Thị trường

Chuyên gia khuyến cáo những yếu tố "sống còn" giúp hàng Việt rộng cửa cạnh tranh tại Hoa Kỳ

DNVN - Để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ và các thị trường lớn khác, các doanh nghiệp cần liên tục hợp lý hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng để tăng cường sức cạnh tranh, giảm thiểu chi phí, tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng cao, khác biệt.

Đà Nẵng: Chỉ số giá tiêu dùng tăng, nhiều giải pháp ổn định thị trường được đưa ra / Sản xuất công nghiệp Đà Nẵng có tín hiệu phục hồi

Hai nguyên nhân khiến xuất khẩu sang Mỹ sụt giảm trong 6 tháng

Tham dự trực tuyến hội nghị kết nối giao thương, xúc tiến xuất khẩu trong khuôn khổ hội chợ quốc tế EWEC - Đà Nẵng 2023 đang diễn ra, ông Trần Minh Thắng -Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco (Hoa Kỳ) cho biết hiện Việt Nam là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ 7 của Hoa Kỳ với kim ngạch hai chiều năm 2022 đạt 123,86 tỷ USD; trong đó Hoa Kỳ nhập khẩu từ Việt Nam 109,38 tỷ USD và xuất khẩu sang Việt Nam 14,47 tỷ USD.

Ông Trần Minh Thắng, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco chia sẻ nhiều thông tin hữu ích về thị trường Hoa Kỳ hiện nay.

Ông Trần Minh Thắng, Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco chia sẻ thông tin.

Những năm gần đây xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ luôn tăng trưởng do cơ cấu hàng hóa ngày càng có thêm nhiều sản phẩm mới. Trước đây Việt Nam chủ yếu xuất sang Hoa Kỳ hàng may mặc, giày dép thì từ năm 2010 đến nay các sản phẩm điện tử, máy móc ngày càng chiếm tỷ trọng lớn hơn.

“Sự thay đổi cơ cấu hàng hóa xuất khẩu này phản ánh sự thay đổi trong chuỗi cung ứng của khu vực châu Á. Nhiều nhà sản xuất lớn từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ… đã chuyển cơ sở sản xuất sang Việt Nam. Cùng với đó, quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam – Hoa Kỳ cũng là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy mạnh hoạt động thương mại giữa hai nước”, ông Trần Minh Thắng nói.

Tuy nhiên Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco cho biết 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt 44 tỷ USD, giảm 22,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó nhiều mặt hàng giảm sâu như thủy sản, đồ gỗ, dệt may, giày dép các loại, điện thoại và các loại linh kiện…

“Có nhiều nguyên nhân khiến kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ 6 tháng đầu năm 2023 sụt giảm. Trong đó có hai nguyên nhân quan trọng nhất là tổng cầu của Hoa Kỳ sụt giảm và các nhà nhập khẩu của nước này đang hướng tới việc đa dạng hóa nguồn cung”, ông Trần Minh Thắng nhấn mạnh.

Cụ thể, ông Thắng cho biết 5 tháng đầu năm 2023, Hoa Kỳ nhập khẩu hàng hóa đạt 1.300 tỷ USD, giảm 77 tỷ USD so với cùng kỳ 2022. Nguyên do là nước này giải phóng hàng tồn kho không tiêu thụ hết do ảnh hưởng dịch COVID-19 nên nhu cầu nhập khẩu mới hàng hóa có sự sụt giảm.

Cùng với đó lạm phát của Hoa Kỳ còn ở mức rất cao, lãi suất cao dẫn đến tài chính cá nhân bấp bênh nên người tiêu dùng do dự khi mua sắm hàng hóa. Đơn cử, theo số liệu của Ủy ban Thương mại quốc tế Hoa Kỳ, dự kiến nhập khẩu giày dép của nước này năm 2023 giảm khoảng 25% so với năm 2022. Nhập khẩu hàng may mặc 5 tháng đầu năm 2023 cũng giảm gần 23% so cùng kỳ năm ngoái.

Về việc các nhà nhập khẩu của Hoa Kỳ đang hướng tới đa dạng hóa nguồn cung, ông Trần Minh Thắng cho biết chiến lược này sẽ trở nên phổ biến ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau trong những năm tới để đối phó với tình trạng không chắc chắn trên thị trường và giảm thiểu rủi ro cho chuỗi cung ứng.

Theo đó, các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ tìm nguồn hàng ở nhiều quốc gia với nhiều nhà cung cấp hơn; cải thiện sự linh hoạt và giảm thiểu rủi ro nguồn cung; giảm sự phụ thuộc vào các nguồn cung từ Trung Quốc; đồng thời tìm hiểu các cơ hội để tìm nguồn hàng từ các thị trường gần.

Ông Trần Minh Thắng nhận định, Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng đầu vào thị trường Hoa Kỳ ở các lĩnh vực dệt may, da giày, đồ gỗ… nên chắc chắn sẽ chịu áp lực rất lớn về chia sẻ thị phần từ các nước có thị phần nhỏ hơn do sự thay đổi chiến lược của các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ.

Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ tăng cường hợp tác, thúc đẩy trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước.

Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ tăng cường hợp tác, thúc đẩy trao đổi thương mại hai chiều giữa hai nước.

“Trong bối cảnh thị trường có nhiều thay đổi, chi phí đầu vào của sản xuất như lao động, lãi suất, tỷ giá, logistics… còn nhiều bất lợi thì thời gian tới có lẽ chúng ta cần xác định lại mục tiêu, thay vì tập trung phát triển về lượng thì cần dịch chuyển sản xuất, nâng cao năng lực để đáp ứng những đơn hàng phức tạp hơn ở những phân khúc thị trường cao hơn”, ông Trần Minh Thắng kiến nghị.

Những lưu ý giúp hàng Việt "rộng cửa" vào thị trường Hoa Kỳ

Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại San Francisco cho biết, theo thống kê mới nhất thì tăng trưởng kinh tế của Hoa Kỳ quý 2/2023 đạt 2,4%, cao hơn mức kỳ vọng của nhiều nhà kinh tế; việc làm tăng mạnh và tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở mức thấp nhất trong lịch sử.

Lạm phát tuy còn ở mức cao nhưng đã giảm trong vài tháng gần đây và đã ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Giá năng lượng cũng giảm đáng kể… Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những diễn biến gần đây cho thấy kinh tế Hoa Kỳ có thể đạt được “hạ cánh mềm” trong năm 2023. Và theo thăm dò mới nhất của Đại học Michigan thì chỉ số tâm lý người tiêu dùng tại nước này đã tăng lên mức cao nhất trong gần 2 năm trở lại đây…

“Việc lượng lớn hàng tồn kho được giải phóng, các chỉ số kinh tế tích cực, tâm lý người tiêu dùng Hoa Kỳ được cải thiện và thường tăng cường mua sắm vào các mùa thị trường từ cuối tháng 8, đặc biệt là nhu cầu tăng cao vào dịp cuối năm thì có thể hy vọng nhập khẩu hàng hóa của nước này sẽ phục hồi nhẹ trong nửa cuối năm nay”, ông Trần Minh Thắng nhận định về triển vọng xuất khẩu vào Hoa Kỳ những tháng cuối năm 2023.

Tuy nhiên ông cũng nêu rõ, tình hình kinh tế thế giới còn rất nhiều biến động phức tạp, khó lường, đặc biệt là những rủi ro về địa chính trị ngày càng tác động tiêu cực. Do vậy để duy trì sức cạnh tranh, các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu Việt Nam cần thực hiện quyết liệt nhiều giải pháp đồng bộ.

Theo ông Trần Minh Thắng, để có thể đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa vào Hoa Kỳ và các thị trường lớn khác, các DN Việt Nam vẫn cần phải liên tục hợp lý hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng để tăng cường sức cạnh tranh, giảm thiểu chi phí.

Đồng thời tập trung sản xuất những sản phẩm chất lượng cao và sáng tạo, tạo ra sự khác biệt bằng thiết kế độc đáo và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất. Cùng với đó, cần đáp ứng nhanh hơn và linh hoạt hơn các nhu cầu về xu hướng thị trường, sở thích của người tiêu dùng.

Ngoài ra, các DN cũng cần thực hành sản xuất bền vững, có trách nhiệm xã hội - đây là điều rất quan trọng, đặc biệt là đối với thị trường Hoa Kỳ, EU. Tăng cường tìm kiếm cơ hội đa dạng hóa thị trường ngoài các thị trường truyền thống; mở rộng thị trường mới để giúp các DN có thể giảm phụ thuộc vào một thị trường duy nhất.

Ông Trần Minh Thắng cũng kiến nghị DN Việt Nam cần tiếp tục đầu tư đào tạo, phát triển nguồn lực sản xuất, tăng cường trình độ, kỹ năng lực lượng lao động để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Đồng thời đề xuất Chính phủ có các chính sách hỗ trợ về lãi suất, tỷ giá, phát triển hạ tầng, công nghiệp phụ trợ, logistics và các dịch vụ hỗ trợ thương mại khác.


Hải Châu
 

End of content

Không có tin nào tiếp theo

Cột tin quảng cáo

Có thể bạn quan tâm