Choáng váng: Một cổ phiếu tăng giá 721% trong 2 tháng lên sàn
“Quyền lực” của cổ phiếu doanh nghiệp ông Phạm Nhật Vượng trên sàn / Dragon Capital hoàn tất bán 1,74 triệu cổ phiếu PNJ
Phiên sáng đầu tuần (12/8), các chỉ số tiếp tục diễn biến giằng co tuy nhiên vẫn đạt được trạng thái tăng điểm vào thời điểm tạm dừng giao dịch: VN-Index tăng 1,44 điểm tương ứng 0,15% lên 975,78 điểm và HNX-Index tăng nhẹ 0,09 điểm tương ứng 0,09% lên 102,87 điểm.
Số lượng mã tăng-giảm trên sàn khá cân bằng. Có 281 mã giảm, 32 mã giảm sàn, nhỉnh hơn chút ít so với số mã tăng (261 mã tăng, 37 mã tăng trần) nhưng chênh lệch không đáng kể.
Phiên này chỉ số chính không bị chi phối bởi diễn biến của các mã vốn hoá lớn. Trong khi GAS, HPG, FPT, VHM, VJC, MBB… có ảnh hưởng tích cực thì chiều ngược lại VCB, VNM, CTG, SAB, HDB… lại kìm hãm VN-Index.
Thanh khoản đạt hơn 96 triệu cổ phiếu tương ứng 1.792,74 tỷ đồng trên HSX và 12,56 triệu cổ phiếu tương ứng 160,35 tỷ đồng trên HNX.
Cổ phiếu khu công nghiệp đang hưởng lợi, trong đó có SIP.
Trên sàn UPCoM, chỉ số đánh mất 0,41 điểm tương ứng 0,17% còn 58,02 điểm. Cổ phiếu SIP của Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG ở sàn này sau hai phiên điều chỉnh cuối tuần trước do áp lực thông tin “chốt lời” của dàn lãnh đạo thì sáng nay đã tăng mạnh trở lại với mức tăng tới 8.700 đồng mỗi cổ phiếu tương ứng 7,55% lên 124.000 đồng.
Công ty Cổ phần Đầu tư Sài Gòn VRG mới lên sàn hồi đầu tháng 6 vừa rồi, đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên ngày 6/6 là 17.200 đồng. Tuy nhiên, chỉ sau hai tháng “lên sàn”, SIP đã tăng giá “chóng mặt” gấp 7,2 lần (721%) so với thời điểm mới chào sàn.
Mới đây, ông Trần Như Hùng, Phó Tổng Giám đốc SIP thông báo đã bán được 100.000 cổ phiếu trong số 200.000 cổ phiếu đăng ký bán ra và giảm sở hữu tại công ty từ 0,75% còn 0,6% (tương ứng 417.100 cổ phiếu).
Giao dịch nói trên được thực hiện trong khoảng thời gian từ 10/7-8/8/2019. Nguyên nhân thực hiện giao dịch hết số cổ phiếu đăng ký được ông Hùng lý giải do “thay đổi nhu cầu tài chính cá nhân”.
Đáng chú ý, giữa bối cảnh giá cổ phiếu “tăng nóng”, không chỉ ông Trần Như Hùng mà hàng loạt lãnh đạo SIP đều ồ ạt muốn chốt lời và rất thú vị là đều với mục đích “giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân”.
Cụ thể, ông Nguyễn Thanh Tùng - Uỷ viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng Giám đốc SIP đã đăng ký bán ra 14.350.492 cổ phiếu trong tổng số 15.295.242 cổ phiếu (tương ứng 22,15%) mà ông này đang nắm giữ tại công ty. Giao dịch dự kiến thực hiện từ 9/8 đến 6/9/2019. Nếu giao dịch thành công thì ông Tùng có thể “lãi” hơn 1.500 tỷ đồng (tạm tính theo chênh lệch giá hiện tại của SIP với phiên đóng cửa đầu tiên).
Ông Tùng đang là cổ đông lớn nhất của SIP. Một số cổ đông lớn khác là Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam với tỷ lệ nắm giữ 13,53%; Công ty CP Đầu tư và Phát triển Đô Thị An Lộc nắm 10,67%; Công ty CP Khu công nghiệp Nam Tân Uyên nắm 9,02%...
Trong khoảng thời gian từ 24/7-22/8, ông Trần Mạnh Hùng - Chủ tịch, Tổng Giám đốc SIP đăng ký bán 450.000 cổ phiếu bằng cả phương thức khớp lệnh và thoả thuận để “giải quyết nhu cầu tài chính cá nhân”.
Hiện ông Hùng vẫn đang là đại cổ đông của SIP với sở hữu trên 7,14 triệu cổ phiếu tương ứng chiếm tỷ lệ 10,34%.
Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng Lư Thanh Nhã cũng đăng ký bán tới 1 triệu cổ phiếu trong tổng sở hữu hơn 5,2 triệu cổ phiếu SIP từ 24/7 đến 22/8.
Ngoài ra, Phó Tổng giám đốc Trần Ngọc Nhân đăng ký bán 177.900 cổ phiếu trong tổng số 293.900 cổ phiếu đang nắm giữ từ 26/7 đến 23/8. Số cổ phần này đã được ông Trần Ngọc Nhân bán thành công.
Trước đó, Uỷ viên Hội đồng quản trị Phạm Văn Đông đã bán ra được 56.000 cổ phiếu SIP (tỷ lệ thành công 100%) ngay trong phiên giao dịch ngày 5/7. Sau giao dịch này, ông Đông còn 122.200 cổ phiếu chiếm tỷ lệ 0,18%.
Không nằm ngoài làn sóng bán ra cổ phiếu SIP của dàn lãnh đạo công ty, Uỷ viên Hội đồng quản trị Bạch Vân Nhạn cũng đăng ký bán 20.000 cổ phiếu dự kiến giao dịch từ 1/8 đến 15/8.
Trở lại với thị trường chứng khoán, theo nhận định của Công ty chứng khoán Vietcombank (VCBS), chỉ số đã phục hồi khá tốt trong những phiên cuối tuần trước cho thấy tâm lý đang dần được ổn định lại từ phía nhà đầu tư.
Tuy nhiên, theo VCBS, có thể quan sát thấy dòng tiền vẫn đang dồn nhiều vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và chưa tạo được sự lan tỏa mạnh trên toàn thị trường, đặc biệt là phiên cuối tuần khi VN-Index giảm điểm còn VN30-Index lại tăng điểm.
Trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang chưa cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, VCBS khuyến nghị nhà đầu tư nên chủ động hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục để đảm bảo an toàn và hạn chế rủi ro thị trường biến động vượt ngoài kỳ vọng trong giai đoạn này.
End of content
Không có tin nào tiếp theo