Chân dung vị cựu Chủ tịch của FTM đứng sau thao túng giá cổ phiếu
DNVN - Ngay sau khi thông tin ông Lê Mạnh Thường - nguyên Chủ tịch của FTM là người đứng sau thao túng giá cổ phiếu thì doanh nghiệp đã đưa ra thông cáo báo chí nêu rõ Công ty vẫn đang hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường với ba ca sản xuất liên tục.
Hàng loạt cá nhân và tổ chức bị xử phạt vì mua, bán "chui" cổ phiếu / Thành viên HĐQT của Hòa Phát muốn bán 1,5 triệu cổ phiếu
Liên quan tới vụ việc cổ phiếu FTM của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân (Fortex) sàn kỷ lục 24 phiên liên tiếp sau đợt tăng nóng 65% nghi có dấu hiệu của việc thao túng giá cổ phiếu.
Theo Báo Đầu tư chứng khoán thì số lượng công ty chứng khoán bị thiệt hại liên quan tới cổ phiếu FTM lên tới con số 11 và thêm 1 ngân hàng liên quan.
Sau cuộc họp của các đơn vị hại, các công ty chứng khoán và ngân hàng đã đưa ra nhận định cổ phiếu FTM có nhiều dấu hiệu bị thao túng giá bởi cổ đông lớn Lê Mạnh Thường - nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) của FTM, đã từ nhiệm từ tháng 4/2019 và các cá nhân là các chủ tài khoản tại 13 công ty chứng khoán.
Các công ty chứng khoán đã trao đổi thông tin và thống kê, hiện có dưới 10 tài khoản mở tại 13 công ty chứng khoán có hiện tượng giao dịch chéo để tạo thanh khoản giả tạo cho cổ phiếu FTM.
Các công ty chứng khoán cho biết, các cá nhân mở tài khoản và vay margin đều thừa nhận đứng tên hộ cho ông Lê Mạnh Thường và có địa chỉ cư trú tại Thái Bình và là người có liên quan tới ông Thường. Đồng thời, các chủ tài khoản hoàn toàn không biết về các giao dịch đã được thực hiện trên tài khoản mang tên họ được mở tại các công ty chứng khoán.
Ông Lê Mạnh Thường - cựu Chủ tịch của FTM
Ông Lê Mạnh Thường sinh năm 1975. Ông bắt đầu làm Chủ tịch của FTM từ tháng 1/2013 đến ngày 16/4/2019 ông bất ngờ từ nhiệm.
Bên cạnh chức vụ từng giữ tại FTM, ông Thường còn là Chủ tịch HĐQT CTCP Trường Mạnh Holdings Việt Nam, Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Long Hậu, Phó Chủ tịch CTCP Chiếu sáng công cộng TP HCM, Thành viên HĐQT của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Miền Trung.
Trước đó, từ năm 2002 – 2006, ông là thành viên Hội đồng thành viên Công ty TNHH Vĩnh Phát và thành viên HĐQT CTCP Tân An. Giai đoạn 2006 – 2013, ông là Chủ tịch của CTCP Vinaland. Bên cạnh đó, ông cũng là Chủ tịch của CTCP Đầu tư và Phát triển Phú Việt từ năm 2006 – 2016.
Đáng chú ý, ngay sau khi ông Thường bất ngờ từ nhiệm vị trí Chủ tịch của FTM vào tháng 4/2019 thì con gái ông là bà Lê Thùy Anh được bổ nhiệm làm thành viên HĐQT của FTM đúng ngày ông Thường từ nhiệm.
Nguồn: HK tổng hợp
Dù đã từ nhiệm nhưng ông Thường vẫn nắm 10,2% vốn tại FTM. Trong khi đó, con gái ông đang là cổ đông lớn nhất nắm 21,53% vốn tại đây.
Diễn biến giá cổ phiếu FTM từ đầu năm đến nay (Nguồn: VNDirect)
Thời điểm ông Thường bất ngờ từ nhiệm là lúc cổ phiếu FTM đang trong giai đoạn tăng nóng và chính thức đổ đèo kể từ giữa tháng 8 đến nay khi phía HOSE đã ra thông báo bổ sung cổ phiếu FTM vào danh sách không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ do lợi nhuận 6 tháng đầu năm của FTM âm tới 31 tỷ đồng.
Ngay khi cổ phiếu FTM giảm sàn, nhiều nghi vấn đã được đặt ra về việc thao túng giá cổ phiếu do cơ cấu cổ đông của FTM rất cô đặc khi gần 80% lượng cổ phiếu nằm trong tay các cổ đông lớn nhưng khối lượng đặt bán trong những ngày trước đó có phiên lên tới hơn 32,8 triệu đơn vị, chiếm tới hơn 65% tổng số cổ phiếu.
Nhiều phiên cổ phiếu FTM “trắng bên mua” và khối lượng giao dịch trong đợt giảm sàn rất thấp, chỉ khớp lệnh vài trăm cổ phiếu/phiên.
Thống kê khối lượng đặt bán các phiên của cổ phiếu FTM (Nguồn: CafeF)
Theo đó, nhiều khả năng các cổ đông lớn trên đã dùng tiền margin để mua cổ phiếu FTM và ngay khi có thông tin cổ phiếu không còn được giao dịch ký quỹ thì bị các công ty chứng khoán bán ra ồ ạt mà không hề có thông tin đăng ký bán nào của các cổ đông lớn theo quy định.
Cũng theo Báo Đầu tư chứng khoán, các công ty chứng khoán có dư nợ cho vay cầm cố cổ phiếu FTM đã không thể bán giải chấp thu hồi vốn dẫn đến thiệt hại ước tính lên đến gần 200 tỷ đồng, trong đó có công ty mất vốn đến 80 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong vụ việc nghi ngờ có dấu hiệu thao túng cổ phiếu FTM thì phía các công ty chứng khoán bị hại cho biết đã tìm kiếm các bằng chứng về việc đặt lệnh của các tài khoản và được biết, phần lớn các tài khoản đều thực hiện đăng nhập và đặt lệnh thông qua các địa chỉ IP giống nhau và có địa chỉ đăng ký tại 2 tòa nhà ở Hà Nội là tầng 6 tòa nhà Lya Building, số 24, ngõ 12, phố Đào Tấn, Ba Đình và tầng 9, tòa nhà Icon 4, số 243 La Thành, Hà Nội.
Đây là địa chỉ kinh doanh cũ và mới của CTCP SMD Holdings – trung gian thực hiện thao túng giá cổ phiếu và là công ty có nhiều nhân viên môi giới và cộng tác viên là người trực tiếp đi liên hệ mở tài khoản chứng khoán cho nhóm khách hàng trên.
Theo tìm hiểu, SMD Holdings thành lập ngày 15/10/2014 với ngành nghề kinh doanh chính là hoạt động tư vấn quản lý. Căn cứ vào thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp mới nhất thì SMD Holdings đã nâng vốn điều lệ từ 2 tỷ đồng lên 60 tỷ đồng vào ngày 22/11/2018.
Cũng vào ngày 22/11/2018, người đại diện pháp luật đã được đổi từ ông Trần Hữu Chung – Chủ tịch Hội đồng quản trị sang ông Nguyễn Việt Cường – Tổng giám đốc Công ty.
Ngay trong ngày hôm qua (18/9) sau khi Báo Đầu tư chứng khoán đăng tải thông tin người đứng sau thao túng giá cổ phiếu FTM là cựu Chủ tịch Công ty, phía doanh nghiệp đã đưa ra thông cáo báo chí nêu rõ Công ty vẫn đang hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường với ba ca sản xuất liên tục.
Nguyên văn thông cáo báo chí của FTM (Nguồn: FTM)
Về tình hình kinh doanh, doanh nghiệp cho biết ngành sợi đang gặp khó khăn, khiến nhiều doanh nghiệp trong ngành cũng đang gặp khó. FTM cho biết thêm, các chuyên gia trong ngành cũng nhận định còn sớm để đưa ra dự báo về triển vọng ngành trước những biến động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.
Ban lãnh đạo công ty đang tập trung nâng cao kết quả hoạt động, FTM đang mở rộng xuất khẩu sang các thị trường mới như Hàn Quốc và Thái Lan để giảm thiểu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Minh Chung
End of content
Không có tin nào tiếp theo
Xem nhiều nhất
Cột tin quảng cáo