Chưa có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh
DNVN - Đây là 1 trong nhiều tồn tại, hạn chế về liên kết vùng được Bộ Kế hoạch & Đầu tư chỉ ra tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2019 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm.
Việt Nam xuất siêu sang 5 thị trường trong khối CPTPP / Xăng dầu dự trữ quốc gia sẽ cất kho riêng, luân phiên đổi hàng
Trung ương và địa phương bước đầu đã ưu tiên và có đầu tư vào các dự án liên quan đến liên kết vùng
Theo Bộ Kế hoạch & Đầu tư, trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ, các hoạt động phát triển liên kết vùng đã đạt được một số kết quả. Cụ thể, đối với các vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ): Trung ương và các địa phương trong vùng KTTĐ đã phối hợp chặt chẽ, nâng cao tính chủ động, sáng tạo, có các giải pháp cụ thể về phát triển liên kết vùng; Xây dựng được một số cơ chế chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và liên kết vùng;
Trung ương và địa phương bước đầu đã ưu tiên và có đầu tư vào các dự án liên quan đến liên kết vùng. Cụ thể, các lĩnh vực ưu tiên đầu tư liên quan đến liên kết vùng là xây dựng kết cấu hạ tầng; phát triển đô thị; thương mại du lịch; thu hút đầu tư vào các khu kinh tế (KKT), khu công nghệ cao (KCNC), khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp (CCN); đầu tư vào khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường. Một số dự án điển hình tại các vùng KTTĐ như dự án đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; cầu Bạch Đằng; Cảng hàng không quốc tế Cát Bi; các tuyến đường cao tốc Tp. Hồ Chí Minh - Trung Lương, TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; triển khai các bước của dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; cầu Đồng Nai và nhiều dự án khác tại các vùng KTTĐ.
Ngoài ra, các vùng KTTĐ bước đầu đã có sự phối hợp về đào tạo sử dụng lao động. Tại các vùng KTTĐ đã hình thành các cơ sở đào tạo lớn gồm các trường đại học và dạy nghề. Đây là những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng tin cậy, đội ngũ cán bộ khoa học - công nghệ, các chuyên gia đầu ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của không chỉ trong các vùng KTTĐ mà còn của cả nước.
Về việc thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho biết: Với vai trò là cơ quan được giao đầu mối, bộ đã chủ động tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các hoạt động liên kết thông qua việc ban hành các cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn thi hành và triển khai các chương trình, dự án; các bộ, ngành, địa phương cũng đã chủ động triển khai các nhiệm vụ được giao, tập trung.
Chưa có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, hoạt động liên kết vùng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Thứ nhất, chưa có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh để Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng phối hợp hiệu quả. Hội đồng Vùng KTTĐ hiện nay không phải là cơ quan chuyên trách có chức năng quản lý nhà nước, chưa có nguồn lực để điều phối sự phát triển chung của Vùng. Hội đồng vùng chưa được trao quyền trong việc quyết định các nguồn ngân sách cho các dự án mang tính liên kết địa phương do đó làm giảm hiệu quả các hoạt động điều phối vùng.
Ảnh minh họa.
Thứ hai, huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển các công trình hạ tầng trọng điểm còn hạn chế. Trung ương chưa có cơ chế về nguồn lực cho vùng mà chỉ phân bổ từng địa phương do đó các dự án liên kết khó huy động nguồn lực do liên quan đến các địa phương khác nhau.
Thứ ba, quy hoạch phát triển các vùng KTTĐ đã được phê duyệt nhưng chưa theo kịp xu thế phát triển, thường phải điều chỉnh cục bộ. Bên cạnh đó tốc độ xây dựng cơ sở hạ tầng chậm và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống hạ tầng đô thị bị quá tải tại một số đô thị lớn như Thủ đô Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh.
Thứ tư, liên kết trong các ngành cụ thể còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, chưa gắn với nhu cầu và đòi hỏi thực tiễn: như các ngành giao thông vận tải; công nghiệp; sản xuất nông nghiệp công nghệ cao; đào tạo và sử dụng lao động; khoa học công nghệ; quản lý tài nguyên, ô nhiễm môi trường.
Thứ năm, thu hút đầu tư còn rời rạc; chưa có nhiều dự án quy mô lớn để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội mang tính liên vùng. Các địa phương khuyến khích thu hút đầu tư nhưng đôi khi còn xảy ra tình trạng “mạnh ai người đó làm”, mới nhìn đầu tư ngắn hạn mà chưa tính lâu dài, tổng thể, dẫn đến chồng chéo trong thu hút đầu tư. Bên cạnh đó có những ngành được nhiều tỉnh đầu tư vào các dự án có quy mô nhỏ lẻ nhưng có những lĩnh vực cần cho cả vùng thì lại thiếu, chưa có dự án lớn như lĩnh vực xử lý rác thải, khai thác và bảo vệ nguồn nước.
Cần tăng cường liên kết các ngành, lĩnh vực cụ thể
Để các hoạt động liên kết vùng đi vào thực chất, thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế - xã hội của cả vùng, Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã đưa ra một số các nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện trong thời gian tới.
Theo đó, về cơ chế, chính sách: Các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phát triển liên kết vùng có hiệu lực trong giai đoạn 2015-2020, do đó các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, điều chỉnh và ban hành các Quyết định về liên kết vùng trong đó có các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ của các bộ, ngành và dự kiến danh mục dự án cụ thể gắn với nguồn lực, từ đó có căn cứ thực hiện các hoạt động liên kết vùng trong giai đoạn tiếp theo 2021-2025 một cách hiệu quả.
Tiếp tục kiện toàn bộ máy vùng, trao đủ thực quyền ra quyết định cho các Hội đồng vùng KTTĐ. Hoàn thiện thể chế để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các thành viên Hội đồng vùng. Phân định rõ trách nhiệm và tăng cường phối hợp giữa Ban chỉ đạo, các Hội đồng vùng, các Bộ, ngành và địa phương trong vùng.
Hoàn thiện mô hình tổ chức đối với thực hiện Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 6/4/2016: Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét thành lập “Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL” gồm đại diện lãnh đạo 13 địa phương trong vùng để có sự kết nối và có các giải pháp kịp thời đối với các vấn đề của toàn vùng.
Về tăng cường liên kết các ngành, lĩnh vực cụ thể: Tập trung xây dựng quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh đồng bộ, gắn với liên kết vùng. Các bộ ngành Trung ương và địa phương cần phối hợp, tổ chức lập quy hoạch các vùng theo phương pháp tích đa ngành của Luật Quy hoạch, đồng thời phối hợp trong việc xây dựng định hướng phát triển chiến lược rõ ràng mà điểm bắt đầu là quy hoạch của các địa phương trong vùng.
Tập trung nguồn lực để đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là hạ tầng giao thông trọng điểm liên vùng. Đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các công trình có ý nghĩa lớn về phát triển kinh tế - xã hội, trong đó ưu tiên tập trung giải quyết dứt điểm một số điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế.
Tập trung đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với nhu cầu sử dụng lao động. Định hướng một số ngành nghề, lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực để các trường Đại học và cơ sở đào tạo nghề cần ưu tiên phát triển, gắn với nhu cầu thực tế của thị trường lao động.
Tăng cường hợp tác khoa học, công nghệ, chuyển giao công nghệ. Lựa chọn một số ngành công nghiệp có khả năng tham gia sâu vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, sử dụng các công nghệ sạch, thân thiện môi trường, nghiên cứu vật liệu xây dựng mới; phát triển công nghiệp phụ trợ có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao.
Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các chương trình xúc tiến thương mại nội địa và xúc tiến xuất khẩu. Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án phát triển vùng sản xuất hàng xuất khẩu tập trung, các mặt hàng xuất khẩu với sản lượng lớn, có tiềm năng, thế mạnh với hàm lượng công nghệ cao để từ đó có hướng đầu tư phù hợp cả trong việc thúc đẩy sản xuất và tìm kiếm thị trường cho các sản phẩm, hàng hóa.
Bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước để phát triển bền vững. Thống nhất xây dựng quy chế yêu cầu các địa phương có trách nhiệm trong xử lý nước thải theo lưu vực sông, đồng thời quản lý, sử dụng hiệu quả, tiết kiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên (đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản…) gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.
Sớm xây dựng, hoàn thiện và chia sẻ hệ thống cơ sở dữ liệu chung. Cơ sở dữ liệu chung bao gồm các ngành kinh tế, các lĩnh vực xã hội, tiến độ các công trình trọng điểm, dự án lớn triển khai trên địa bàn, phục vụ xây dựng và điều phối các hoạt động liên kết vùng.
Về nguồn lực: Các tỉnh, thành phố trong vùng KTTĐ chủ động huy động đa dạng các nguồn lực, kết hợp nguồn vốn giữa Trung ương và địa phương, tranh thủ nguồn vốn ODA, FDI, vốn tư nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác để triển khai các dự án trọng điểm, có tính chất đột phá, tạo ra liên kết vùng. Xem xét huy động cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và các thành phần kinh tế tham gia vào các hoạt động triển khai nhiệm vụ điều phối phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Minh Thu
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Giá ngoại tệ ngày 22/11/2024: USD đạt đỉnh 13 tháng, chạm mốc 107,05 điểm
Giá vàng trong nước ngày 22/11: Tiếp tục tăng mạnh
Đề xuất ưu đãi thuế cho doanh nghiệp doanh thu thấp
Giá vàng thế giới: Tăng mạnh, đạt đỉnh hơn một tuần qua
Giá nông sản ngày 22/11/2024: Cà phê, hồ tiêu đồng loạt tăng mạnh
Giá heo hơi ngày 22/11/2024: Duy trì trạng thái ổn định trên cả nước
Cột tin quảng cáo