Thị trường chứng khoán 25/5: VN-Index vượt mốc 1.300 điểm sau 5 phiên tăng liên tiếp
Khối ngoại bán ròng kỷ lục hơn 1 tỷ USD từ đầu năm 2021 / Chiến lược đầu tư tuần 24/5 – 28/5/2021
Nhịp hồi phục của thị trường được nối dài trong phiên hôm nay. Sự bứt phá của các cổ phiếu bluechips đã giúp các chỉ số bật tăng mạnh ngay từ đầu phiên và dễ dàng vượt mốc 1.300 điểm. Thanh khoản duy trì ổn định ở mức cao cả về giá trị và khối lượng giao dịch. Sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép giúp VN-Index nhẹ nhàng chinh phục đỉnh cao lịch sử mới khi chốt phiên ngày 25/5.
Chỉ số liên tiếp vượt các mức kháng cự mạnh như 1.290 và 1.300, khi các cổ phiếu vốn hóa lớn thay nhau thể hiện vai trò dẫn dắt. Dòng tiền mạnh mẽ đổ vào thị trường đang là yếu tố chính hỗ trợ cho xu hướng tăng điểm trên thị trường chung.
Về kỹ thuật, đồ thị ngày VN-Index xuất hiện cây nến xanh thứ 5, với giá đóng cửa nằm ngoài dải ‘Bollinger band’ trên, là tín hiệu khá tích cực. Điều này cho thấy bên mua đang tạm thời chiếm ưu thế. Trong kịch bản tích cực, VN-Index sẽ kiểm tra vùng kháng cự gần 1.310-1.315 điểm, vùng kháng cự tiếp theo dự báo ở mức 1.320-1.325 điểm. Trong kịch bản tiêu cực, vùng hỗ trợ gần của VN-Index dự báo ở mức 1.300-1.305 điểm, vùng hỗ trợ tiếp theo dự báo ở mức 1.290-1.295 điểm.
Biểu đồ kỹ thuật chỉ số VN-Index.
Quay trở lại phiên giao dịch, sau chút rung lắc nửa đầu phiên sáng, thị trường đã nhanh chóng lấy lại đà tăng và VN-Index nhẹ nhàng vượt ngưỡng kháng cự 1.300 điểm với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng và thép. Bước vào phiên giao dịch chiều, dòng tiền tiếp tục chảy mạnh vào 2 nhóm trụ này, sau đó lan tỏa dần ra một số mã khác, giúp VN-Index nới rộng đà tăng. Tuy nhiên, sau thời gian giao dịch thông suốt, 3 phiên gần đây, hiện tượng nghẽn lệnh lại tái diễn trên sàn HOSE khi thanh khoản qua ngưỡng 20.000 tỷ đồng.
Đóng cửa, với 212 mã tăng và 193 mã giảm, chỉ số VN-Index tăng 10,6 điểm (+0,82%) lên 1.308,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 679,1 triệu đơn vị, giá trị 21.246,34 tỷ đồng, giảm hơn 5% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên 24/5. Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 40 triệu đơn vị, giá trị gần 1.832 đồng.
Các mã ngân hàng giúp duy trì đà tăng cho VN-Index, TPB tăng 5,2% lên 35.100 đồng, các mã MBB, VCB, EIB, HDB, LPB đều tăng từ 2-3%, các mã ACB, BID, TCB, STB tăng hơn 1%. Đặc biệt, SSB tăng kịch trần lên 34.850 đồng, khớp 3,7 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần khá lớn. Ở chiều ngược lại, CTG quay đầu giảm 0,2% về 51.100 đồng, VIB lùi về tham chiếu 61.000 đồng.
Trong nhóm thép, HPG tăng 3,1% lên 67.400 đồng, HSG tăng 5,8% lên 40.200 đồng, khớp 19,8 triệu đơn vị, SMC tăng 4,5% lên 39.800 đồng, POM tăng 4,3% lên 18.100 đồng, TLH tăng 4% lên 18.400 đồng, NKG tăng 3,8% lên 31.750 đồng, VIS tăng 2,6% lên 20.000 đồng...
Các mã lớn khác, ngoài VIC đảo chiều tăng nhẹ, còn có MSN tăng 1,4% lên 113.600 đồng, VRE tăng 1,1% lên 31.200 đồng, BVH tăng 1,7% lên 55.200 đồng, GAS tăng 1,7% lên 82.900 đồng
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, cổ phiếu họ FLC được giao dịch mạnh, nhưng ngoại trừ FIT tăng trần lên 12.600 đồng, còn lại đa phần giảm điểm như ROS -3,9% về 6.610 đồng, AMD -3% về 6.100 đồng, HAI -4,2% về 4.580 đồng, FLC đứng giá 12.150 đồng. ROS khớp 21,25 triệu đơn vị, AMD là hơn 19 triệu đơn vị, FLC 17,36 triệu đơn vị, FIT là 9,5 triệu đơn vị và HAI là 8,84 triệu đơn vị.
Với 99 mã tăng và 116 mã giảm, chỉ số HNX-Index tăng 1,26 điểm (+0,42%) lên 301,59 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt gần 131,1 triệu đơn vị, giá trị 2.896,12 tỷ đồng, tăng 23% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên 24/5. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 11,66 triệu đơn vị, giá trị 318,6 tỷ đồng.
Các mã bluechips tăng tích cực trong phiên chiều đã giúp HNX-Index bật tăng, cho dù lượng mã giảm chiếm ưu thế hơn. Trong đó, PVS tăng 3,7% lên 22.700 đồng, NVB tăng 3,4% lên 18.000 đồng, SHB quay đầu tăng 0,7% lên 29.400 đồng, cùng với các mã chứng khoán như SHS, MBS, BVS tăng từ 2-6% và THD cũng tăng 0,4% lên 196.600 đồng. Về thanh khoản, SHB dẫn đầu sàn với 17,54 triệu đơn vị, tiếp theo đó là PVS với 15,84 triệu đơn vị, NVB là 11,43 triệu đơn vị và SHS khớp 8,9 triệu đơn vị.
UPCoM-Index tăng 0,27 điểm (tương đương 0,33%) lên 82,91 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 95,80 triệu đơn vị, giá trị 1.743,63 tỷ đồng, tăng 98% về khối lượng và 116% về giá trị so với phiên 24/5. Giao dịch thỏa thuận có thêm 37,74 triệu đơn vị, giá trị 540,5 tỷ đồng, với chủ yếu đến từ hơn 30 triệu cổ phiếu SGB ở mức giá sàn, trị giá hơn 393,6 tỷ đồng.
BSR tiếp tục giao dịch vượt trội so với phần còn lại với hơn 15,44 triệu đơn vị được sang tên, trong khi mã thanh khoản đứng thứ 2 là ABB chỉ với hơn 4,3 triệu đơn vị. Kết phiên, BSR tăng 3,1% lên 15.700 đồng, ABB tăng 1% lên 19.600 đồng. Ngược lại, BVB giảm 2,1% về 18.300 đồng, khớp lệnh thứ 3 với 3,52 triệu đơn vị.
Về giao dịch khối ngoại, họ tiếp tục bán ròng nhưng áp lực đã giảm đáng kể, chỉ còn 86,7 tỷ đồng trong phiên ngày 25/5. Lực bán tập trung chủ yếu vào HPG (-105,9 tỷ đồng) và VIC (-83 tỷ đồng). Trên HoSE, khối ngoại đã bán ròng 2,47 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị 86,3 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng 2,2 triệu cổ phiếu PLX, chiếm hơn 2/3 tổng giá trị giao dịch của PLX trong phiên, trị giá 122,7 tỷ đồng. Khối này cũng mua ròng hơn 750.000 cổ phiếu VRE, ngoài ra mua ròng VNM, VPB, VCB. Trên HNX, khối ngoại có phiên bán ròng thứ 2 liên tiếp với giá trị 28,16 tỷ đồng và trên UPCom, khối ngoại trở lại mua ròng 27,8 tỷ đồng trong phiên giao dịch hôm nay.
Nhà đầu tư được khuyến nghị tập trung vào các cổ phiếu dẫn dắt đang duy trì được sức mạnh tăng giá ngắn hạn và thu hút được dòng tiền trên thị trường, bên cạnh đó tiếp tục cập nhật các thông tin trên thị trường hàng hóa quốc tế để có thể kịp thời cơ cấu danh mục nếu xuất hiện các diễn biến mới trong những phiên tới.
End of content
Không có tin nào tiếp theo