Thị trường chứng khoán 14/6: Tiếp tục đà tăng, thị trường ngắn hạn trở nên tích cực hơn
Chiến lược đầu tư chứng khoán tuần 14/6 – 18/6/2021 / Quỹ ETF MV Index Solutions bổ sung danh mục cổ phiếu quý 2 với nhiều cổ phiếu mới
Kết thúc phiên đầu tuần, thị trường đã quay trở lại vùng đỉnh của VN-Index. Sau phiên giao dịch này thì chỉ báo nhanh Stochastich cũng đã chuyển sang trạng thái tích cực. Như vậy, ngoại trừ yếu tố thanh khoản thì các tín hiệu kỹ thuật khác đều đang đồng thuận phản ánh trạng thái tích cực của VN-Index.
Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh thứ 2, với giá đóng cửa nằm trên các đường trung bình động ngắn hạn MA5 ngày và MA10 ngày là tín hiệu khá tích cực. Điều này cho thấy bên mua đang tạm thời chiếm ưu thế và xu hướng ngắn hạn của thị trường đang trở nên tích cực hơn.
Do đó, trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 1.365-1.370 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.375-1.380 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 1.355-1.360 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.345-1.350 điểm.
Quay lại phiên giao dịch, chỉ số hôm nay có sự giằng co và có sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu.
Đóng cửa, sàn HOSE có 202 mã tăng và 184 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 9,98 điểm (tương đương 0,74%) lên 1.361,72 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 775,72 triệu đơn vị, giá trị 25.335,26 tỷ đồng, tăng 5,94% về khối lượng và tăng 6,6% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 11/6. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 60,11 triệu đơn vị, giá trị 2.106,84 tỷ đồng.
Nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn là điểm sáng khi hàng loạt mã thuộc dòng chứng khoán như SSI, AGR, APG… đồng loạt tăng kịch trần, nhưng sau đó giảm nhiệt với các mã SSI, AGR, APG, BSI, CTS đóng cửa tăng hơn 5%. Cổ phiếu HCM là tâm điểm giao dịch của dòng chứng khoán khi giữ đà tăng trần và đóng cửa tại mức giá 42.150 đồng/cổ phiếu với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 12,2 triệu đơn vị và dư mua trần gần 250.000 đơn vị.
Bên cạnh nhóm chứng khoán, nhiều mã lớn khác cũng hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường như BVH tăng 4,7% lên 60.000 đồng/cổ phiếu, GAS tăng 2,9% lên 89.500 đồng/cổ phiếu, PLX tăng 1,9% lên 55.000 đồng/cổ phiếu, VHM tăng 3,7% lên 109.900 đồng/cổ phiếu, VIC tăng 1,7% lên 120.000 đồng/cổ phiếu…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, trong khi bộ đôi ROS và FLC vẫn giao dịch khá sôi động nhưng vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ. Đóng cửa, FLC giảm nhẹ 0,8% xuống 13.050 đồng/cổ phiếu và khớp hơn 29,5 triệu đơn vị. Trong khi đó, HNG vẫn tăng khá tốt 3,9% và đóng cửa giữ nguyên mức giá khi chốt phiên sáng 10.750 đồng/cổ phiếu với thanh khoản sôi động, đạt 29,66 triệu đơn vị, chỉ thua VPB về khối lượng giao dịch.
Trên sàn HNX, áp lực bán gia tăng cũng khiến thị trường thu hẹp biên độ tăng về cuối phiên. Đóng cửa, sàn HNX có 117 mã tăng và 97 mã giảm, HNX-Index tăng 2,32 điểm (tương đương 0,73%) lên mức 319,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 165 triệu đơn vị, giá trị 3.997,24 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 1 triệu đơn vị, giá trị 47,6 tỷ đồng.
Nhóm chứng khoán và dầu khí là tâm điểm của thị trường. Điển hình là các mã như PVS tăng 3,9% lên mức 29.300 đồng/cổ phiếu, SHS tăng 6,5% lên 40.900 đồng/cổ phiếu, SHS tăng 6,5% lên 40.900 đồng/cổ phiếu. Các mã này cũng có thanh khoản sôi động, chỉ đứng sau SHB, trong đó PVS khớp lệnh gần 16,6 triệu đơn vị; SHS khớp hơn 14 triệu đơn vị, VND khớp 9,75 triệu đơn vị.
Trái lại, cặp đôi lớn cổ phiếu ngân hàng là SHB và NVB tiếp tục nới rộng biên độ giảm. Cụ thể, SHB giảm 2% xuống mức 29.200 đồng/cổ phiếu và NVB giảm 2,6% xuống 18.800 đồng/cổ phiếu.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cũng như các mã lớn, cổ phiếu nóng HUT cũng giảm nhiệt sau phiên tăng tốc cuối tuần trước. Kết phiên, HUT tăng 5,1% lên mức 8.200 đồng/cổ phiếu và khớp 8,54 triệu đơn vị, chỉ bằng 1/2 mức thanh khoản trong phiên trước.
Trên UPCoM, mặc dù thị trường đảo chiều hồi phục ngay khi bước vào phiên chiều nhưng lực bán gia tăng đã khiến UPCoM-Index quay đầu giảm. Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,11 điểm (tương đương 0,12%) xuống 88,83 điểm với 194 mã tăng và 105 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 88,93 triệu đơn vị, giá trị 1.655,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 40,51 triệu đơn vị, giá trị 857,52 tỷ đồng.
Đáng chú ý trong ngày 15/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền để Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) chốt danh sách cổ đông phát hành hơn 44,4 triệu cổ phiếu trả cổ tức năm tài chính 2019-2020. Tỷ lệ phát hành 10%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 10 cổ phiếu mới. Giá trị phát hành theo mệnh giá hơn 444 tỷ đồng.
Nguồn vốn phát hành lấy từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến 30/9/2020 theo BCTC hợp nhất đã kiểm toán. Năm tài chính của Hoa Sen Group bắt đầu từ 1/10 và kết thúc vào 30/9 năm tiếp theo. Kết quả kinh doanh, năm tài chính 2019-2020 Hoa sen Group đạt 27.530 tỷ đồng doanh thu, giảm 1,8% so với năm trước đó. Nhờ tiết giảm chi phí, đặc biệt là chi phí giá vốn nên lợi nhuận sau thuế hơn gấp 3 lần cùng kỳ, đạt 1.153 tỷ đồng.
Ngày 15/6 là ngày giao dịch không hưởng quyền để CTCP Chứng khoán SSI (mã chứng khoán SSI) chốt danh sách cổ đông chi trả cổ tức năm 2020 bằng tiền tỷ lệ 10%. Thời gian thanh toán 15/7/2021.
End of content
Không có tin nào tiếp theo