Thị trường

Chủ tịch Nguyễn Văn Thân nói về "vòng luẩn quẩn" của đồng tiền giữa ngân hàng và DN

DNVN - Tại Hội nghị Hội nghị Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp do NHNN Việt Nam và UBND TP Hà Nội tổ chức vào sáng 16/4 tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Nguyễn Văn Thân cho rằng, để giải quyết vấn đề nút thắt trong việc kết nối giữa ngân hàng và DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa, cần có sự nỗ lực từ cả hai phía.

Muốn gỡ “thẻ vàng” thủy sản, phải giám sát hành trình tàu cá / Doanh nghiệp siêu nhỏ được 'cởi trói' vì không phải lập báo cáo tài chính

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Hà Nội, Nguyễn Minh Tuấn, cho biết: Với những nỗ lực của cả hệ thống ngân hàng, dư nợ tín dụng nền kinh tế cuối năm 2018 tăng gần 14%, trong 3 tháng đầu năm 2019 tiếp tục tăng khoảng 2,8% so với cuối năm 2018. Nguồn vốn tín dụng được đẩy mạnh tập trung các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, trong đó, tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 3,63% (tín dụng đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển tăng 3,16%), tín dụng đối với doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 7,25%, tín dụng đối với lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,5%.
Tín dụng cho các doanh nghiệp (DN) đạt được nhiều kết quả tích cực. Lãnh đạo NHNN cho biết, từ năm 2014 đến nay trên toàn quốc, ngành ngân hàng đã tổ chức 1.500 buổi gặp gỡ, đối thoại với DN, qua đó tháo gỡ khó khăn cho 195 nghìn DN, với tổng số tiền các ngân hàng cam kết cho vay mới đạt gần 2,5 triệu tỷ đồng với lãi suất cho vay phổ biến ở mức 6-9%/năm đối với các khoản vay ngắn hạn, 9-11%/năm đối với các khoản vay trung và dài hạn.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo NHNN, các chương trình, chính sách cho vay đối với DN còn nhiều khó khăn. Trong đó, nhiều DN nhỏ và vừa chưa đáp ứng được điều kiện vay vì năng lực tài chính hạn chế, thiếu vốn đối ứng, phương án kinh doanh thiếu khả thi, công tác hạch toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch trong khi lại thiếu tài sản đảm bảo ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.
Ngoài ra, phần lớn các DN nhỏ và vừa có quy mô nhỏ, trình độ quản lý và áp dụng khoa học vào sản xuất kinh doanh còn hạn chế; hoạt động mang tính tự phát, thiếu kế hoạch và chiến lược cụ thể. Các cơ chế hỗ trợ tiếp cận vốn cho DN nhỏ và vừa thông qua bảo lãnh của Quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương, hỗ trợ vốn của Quỹ phát triển DN nhỏ và vừa thời gian qua chưa thực sự phát huy hiệu quả.
Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: VGP)

Toàn cảnh hội nghị. (Ảnh: VGP)

Đại diện các DN, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) phản ánh: Hầu hết các DN tư nhân có quy nhỏ và vừa rất cần vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh nhưng khả năng tài chính của các DN này bị hạn chế.
Theo Chủ tịch VINASME, bài toán khó hiện nay là do DN nhỏ và vừa không có tài sản bảo đảm hợp pháp hoặc không đủ uy tín để vay tín chấp do thông tin chưa minh bạch, một số DN nhỏ và vừa thường xử lý số liệu trước khi gửi bộ hồ sơ vay đến ngân hàng.
Chính điều này đã gây khó khăn cho các ngân hàng trong sử dụng các chỉ tiêu tài chính để chấm điểm và xếp hạng tín dụng. Hoặc các DN không có khả năng xây dựng phương án sản xuất kinh doanh, hay không có dự án khả thi để các ngân hàng thương mại xem xét cho vay.
Trong khi đó, Trần Thu Hằng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu nông sản thực phẩm Việt Nam cho rằng một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các DN khi tiếp cận nguồn vốn ngân hàng đó là tài sản thế chấp. Và thực tế là DN và ngân hàng chưa tìm được tiếng nói chung dẫn đến cái vòng luẩn quẩn chưa được tháo gỡ.
Bà Hằng cho biết thêm, thủ tục ngân hàng khó nên khiến DN nhỏ và vừa, siêu nhỏ ngại vay vốn ngân hàng nên đã tìm đến nguồn vay tín dụng đen.
Đề cập về nguyên nhân dẫn đến nút thắt luẩn quẩn này, ông Nguyễn Văn Thân cho biết, đó là do tâm lý của doanh nghiệp cho rằng vay vốn từ ngân hàng không dễ và điều khoản, điều kiện tiêu chuẩn vay của các doanh nghiệp luôn không đủ. Trong khi đó, các ngân hàng thì vẫn tư duy về tính an toàn cao, ngân hàng hầu như chưa coi khách hàng là đối tượng cần phục vụ, việc nhân viên lăn lộn với khách hàng như nhiều loại hình kinh doanh khác còn hạn chế .
Qua đó, ông Nguyễn Văn Thân khẳng định, cần phải làm sao để ngân hàng và DN có thể "gặp nhau" để tháo gỡ khó khăn về vốn. Theo ông, ngoài nỗ lực của DN, các ngân hàng thương mại cũng cần có chính sách cụ thể hơn để nguồn vốn đến gần hơn với các DN nhỏ và vừa và cần chọn lọc những DN có tiềm năng để thiết kế lại điều kiện cho vay, đồng thời, cũng phải chấp nhận một phần rủi ro với DN.
“Về phía mình, các Hiệp hội có thể tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp thủ tục, gồm cả tài sản thế chấp để đủ điều kiện vay vốn. Tuy nhiên, phía ngân hàng cũng cần thay đổi tư duy, coi khách hàng là đối tượng phục vụ, nhân viên cần lăn lộn đồng hành chia sẻ với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhiều hơn”, ông Nguyễn Văn Thân nói thêm.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thống đốc NHNN, Đào Minh Tú thừa nhận, hiện vẫn còn tình trạng các DN đặc biệt là DN vừa và nhỏ trên địa bàn TP Hà Nội đâu đó vẫn chưa dễ dàng tiếp cận vốn tín dụng và các dịch vụ tài chính ngân hàng; vẫn còn mong muốn ngành ngân hàng tạo điều kiện hơn nữa trong tiếp cận tín dụng.
Do đó, Phó Thống đốc đề nghị trong thời gian tới, các vụ, cục NHNN cùng với ngành ngân hàng Thủ đô cần tiếp tục triển khai quyết liệt Nghị quyết 35/NQ-CP, Nghị quyết 19/NQ-CP và Nghị Quyết 02/NQ-CP, Chỉ thị 01/CT-NHNN. Đồng thời đặc biệt lưu ý những giải pháp cụ thể chia sẻ khó khăn với DN trong việc tiếp cận vốn vay và các dịch vụ ngân hàng.
Minh Thu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm