Thị trường chứng khoán giảm mạnh nhưng vẫn tăng 14,5% so với cuối năm 2022
Ủy ban chứng khoán xử phạt Mía đường Cần Thơ do vi phạm công bố thông tin / Cảnh báo ứng dụng đầu tư chứng khoán Greenstock, Infina, Savenow, BUFF hoạt động không phép
Theo Bộ Tài chính, trong tháng 9, thị trường chứng khoán có các phiên tăng, giảm đan xen, thanh khoản thị trường cũng có xu hướng cải thiện. Tuy nhiên, trước tác động tiêu cực trên thị trường chứng khoán thế giới, áp lực gia tăng tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu để hút tiền trong lưu thông, thị trường chứng khoán đã giảm mạnh trong các phiên gần đây.
Tính đến ngày 26/9, VN-Index đạt 1.153,37 điểm, giảm 5,78% so với cuối tháng trước, song vẫn tăng 14,5% so với cuối năm 2022. Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.008 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cuối năm 2022.
Đến cuối tháng 9, thị trường có 742 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên trên sàn HoSE và HNX, 860 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM (sàn giao dịch chứng khoán của các công ty phát hành cổ phiếu nhưng chưa đăng ký hoặc chưa đủ điều kiện cần thiết để niêm yết trên sàn HoSE hoặc HNX) và 7,65 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán. Giá trị giao dịch tháng 9 bình quân đạt 26,6 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 3,7% so với bình quân tháng trước, bình quân 9 tháng đạt khoảng 17,3 nghìn tỷ đồng, giảm 14,3% so với bình quân năm 2022.
Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm bảo đảm sự phát triển lành mạnh của thị trường. Bộ đã ban hành 324 quyết định xử phạt, với tổng số tiền xử phạt 32,1 tỷ đồng.
Về thị trường trái phiếu, hiện nay thị trường có 455 mã trái phiếu niêm yết. Quy mô giao dịch bình quân tháng 9 đạt 6,4 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 10% so với tháng trước. Bình quân 9 tháng đạt 5,8 nghìn tỷ đồng/phiên, giảm 24,1% so với bình quân năm 2022.
Tính đến ngày 15/9/2023, có 51 doanh nghiệp đã phát hành với khối lượng 123 nghìn tỷ đồng (giảm 60,4% so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 46% (56,9 nghìn tỷ đồng); 53,7% khối lượng trái phiếu phát hành có tài sản bảo đảm.
Khối lượng mua lại trái phiếu trước hạn là 168,9 nghìn tỷ đồng (gấp 1,39 lần so với cùng kỳ năm 2022). Cơ cấu nhà đầu tư mua trái phiếu doanh nghiệp chủ yếu là tổ chức trong nước (92%), nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng thấp (5,18%).
End of content
Không có tin nào tiếp theo