Thị trường

Chớp cơ hội nhập nguyên liệu giá rẻ?

Giá nguyên liệu nhựa xuống đáy nhưng các doanh nghiệp (DN) ngành nhựa có tận dụng để nhập khẩu (NK) khi nguồn vốn có hạn? Dịch Covid-19 có thể làm một số nguồn nguyên liệu ngoại trở nên rẻ hơn thì các DN cũng nên nghĩ tới đối tác mới, nguồn nguyên liệu mới, tránh“bỏ trứng cùng một giỏ” như phụ thuộc NK từ Trung Quốc.

Hải Dương: Giá vải thiều ổn định ở mức cao / Phải kích thích người dân dùng ví điện tử

Giá hạt nhựa PE những tháng gần đây do ảnh hưởng của dịch Covid-19 được cho là có chiều hướng giảm mạnh. Giá chào PE của Mỹ tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á đã giảm tới 20% từ tháng 3/2020 cho đến nay.

Giá nguyên liệu nhựa xuống đáy!

PE là nguyên liệu được nhập khẩu (NK) nhiều nhất cả về khối lượng lẫn giá trị trong cơ cấu nguyên liệu nhựa NK của Việt Nam. Nguyên nhân do hiện tại thượng nguồn của ngành nhựa Việt chưa sản xuất được nguyên liệu này nên hạ nguồn phải phụ thuộc hoàn toàn vào việc NK.

Hoặc như hồi tháng 3 vừa qua, NK nhựa PET của Việt Nam từ thị trường Hàn Quốc giảm 17,1% về trị giá so với tháng trước đó. Giá NK trung bình đạt 933 USD/tấn, giảm 5,7%.

Như chia sẻ mới đây của ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Tp.HCM, các DN ngành nhựa đang đứng trước cơ hội rất lớn là giá nguyên liệu nhựa xuống đáy.

Chính vì vậy, vị chủ tịch hiệp hội này mong rằng các ngân hàng nên tăng hạn mức cho vay để DN ngành nhựa có vốn tích trữ nguyên liệu đủ sản xuất đến hết năm 2021, vì sau đó chắc chắn giá nguyên liệu sẽ tăng mạnh.

Nguyên liệu nhựa hiện nay phục vụ cho rất nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp ở Việt Nam, từ bao bì đóng gói, sản phẩm nhựa gia dụng cho đến xây dựng, công nghiệp ô tô và điện – điện tử…Do đó, nếu NK được nguồn nguyên liệu nhựa giá rẻ thì giá thành sản phẩm của các lĩnh vực trên cũng được kéo giảm theo.

Được biết, giá nguyên liệu nhựa đầu vào sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các DN sản xuất sản phẩm nhựa. Chi phí nguyên liệu nhựa là chi phí sản xuất chính và chiếm tỉ trọng trung bình khoảng 71% trong cơ cấu chi phí của các DN sản xuất sản phẩm nhựa.

Cho nên, trong những tháng vừa qua, nhiều DN ngành nhựa rất muốn tận dụng cơ hội để NK nguồn nguyên liệu giá rẻ nhằm tìm kiếm lợi nhuận về sau. Nhất là khi chi phí nguyên liệu nhựa chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu chi phí sản xuất của các DN sản xuất sản phẩm nhựa.

Khả năng sinh lời của các DN trong ngành nhựa trông chờ nhiều vào giá nguyên liệu giảm. Tuy nhiên, đối với nhiều DN thì việc NK cũng không phải là điều dễ dàng khi mà nguồn lực tài chính của họ có hạn.

Trong khi đó, ở góc độ DN, ông Trần Đức Linh, chủ của một DN chế biến nhựa ở Tp.HCM, cho biết thời gian qua do tác động của dịch Covid-19 nên dù giá nguyên liệu có rẻ nhưng nhiều DN bị tắt nguồn NK, không có nguồn nguyên liệu, sản xuất cầm chừng…

Các DN Việt cần tìm nguồn nguyên liệu mới, đối tác mới, tránh “bỏ trứng cùng một giỏ”

Các DN Việt cần tìm nguồn nguyên liệu mới, đối tác mới, tránh “bỏ trứng cùng một giỏ”

Tránh “bỏ trứng cùng một giỏ”

Theo giới chuyên gia, do nguồn nguyên liệu nhựa ở Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 20% - 30% nhu cầu cho các chủng loại nhựa, còn lại phải phụ thuộc vào NK.Điều này đã ảnh hưởng phần nào đến sức cạnh tranh của các DN ngành nhựa.

Nhưng, nếu có nguồn nguyên liệu NK giá rẻ và không liên quan gì đến các chiêu trò lẩn tránh thuế hay cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung thì rất cần tạo cơ hội NK cho DN.

Cần nhắc lại, hồi năm ngoái, NK sản phẩm nhựa bán thành phẩm vào Việt Nam đã tăng trên 20% làm dấy lên mối lo ngại một số DN mượn xuất xứ Việt Nam để bán hàng vào thị trường khác nhằm lẩn tránh thuế chống bán phá giá.

 

Hiện nay, với khoảng 70% - 80% nguyên liệu sản xuất nhựa tại Việt Nam thì việc đầu tư sản xuất nhựa tái chế thay cho nguồn NK cũng đã được tính tới nhằm làm chủ nguồn nguyên liệu nhựa sản xuất. Nhưng nếu nhìn vào diễn biến giá NK nguyên liệu nhựa sụt giảm thì việc đầu tư này cần hết sức thận trọng.

Ngoài ra, với chủ trương hạn chế tiến tới việc cấm NK nhựa phế liệu để tái chế từ sau ngày 31/12/2024 thì các DN ngành nhựa nên lưu ý nhiều hơn trong việc NK nguyên liệu của mình.

Bên cạnh nguồn nguyên liệu nhựa, theo giới chuyên gia, với một số nguồn nguyên liệu NK khác mà có giá rẻ (có thể do tác động từ dịch Covid-19) nếu như Việt Nam chưa có khả năng đáp ứng thì nên tạo cơ hội, tăng nguồn lực tài chính cho các DN NK.

Bên cạnh đó, để tránh phụ thuộc NK vào nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc, theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, các DN cần tìm nguồn nguyên liệu mới, đối tác mới, tránh “bỏ trứng cùng một giỏ”. Nhất là cần tận dụng các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như FTA Việt Nam - EU (EVFTA) hay Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Dẫn trường hợp như ngành dệt may, ông Doanh chỉ rõ các DN Trung Quốc cung ứng giá rẻ, nhanh, linh hoạt…, nhưng khi xảy ra Covid-19 thì các DN Việt xem như mất thị trường này, ngành dệt may trở nên đầy rủi ro.

 

Còn với EVFTA, nhóm chuyên gia của Đại học RMIT cho rằng các DN Việt sẽ được hưởng lợi từ các sản phẩm ưu việt với giá thành rẻ từ EU và có thể sử dụng chúng trong các quy trình sản xuất của mình, từ đó cải thiện năng suất và lợi nhuận của hàng xuất khẩu Việt Nam.

“Khi tính cạnh tranh tăng lên, Việt Nam sẽ có thêm cơ sở để thúc đẩy thương mại, thông qua việc hài hòa hóa các điều kiện pháp lý, quy tắc xuất xứ, các quy định quản lý và hành chính hải quan, cũng như công nhận các tiêu chuẩn và quy định phù hợp của nhau”, Ts. Nguyễn Quang Trung nói.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm