Thị trường

Chứng khoán tuần giao dịch cuối năm: Kiểm định sức mạnh của sóng hồi

Theo MBS, tuần tới là tuần cuối cùng của năm tài chính 2022, thị trường chứng khoán sẽ tiếp tục giao dịch với thanh khoản thấp, cùng xu hướng đi ngang ở chỉ số.

Hơn 2000 sản phẩm quy tụ tại sự kiện “Tự hào nông sản Việt” / Du khách nước ngoài ấn tượng với các sản phẩm OCOP của Đà Nẵng

Giới phân tích cho biết, thời điểm kết thúc năm tài chính 2022 đang đến, nhiều nhà đầu tư cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước sẽ có những động thái cơ cấu danh mục để chốt số liệu 2022 và chuẩn bị cho năm tài chính tiếp theo. Điều này sẽ ảnh hưởng nhất định tới biến động thị trường trong những phiên giao dịch cuối năm.

Thanh khoản thấp

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS), tuần tới (từ 26 - 30/12) là tuần cuối cùng của năm tài chính 2022, hoạt động chốt NAV (chỉ số giá trị tài sản ròng) của các quỹ đang được nhà đầu tư kỳ vọng sẽ nâng đỡ thị trường. MBS cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục giao dịch với thanh khoản thấp, cùng xu hướng đi ngang ở chỉ số, nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch hoặc nắm giữ với tỷ trọng cổ phiếu thấp.

Chứng khoán tuần giao dịch cuối năm: Kiểm định sức mạnh của sóng hồi - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Theo Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng cổ phần Ngoại Thương Việt Nam (VCBS), giai đoạn này Ngân hàng Nhà nước tiếp tục đưa ra các thông điệp về việc phấn đấu giảm lãi suất cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; trong đó, trọng tâm là tập trung cấp tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, trong khi kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng đối với hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh chứng khoán, lĩnh vực bất động sản.

Tuy vậy, sẽ cần thêm thời gian để các biện pháp này thực sự phát huy tác dụng trong bối cảnh xu hướng tăng lãi suất của nhiều ngân hàng trung ương lớn vẫn đang diễn ra.

Điểm tích cực trong các tuần gần đây là tỷ giá hạ nhiệt đáng kể đưa mức giảm giá của tiền đồng về thấp hơn so sánh với các nền kinh tế khác trong khu vực.

Với diễn biến hiện tại khi thanh khoản đã xuống mức thấp, VN-Index sẽ rung lắc cũng như có thể có sự phân hóa rõ nét hơn giữa các nhóm ngành để tìm điểm cân bằng trước khi quay trở lại xu hướng tăng điểm mới, VCBS nhận định.

Về diễn biến giao dịch cụ thể trong tuần qua (từ 12 - 16/12), chốt tuần, VN-Index giảm 32,14 điểm xuống 1.020,34 điểm so với tuần trước đó; HNX-Index giảm 7,69 điểm xuống 205,3 điểm.

Giá trị giao dịch trên HOSE giảm 1,8% so với tuần trước đó xuống 69.833 tỷ đồng. Bên cạnh đó, giá trị giao dịch trên HNX giảm 9,5% xuống 6.245 tỷ đồng.

Thị trường điều chỉnh trong tuần qua khiến cho phần lớn các nhóm ngành cổ phiếu đều sụt giảm.

Nhóm cổ phiếu nguyên vật liệu giảm mạnh nhất với 7,5% giá trị vốn hóa. Với các cổ phiếu thép như HSG giảm 12,6%, NKG giảm 12,1% HPG giảm 10% và cổ phiếu hóa chất như CSV giảm 10,1%, DGC giảm 9,4%, DCM giảm 3,8%.

Cổ phiếu ngành công nghiệp giảm mạnh thứ hai với 5% giá trị vốn hóa, chủ yếu do sự sụt giảm của cổ phiếu vật liệu và xây dựng như L14 giảm 20,8%, VGC giảm 13,9%, VCG giảm 13,8%, HUT giảm 15,4%, HBC giảm 11,8%, LCG giảm 11,7%...

Ngành tài chính giảm 4,3% giá trị vốn hóa. Cụ thể, các cổ phiếu thuộc bất động sản như HPX giảm 19,7%, NVL giảm 17%, PDR giảm 10%, VIC giảm 5,7%. Cổ phiếu chứng khoán FTS giảm 13,8%, VND giảm 12,8%, VCI giảm 11,5%, SSI giảm 10,7%, HCM giảm 8,4%.

Cổ phiếu dịch vụ tiêu dùng giảm 4,4% giá trị vốn hóa. Nguyên nhân chủ yếu đến từ sự sụt giảm của các cổ phiếu bán lẻ DGW giảm 12,2%, MWG giảm 4,3%, PNJ giảm 3,8% và cổ phiếu hàng không VJC giảm 1,3%, HVN giảm 10,3%.

Các nhóm ngành còn lại đều suy giảm như tiện ích cộng đồng giảm 2,8% giá trị vốn hóa, ngân hàng giảm 1,4%, dược phẩm và y tế giảm 1,2%, dầu khí giảm 0,8%, hàng tiêu dùng giảm 0,6%, công nghệ thông tin giảm 0,2%.

Khối ngoại có tuần mua ròng thứ 7 liên tiếp trên hai sàn với tổng cộng giá trị mua ròng đạt 1.343,03 tỷ đồng. Xét theo khối lượng ròng, VPD là mã chứng khoán được mua ròng nhiều nhất với 26,6 triệu cổ phiếu. Tiếp theo là HPG và SHB với lần lượt 16,3 triệu cổ phiếu và 15,1 triệu cổ phiếu. Ở chiều ngược lại, EIB là mã chứng khoán bị bán ròng nhiều nhất với 58,4 triệu cổ phiếu.

Trên thị trường phái sinh, hợp đồng tương lai VN30 tháng 1/2023 đang cao hơn so với chỉ số cơ sở VN30 với mức chênh 0,67 điểm cho thấy các nhà giao dịch đang kỳ vọng thị trường có thể sớm hồi phục trở lại.

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), đây là tuần thứ 3 liên tiếp VN-Index giảm điểm về ngưỡng hỗ trợ 1.000 điểm. VN-Index vẫn trong giai đoạn hồi phục mang tính kỹ thuật, nhưng việc thị trường điều chỉnh khá sâu sau đợt phục hồi vừa qua khiến sức mạnh của sóng hồi sẽ giảm đi.

SHS vẫn kỳ vọng VN-Index sẽ có đợt phục hồi tiếp theo trong ngắn hạn khi giữ vững vùng hỗ trợ quanh 1000 điểm. Tuy nhiên mức độ tin cậy đang giảm dần do đợt điều chỉnh này có biên độ khá lớn và tính chất tích lũy không còn quá tin cậy.

Xét ở góc nhìn trung hạn, đợt hồi phục và điều chỉnh vẫn đang diễn ra chỉ mang tính phục hồi kỹ thuật sau downtrend (xu hướng thị trường giảm) mạnh. Do đó xu hướng trung hạn của VN-INDEX sẽ tạo nền giá cân bằng để tích lũy trung hạn trước khi có uptrend (xu hướng thị trường tăng) thực sự.

Với quan điểm đó, SHS cho rằng thị trường sẽ dần đi vào trạng thái dao động với biên độ hẹp dần với các đợt hồi phục và điều chỉnh tiếp theo, đây là đặc trưng của tính lũy trung hạn. SHS vẫn kỳ vọng VN-Index sẽ hướng tới mốc 1.150 điểm sau điều chỉnh.

Chứng khoán thế giới đi xuống

Thị trường chứng khoán Việt Nam có diễn biến khá tương đồng với thị trường chứng khoán thế giới trong những tuần gần đây. Theo đó, mặc dù đảo chiều tăng điểm trong phiên cuối tuần này, song hai chỉ số S&P 500 và Nasdaq của Phố Wall vẫn có tuần giao dịch đi xuống thứ ba liên tiếp, khi những lo ngại về suy thoái kinh tế tiếp tục lấn át tâm lý của giới đầu tư.

Phiên giao dịch cuối tuần ngày 23/12, cả 3 chỉ số chính của Phố Wall đều khép lại với "sắc xanh", song mối quan ngại dai dẳng về nguy cơ suy thoái vẫn nhấn chìm sự tự tin của giới đầu tư và khiến hai trong 3 chỉ số chính của chứng khoán Mỹ kết thúc tuần giao dịch thứ ba liên tiếp giảm điểm.

Chốt phiên giao dịch này, chỉ số S&P 500 tăng 0,6% lên 3.844,82 điểm, còn chỉ số công nghệ Nasdaq Composite tăng 0,2% lên 10.497,86 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 0,5% lên 33.203,93 điểm.

Các chỉ số chính biến động vào đầu phiên sau khi chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi, một thước đo lạm phát thường dùng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), tăng hơn một chút so với dự báo của các chuyên gia kinh tế, cho thấy lạm phát vẫn dai dẳng bất chấp những nỗ lực của ngân hàng này.

Louis Navellier, Nhà sáng lập và Giám đốc đầu tư của Công ty đầu tư tăng trưởng Navellier & Associates (Mỹ), nhận định: "Những số liệu kinh tế được công bố hôm nay cho thấy khó khăn đối với nhà đầu tư đang gia tăng, khi những số liệu kinh tế yếu kém mang đến lo sợ về suy thoái và dữ liệu mạnh mẽ khiến FED lo ngại về lạm phát".

S&P 500 khép lại tuần qua giảm 0,2%, ghi nhận tuần sụt giảm thứ 3 liên tiếp. Nasdaq Composite giảm 2%, cũng đánh dấu 3 tuần lao dốc liên tiếp. Trong khi, Dow Jones tăng 0,9% trong tuần qua.

Những lo ngại về suy thoái kinh tế đã trỗi dậy gần đây, làm tiêu tan hy vọng của nhà đầu tư về đà tăng vào cuối năm của thị trường chứng khoán và dẫn đến mức giảm mạnh trong tháng 12. Nhà đầu tư lo lắng rằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức từ các ngân hàng trung ương trên thế giới có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Từ đầu tháng 12 đến nay, S&P 500 sụt 5,8%, còn Dow Jones và Nasdaq Composite lần lượt giảm hơn 4% và 8,5%. Đây là mức giảm theo tháng lớn nhất đối với các chỉ số chính kể từ tháng 9/2022. Chứng khoán Mỹ cũng được dự đoán sẽ làm "đứt mạch" ba năm tăng liên tiếp và ghi nhận năm tồi tệ nhất kể từ năm 2008.

Thị trường chứng khoán châu Á cũng tiếp tục giảm điểm trong phiên 23/12 sau số liệu vượt dự báo của Mỹ đã làm dấy lên đồn đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ nâng lãi suất vào năm 2023.

Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 giảm 1% xuống 26.235,25 điểm sau số liệu cho thấy lạm phát của Nhật Bản đã chạm mức cao của 41 năm, qua đó củng cố đồn đoán ngân hàng trung ương nước này sẽ nâng lãi suất vào năm 2023.

Tại Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của Hong Kong giảm 0,4% xuống 19.593,06 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 0,3% xuống 3.045,87 điểm.

Chứng khoán Sydney, Seoul, Mumbai, Bangkok, Singapore, Wellington, Manila và Jakarta cũng hòa chung xu hướng giảm.

 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm