Cổ phiếu ngân hàng hút dòng tiền
Nhiều tín hiệu vui cho xuất khẩu cá tra Việt Nam / Xuất khẩu gạo của Việt Nam phải tính chuyện đường dài
Cụ thể, cổ phiếu nhóm ngành này đã tăng hơn 150% trong vòng 5 năm trong khi chỉ số VN-Index chỉ tăng hơn 90%. Đặc biệt, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn đang thể hiện vai trò dẫn dắt thị trường. Minh chứng trong phiên đầu tuần này (24/6), nhóm ngân hàng bứt phá mạnh giúp VN-Index tăng điểm như VCB tăng 2,8%, BID tăng 0,3%, TCB tăng 0,2%...
Trong phiên ngày 27/6/2019, dù thị trường giảm điểm nhưng nhóm ngân hàng vẫn giữ được sự ổn định. Một số cổ phiếu như TCB, TPB… vẫn tăng điểm bất chấp thị trường giảm sâu. Theo đánh giá của CTCK Bảo Việt về diễn biến các nhóm ngành, các cổ phiếu ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh trong phiên kế tiếp. Tuy nhiên, cổ phiếu ngân hàng dự kiến sẽ tiếp tục thu hút được sự quan tâm của dòng tiền trong những phiên tới.
Có thể nói, tuy giá cổ phiếu ngân hàng không có mức tăng trưởng tốt trong năm 2018 nhưng theo giới chuyên môn giá nhóm ngành này đang quay về mức hấp dẫn. So sánh tương quan giữa giá của cổ phiếu so với giá trị ghi sổ (P/B) với lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) bình quân năm năm trở lại đây, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam đắt hơn tương đối so với các quốc gia trong khu vực. Tuy nhiên, khi so sánh mức định giá hiện tại với ROE năm 2019, cổ phiếu ngân hàng Việt Nam hiện đang ở dưới giá trị.
Ảnh minh họa.
Theo tính toán của TS. Cấn Văn Lực - Giám đốc Trường Đào tạo nguồn nhân lực BIDV, mức giá cổ phiếu ngân hàng tương đối hấp dẫn, chỉ số P/E khoảng 12 lần thấp hơn so với thời kỳ cao là 17-18 lần. Đây được coi là điểm hỗ trợ, hấp dẫn dòng tiền đầu tư giá trị dài hạn tại nhóm cổ phiếu ngân hàng trong năm 2019.
Căn cứ nào để các nhà đầu tư quyết định sẽ nắm giữ cổ phiếu ngân hàng được giới chuyên môn nhìn nhận, thì lợi nhuận, tình hình sức khỏe của các ngân hàng thông qua chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu… “Đây là yếu tố quan trọng quyết định nhà đầu tư có “xuống tiền” mua cổ phiếu ngân hàng”, một chuyên gia chứng khoán nhấn mạnh.
Những mã cổ phiếu ngân hàng được giới chuyên môn khuyến nghị nên nắm giữ trong năm 2019 đã minh chứng cho điều này. ACB luôn là cái tên được đa số các công ty khuyến nghị nên có trong rổ hàng của các nhà đầu tư. Điều này cũng không ngạc nhiên khi tỷ lệ nợ xấu và nợ nhóm 2 của ACB năm 2018 lần lượt 0,73% và 0,17% thấp nhất so với toàn bộ các ngân hàng.
Tiếp đến, Vietcombank là ngân hàng giữ được tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,05% tính đến hết quý I/2019. Các ngân hàng lớn khác như MBBank, Techcombank… tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay đến hết quý I/2019 duy trì lần lượt là 1,41%; 1,78%. Tuy là ngân hàng có nợ xấu cao, nhưng gần đây tỷ lệ nợ xấu của Sacombank giảm tương đối nhiều khi ngân hàng này xử lý được nhiều tài sản đảm bảo có giá trị lên hàng nghìn tỷ đồng. Hoạt động xử lý tài sản đảm bảo ngày càng hiệu quả được kỳ vọng giúp ngân hàng này xử lý nhanh số nợ xấu tồn đọng. Đây cũng là mã cổ phiếu được đánh giá có tính thanh khoản cao trong thời gian qua cũng như tới đây. Tính đến phiên ngày 27/6, giá cổ phiếu STB giao dịch ở mức 11.450 đồng/cổ phiếu.
Một yếu tố khác được giới đầu tư cân nhắc nắm giữ cổ phiếu ngân hàng là năng lực xử lý nợ xấu của các ngân hàng. Theo đó, Vietcombank là ngân hàng dẫn đầu hệ thống với tỷ lệ trích lập dự phòng lên tới 165% so với nợ xấu. Với mức trích lập này, trong trường hợp xấu nhất là 100% nợ xấu không thu hồi được, Vietcombank vẫn còn lại phần 65% để hoàn nhập dự phòng. Thậm chí theo lãnh đạo ngân hàng này, thì quỹ trích lập dự phòng của ngân hàng có thể đưa tỷ lệ nợ xấu này về mức 0%.
Thêm một chỉ số các nhà đầu tư xem xét đầu tư cổ phiếu ngân hàng đó chính là việc các ngân hàng đáp ứng thông lệ quốc tế, qua đó tăng tính minh bạch cũng như hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Từ đầu năm đến giờ thị trường ghi nhận thêm 5 cái tên ngân hàng đã hoàn thành trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN (chuẩn mực an toàn vốn Basel II – phương pháp tiêu chuẩn) gồm VPBank, ACB, MBBank, Techcombank, TPBank, mới đây nhất là Maritime Bank. Hầu hết các ngân hàng này đều được giới đầu tư khuyến nghị nên cân nhắc đưa vào danh mục đầu tư chứng khoán.
Thực tế từ khi chính thức được công nhận áp dụng thành công chuẩn mực an toàn vốn Basel II, cổ phiếu của Techcombank, TPBank… liên tục tăng điểm. Đơn cử như trong phiên ngày 27/6, thị trường đỏ lửa nhưng Techcombank với mã cổ phiếu TCB vẫn tăng nhẹ 0,1 điểm giao dịch ở 20.500 đồng/cổ phiếu. TPBank tăng nhẹ 0,05 điểm giao dịch ở mức giá 22.750 đồng/cổ phiếu.
Đánh giá chung về diễn biến cổ phiếu ngân hàng, ông Lưu Đức Khánh - Giám đốc chiến lược Công ty chứng khoán PSI nhận xét, giai đoạn 2019 là giai đoạn hồi phục và tăng điểm của nhóm cổ phiếu ngân hàng. Nhiều cổ phiếu lớn tiếp tục chinh phục đỉnh cũ hoặc có thể sẽ vượt qua nhất là cổ phiếu vốn hóa lớn như VCB, BID hay ACB… Đây là nhóm cổ phiếu có khả năng dẫn sóng nhóm ngân hàng cũng như dẫn dắt thị trường.
Không chỉ cổ phiếu có vốn hóa lớn có khả năng tăng điểm tốt, mà cơ hội tăng điểm chia đều cho tất cả các ngân hàng. Tất nhiên, muốn thu hút được giới đầu tư, theo các chuyên gia, các ngân hàng phải nỗ lực rất nhiều để gia tăng niềm tin của nhà đầu tư vào tiềm năng thực của cổ phiếu qua chiến lược kinh doanh bài bản, tiềm lực tài chính bền vững, lợi nhuận tăng trưởng tốt… Ngoài ra, chất lượng, năng lực quản lý, quản trị của ban điều hành ngân hàng tốt cũng sẽ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
End of content
Không có tin nào tiếp theo