Thị trường chứng khoán 26/4: Thị trường biến động thất thường, VN-Index giảm 32 điểm
Triển vọng chứng khoán châu Á bị che phủ khi chứng khoán Trung Quốc sụt giảm / Thị trường chứng khoán 23/4: VN-Index bất ngờ tăng 20 điểm, nhà đầu tư tiếc nuối khi bán tháo quá sớm
Sau những phút đầu có được đà tăng nhẹ, VN-Index đã liên tục biến động để mất tới hơn 20 điểm trong phiên sáng và hơn 30 điểm trong phiên chiều, thành quả tăng điểm trong suốt tháng 4 đã mất đi.
Mua bán hoảng loạn trong các nhịp bull-bear trap của thị trường, nhà đầu tư không vững vàng đang hành động nháo nhào. Thị trường chứng khoán rơi vào trạng thái biến động liên tục trong biên độ rộng. Nếu nhà đầu tư không kiểm soát được tâm lý đầu tư sẽ dễ bị những cạm bẫy trên thị trường cuốn theo nhanh chóng.
Phiên hồi phục ngày cuối tuần trước 23/4 sau màn lao dốc mạnh trước đó chưa đủ giúp nhà đầu tư vững tâm hơn khiến thanh khoản thị trường tiếp tục sụt giảm. Bên cạnh đó, áp lực bán bảo vệ thành quả trong bối cảnh thị trường đang có nhiều bất ổn đã nhanh chóng đẩy VN-Index về dưới mốc tham chiếu ngay khi sang đợt khớp lệnh liên tục.
Áp lực bán ngày càng gia tăng mạnh khiến thị trường lùi sâu hơn. Chỉ số VN-Index giằng co quanh mốc 1.240 điểm sau hơn 1 giờ giao dịch với sắc đỏ chiếm áp đảo, hơn gấp đôi số mã tăng, trong đó nhóm cổ phiếu bluechip cũng phần lớn giao dịch dưới mốc tham chiếu.
Trong khi thị trường chung đang chịu sức ép bán ra thì cổ phiếu HAG lại là điểm nhấn. Nếu trong 2 phiên trước, áp lực bán tháo diễn ra mạnh khiến HAG nằm sàn với lượng dư bán sàn chất đống, thì trong phiên sáng nay, lực cầu bắt đáy nhập cuộc mạnh và ngay từ đầu phiên, đã giúp cổ phiếu này hồi phục. Sau gần 90 phút giao dịch, cổ phiếu HAG đã tăng 4% với thanh khoản sôi động đạt gần 15,5 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu nhà FLC gồm FLC, ROS, HAI, AMD, KLF đều bị đẩy bán mạnh và hiện đồng loạt đều giảm sàn với khối lượng giao dịch của FLC và ROS khá lớn.
Chốt phiên giao dịch 26/4, sàn HOSE có tới 340 mã giảm và chỉ 91 mã tăng, chỉ số VN-Index giảm 31.76 điểm (-2,62%) xuống 1.215,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 744 triệu đơn vị, giá trị 19.295 tỷ đồng,
Sàn HNX cũng có tới 134 mã giảm và chỉ 38 mã tăng, HNX-Index giảm 2,95 điểm (-1,04%), xuống 280,68 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 141 triệu đơn vị, giá trị 2.633 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,76 triệu đơn vị, giá trị tương ứng 32,38 tỷ đồng.
Trên UPCoM, thị trường cũng không tránh khỏi xu hướng chung khi áp lực bán ngày càng gia tăng đã đẩy UPCoM-Index dần lùi xa mốc tham chiếu. Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,98 điểm, xuống 79,42 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 54,75 triệu đơn vị, giá trị 704,77 tỷ đồng.
Giai đoạn này là giai đoạn nhiều doanh nghiệp tổ chức Đại hội cổ đông. Nhà đầu tư cần xem xét kỹ lưỡng kế hoạch kinh doanh của doanh nghiệp để củng cố cho quyết định mua/bán cho mình bởi khi vào vùng điểm trên 1.200 điểm thì việc kỳ vọng một nhịp hồi phục trên diện rộng sẽ khó lòng xảy ra nhưng có thể nhiều doanh nghiệp sẽ là điểm sáng đầu tư.
End of content
Không có tin nào tiếp theo