Chứng khoán

Thị trường chứng khoán 15/6: Thận trọng khi thị trường giằng co

DNVN - VN-Index có phiên giao dịch ngày 15/6/2021 tương đối ảm đạm khi khối lượng giao dịch thấp hơn mức trung bình 20 phiên. Chỉ số VN-Index tăng giảm xen kẽ trong phiên, nhưng chỉ số vẫn kết thúc phiên tăng nhẹ gần 6 điểm, đạt mức 1,367.36 điểm.

Chiến lược đầu tư chứng khoán tuần 14/6 – 18/6/2021 / Quỹ ETF MV Index Solutions bổ sung danh mục cổ phiếu quý 2 với nhiều cổ phiếu mới

VN-Index có phiên giao dịch ngày 15/6/2021 tương đối ảm đạm khi khối lượng giao dịch thấp hơn mức trung bình 20 phiên. Chỉ số VN-Index tăng giảm xen kẽ trong phiên, nhưng chỉ số vẫn kết thúc phiên tăng nhẹ gần 6 điểm, đạt mức 1.367,36 điểm.

Về mặt kỹ thuật. trong phiên giao dịch ngày 15/6/2021, VN-Index có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, chỉ số tạo cây nến có thân nhỏ khi test đỉnh cũ liền kề cho thấy tâm lý giằng co của nhà đầu tư. Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch gần đạt mức trung bình 20 ngày. Chỉ báo Stochastic Oscillator đã cho tín hiệu mua. Chỉ báo MACD đang tiến gần đường signal. Nếu chỉ báo này cũng xuất hiện tín hiệu tương tự thì tình hình của chỉ số sẽ khả quan hơn. Vùng 1.390-1.410 điểm (ngưỡng Fibonacci Projection 100%) vẫn sẽ là mục tiêu mà chỉ số đang hướng đến. Trong trường hợp chỉ số xuất hiện điều chỉnh bất ngờ thì trendline tăng ngắn hạn (bắt đầu từ tháng 01/2021) sẽ là hỗ trợ gần nhất. Đường Middle Band cũng đang ở gần hỗ trợ này nên độ tin cậy là khá cao.

Chỉ số HNX-Index tạo cây nến thân nhỏ cho thấy sự phân vân của nhà đầu tư. Khối lượng giao dịch sụt giảm trở lại (dưới mức trung bình 20 phiên) chứng tỏ tâm lý thận trọng của nhà đầu tư. Nếu đà tăng được duy trì thì nhiều khả năng chỉ số sẽ tiến đến test vùng 330-340 điểm (ngưỡng Fibonacci Projection 100%). Chỉ báo Stochastic Oscillator đã cho mua, qua đó ủng hộ cho khả năng này. Ngược lại, vùng 290-300 điểm (đỉnh cũ đã bị vượt qua của tháng 4/2021 và đường SMA 50 ngày) sẽ là hỗ trợ quan trọng nếu chỉ số rung lắc mạnh trở lại.

Quay trở lại phiên giao dịch, sàn HOSE có 183 mã tăng và 198 mã giảm, VN-Index tăng 5,64 điểm (tương đương 0,41%), lên 1.367,36 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 730,94 triệu đơn vị, giá trị 24.425,3 tỷ đồng, giảm gần 6% về khối lượng và hơn 3% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 24,37 triệu đơn vị, giá trị 1.241,4 tỷ đồng.

Rổ VN30 có 12 mã tăng và 15 mã giảm, cùng BID, MBB, KDH đứng tham chiếu, với điểm đáng chú ý là bộ 3 cổ phiếu nhà Vin đều nhích lên, trong đó, VRE +2,8% lên 32.850 đồng, VHM +2,5% lên 112.600 đồng, VIC +1,4% lên 121.700 đồng.

Tăng tương đối tốt còn có REE +2,5% lên 56.900 đồng, BVH +2% lên 61.200 đồng, HDB +1,9% lên 34.750 đồng, còn VNM, NVL, VCB, VJC, PDR, TCH nhích nhẹ.

Trái lại, VPB đã bất ngờ bị bán mạnh trở lại trong phiên chiều và có thời điểm rơi xuống mức giá sàn, trước khi đóng cửa -6,2% xuống 66.500 đồng, trở thành lực cản lớn nhất đối với thị trường. Thanh khoản phiên này VPB dẫn đầu HOSE với hơn 37,8 triệu đơn vị khớp lệnh. Mã ngân hàng giảm sâu có SBT giảm 3,8% xuống 20.500 đồng. Phần còn lại giảm nhẹ như MSN, HPG, PLX, TCB, TPB, CTG, GAS, MWG.

Bên cạnh một số bluechip thanh khoản cao như VPB, STB, MBB, HPG, CTG, PLX thì còn lại phần lớn là các cổ phiếu thuộc Midcap. Trong đó, chiếm phần lớn là các cổ phiếu bất động sản, xây dựng, khu công nghiệp như KBC, D2D, HCD đã tăng kịch trần, SCR tăng 5,7% lên 12.150 đồng, HBC tăng 3,3% lên 15.700 đồng, DIG tăng 2,7% lên 26.200 đồng, SZC tăng 4,9% lên 40.900 đồng, IJC tăng 2,2% lên 33.000 đồng, trong đó, KBC khớp lệnh đột biến với hơn 20,8 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán vẫn duy trì sức hút với FTS nổi bật nhất khi tăng hết biên độ tăng 7% lên 34.500 đồng, HCM tăng 6,5% lên 44.900 đồng, VCI tăng 4,1% lên 102.000 đồng, APG tăng 4% lên 11.650 đồng. Ngược lại, TSC lùi về mức giá sàn tại 12.850 đồng, khớp hơn 6,11 triệu đơn vị, cổ phiếu liên quan là FIT giảm 2,9% xuống 14.950 đồng, LPB bị chốt lời mạnh và giảm 5,5% xuống 29.000 đồng, PVD giảm 2% xuống 22.450 đồng, ANV giảm 4,6% xuống 28.800 đồng.

Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index dần nhích lên trong phiên chiều, nhưng với việc SHB nới rộng đà giảm đã ảnh hưởng mạnh đến chỉ số này, khiến thêm một lần lùi về tham chiếu và đóng cửa trong sắc đỏ. Đóng cửa, sàn HNX có có 73 mã tăng và 116 mã giảm, HNX-Index giảm 0,72 điểm (tương đương 0,22%), xuống 318,29 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 152,9 triệu đơn vị, giá trị 4.134,4 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 72,6 triệu đơn vị, giá trị hơn 2.270 tỷ đồng.

SHB giảm mạnh 4,1% xuống 28.000 đồng, khớp lệnh hơn 31,3 triệu đơn vị, cao nhất HNX. Bên cạnh đó PVS giảm 2% xuống 28.700 đồng, BVS giảm 1,7% xuống 28.800 đồng, PVI giảm 2,5% xuống 43.700 đồng, CEO giảm 1,9% xuống 10.200 đồng, và không ít mã giảm điểm khác tại TNG, PVC, HUT, ART, TVB, VCS. Tạo lực đỡ lớn là SHS tăng 5,6% lên 43.200 đồng, khớp lệnh chỉ sau SHB với hơn 17,4 triệu đơn vị, VND tăng 2,8% lên 44.700 đồng, PAN tăng 1,5% lên 27.300 đồng, trong khi BSI, MBS chỉ còn nhích nhẹ. Đặc biệt, cổ phiếu IDC vọt lên mức giá trần +9,7% lên 39.400 đồng, khớp hơn 11,4 triệu đơn vị.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,05 điểm (tương đương 0,05%), lên 88,87 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 71,6 triệu đơn vị, giá trị 1.304,1 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 16,5 triệu đơn vị, giá trị 386,8 tỷ đồng.

Trong bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ như hiện tại, xác suất chỉ số điều chỉnh giảm trong những phiên tiếp theo trước áp lực chốt lời ngắn hạn vẫn là đáng kể, tuy nhiên diễn biến tích cực trong phiên hôm nay cho thấy đã xuất hiện sự cải thiện nhất định trong kỳ vọng chung của nhà đầu tư về triển vọng chung của thị trường. Nhà đầu tư tạm thời chỉ nên cân nhắc giải ngân thăm dò với tỷ trọng nhỏ khi mà chỉ số vẫn đang ở quanh ngưỡng 1,370 điểm và chưa nên sử dụng đòn bẩy. Mục tiêu hiện tại vẫn là tích lũy dần các cổ phiếu duy trì được tiềm năng tăng trưởng tích cực trong nửa cuối năm 2021 cho danh mục đầu tư trung – dài hạn.

Minh Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Xem nhiều nhất

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm