Nam cần từng bước xây dựng “đệm” tài khóa, trước tiên thông qua việc tinh giản bộ máy nhà nước và cắt giảm chi tiêu thường xuyên.
PV
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm